Phòng, chống tệ nạn xã hội tại Quảng Ninh:

Thiếu nghiêm trọng nguồn kinh phí thực hiện

Thứ Hai, 04/05/2015, 15:57
Ngày, 4/5, tại cuộc họp bàn thông qua đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2020”, các ngành được giao thực hiện đã báo cáo trước UBND tỉnh về tình hình khó khăn nhiều mặt đang gặp phải trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH). Đây là tiền đề, vì nếu TNXH không được ngăn chặn đẩy lùi thì sao có thể thực hiện được các mục tiêu trong đề án phòng chống ma tuý mại dâm và HIV/AISD.

Hiệu quả chưa cao vì...thiếu tiền

Theo tính toán của Đề án, tổng nhu cầu kinh phí cần thiết cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh giai đoạn năm 2015-2020 trên 491 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là số tiền cho nhu cầu tối thiểu, nhóm biên soạn đề án không dám đưa ra con số cao hơn, sợ không phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn ngân sách. Trên thực tế, giai đoạn 5 năm tới, dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp; nhu cầu mở rộng, nâng cao chất lượng các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ngày càng cao.

Học viên cai nghiện tập trung cần tính đến phương án chuyển dần sang cai nghiện tại cộng đồng hoặc tại nhà.

Trong khi đó, nguồn kinh phí viện trợ từ các tổ chức quốc tế cam kết đến năm 2018 mới chỉ đáp ứng được 34% tổng nhu cầu kinh phí tối thiểu cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015-2020; kinh phí từ Trung ương và địa phương đang có sự sụt giảm. Theo tính toán, trong giai đoạn 2015-2020, kinh phí chi cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS toàn tỉnh ước tính thiếu hụt so với dự thảo đề xuất trên 190 tỷ đồng.

Đại biểu ngành Công an cho rằng công tác đấu tranh với tội phạm ma tuý ngày càng khó khăn phức tạp do đối tượng luôn tìm cách đối phó đủ mọi hình thức ranh ma quỷ quyệt và cực kỳ manh động. Nhiều chuyên án lập ra, để hiệu quả, đánh mạnh, đánh trúng cần phải có nguồn kinh phí tổ chức ở nhiều công đoạn, nhưng cũng chỉ vì thiếu kinh phí nên lực lượng chức năng buộc phải thay đổi, phải chọn cách ít hiệu quả hơn. Mặt khác, khâu đấu tranh trước các loại tội phạm về ma tuý cần phải được xác định là "lõi" của công cuộc phòng chống TNXH, chống HIV. Bởi nếu không ngăn chặn và đẩy lùi loại tội phạm này thì có bao nhiêu tiền chăng nữa cũng không sao dập tắt được TNXH, dập tắt HIV.

Trong dự thảo nói trên đã căn cứ vào diễn biến thực tế tình hình dịch HIV/AIDS, để đưa ra 3 nhóm giải pháp gồm: nhóm giải pháp về huy động kinh phí, nhóm giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí và nhóm giải pháp về nâng cao năng lực quản lý chương trình nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí. Trong khi đó, Sở LĐ-TB&XH trình bày các dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ công tác phòng, chống ma túy, phòng, chống tệ nạn xã hội; chính sách hỗ trợ đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020 nhằm thu thập ý kiến đóng góp, đánh giá, làm rõ những thay đổi về tình hình cai nghiện ma túy hiện nay; bổ sung số liệu thống kê, khái toán kinh phí; làm rõ thêm một số cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tệ nạn xã hội... Nhưng tất cả đều gặp phải trở ngại cuối cùng: Thiếu kinh phí thực hiện.

Khó cũng phải làm

Về những vấn đề nêu trên, bà Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, công cuộc đấu tranh và phòng chống TNXH là nhiệm vụ quan trọng, song hành với mục tiêu tăng tốc phát triển kinh tế xã hội của Quảng Ninh. Đề án đưa ra trong thời điểm hiện tại là đáp ứng mong mỏi của toàn dân, và hữu ích trong công tác chỉ đạo điều hành của Đảng, chính quyền các cấp. Mặc dù trong dự thảo Đề án còn có những vấn đề chưa làm rõ, né tránh thực tế nhất là nguồn kinh phí để sớm được thông qua, nhưng tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan bổ sung đánh giá thực trạng, đưa ra dự báo tình hình để thấy rõ tính cấp thiết của vấn đề; đồng thời lập dự toán kinh phí gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để tập hợp hoàn thiện vào tờ trình UBND tỉnh trước ngày 15/5. Đến lúc đó, UBND tỉnh sẽ lấy ý kiến thẩm định từ các ban ngành, trình HĐND tỉnh ra nghị quyết thực hiện.

Lãnh đạo tỉnh thăm khu dạy nghề cho các học viên cai nghiện ma tuý tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội tỉnh Quảng Ninh.

Đối với dự thảo Nghị quyết chính sách hỗ trợ đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội tỉnh tại Vũ Oai, Hoành Bồ, giai đoạn 2016-2020, Phó Chủ tịch Vũ Thị Thu Thuỷ giao Sở  Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục trưng cầu và tiếp thu ý kiến đóng góp của các sở, ngành để bổ sung, chú ý làm rõ sự cần thiết, hiệu quả xã hội của Nghị quyết; hoàn thành trước ngày 10/5, gửi các đơn vị thẩm định.

Về phía tỉnh, kinh phí cho tất cả các hoạt động kinh tế xã hội rất lớn, nguồn thu chưa có bước đột phá, tuy nhiên, không vì thế mà thu hẹp hoặc giảm tần suất hoạt động trong công tác phổ biến, tuyên truyền và nhất là khâu đấu tranh phòng chống tội phạm ma tuý, cai nghiện. Chỉ cần có giải pháp hợp lý, khả thi, kinh phí từng giai đoạn đề án cần hợp lý là có thể cân đối nguồn. Thậm chí trong một số khâu như cai nghiện, giáo dục dạy nghề có thể mở rộng theo hình thức xã hội hoá. Không để công tác này hạn chế chỉ vì khó khăn, bó hẹp nguồn kinh phí.

Lê Minh Triết
.
.
.