Nghệ An:

Liên tiếp xảy ra tai nạn đuối nước tại Nghệ An

Thứ Tư, 27/05/2015, 11:14
Mới đầu mùa hè, trong vòng chưa đầy 1 tháng, trên địa bàn Nghệ An đã xảy ra hơn 10 vụ đuối nước làm 18 em học sinh chết đuối thương tâm. Nếu tính cả đầu năm 2015 đến nay thì con số này xấp xỉ 30 em. Vậy đâu là nguyên và giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tai nạn đuối nước ở trẻ em?

Theo UB bảo vệ và chăm sóc trẻ em thì Việt Nam là một trong số 10 nước có tỉ lệ trẻ em bị tai nạn đuối nước cao nhất thế giới . Đặc biệt Nghệ An là tỉnh có nhiều ao hồ, sông suối, kênh rạch nên tỉ lệ này tương đối cao. Chỉ tính riêng năm 2014 đã có tới 76 em bị chết vì đuối nước.

Bước vào năm 2015, mặc dù các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể đã quan tâm tổ chức tuyên truyền, ngăn chặn trẻ em đuối nước. Tuy nhiên do nhiều lý do khách quan cũng như việc giáo dục rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ còn mang nặng hình thức chưa thực tế nên tai nạn đuối nước vẫn diễn ra mà chưa có phần thuyên giảm. 

Điều đáng nói là xuất hiện dày đặc các vụ đuối nước đôi, hai em đi cùng lúc. Thậm chí có ngày tại Nghệ An có tới 5 em học sinh cùng đuối nước, tử vong (ngày 16/5).

Theo đó lần lượt trong tháng 5 xảy ra liên tiếp các vụ. Ngày 10/5, bé trai 4 tuổi Hồ Hữu Tạo (trú xóm 3 xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu) trong lúc theo ông Nội đi chơi đã sẩy chân rơi xuống ao chết đuối mà ông nội không hay biết. Đến chiều hôm đó lại xảy ra vụ hai học sinh lớp 6 xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương (Nghệ An) là Nguyễn Cẩm Tú, Nguyễn Hà My cũng bị nước sông Lam cuốn mất tích sau nhiều giờ mới tìm được thi thể. Nguyên nhân cũng do các em tranh thủ trước lúc tập văn nghệ xuống sông tắm. 

Chỉ sau đó chưa đầy 1 tuần, vào ngày 16/5 lại xảy ra vụ 3 học sinh đuối nước sau 1 đêm mới tìm thấy thi thể tại bãi biển xã Quỳnh Long huyện Quỳnh Lưu. Đắng lòng hơn là vụ tai nạn này cả hai anh em ruột trong một gia đình nghèo cũng ra đi. 

Một góc của bể bơi xã Quỳnh Đôi  huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Ngày 18/5 bé Trần Thị Thanh Thảo (3 tuổi xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu) cũng rơi xuống ruộng lúa tử vong khi theo mẹ đi gặt . Tiếp đó, chiều 24/5 em Lê Viết Kiên (8 tuổi, học lớp 2 trường Tiểu học Lạng Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) rủ em họ là Lê Viết Sang (5 tuổi) ra bãi bồi sông Lam ở gần nhà tắm. Trong lúc đang chơi đùa, cả 2 không may bị sẩy chân rơi xuống hố sâu. Khi được phát hiện thì các nạn nhân đã bị chìm, mất tích, phải mất nhiều giờ tìm kiếm, người dân mới tìm thấy thi thể của 2 anh em dưới hố bước sâu. 

Mới đây nhất, vào chiều 24/5, hai em Chu Trọng Trí và Nguyễn Văn Tình (cùng trú xã Quỳnh Lâm) rủ nhau ra cảng cá Lạch Quèn (thuộc địa phận xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) tắm biển. Trong lúc tắm hai em bơi ra xa, gặp vùng nước xoáy nên không xử lý được đã bị sóng cuốn. Phát hiện hai em gặp nạn, người dân ở gần đó đã bơi ra cứu nhưng không kịp. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tìm kiếm và đến 19 giờ tối cùng ngày mới tìm thấy được thi thể hai em.

Công văn của sở giáo dục đào tạo Nghệ An.

Để hạn chế tình trạng đuối nước của trẻ em Sở giáo dục đào tạo Nghệ An  đã có công văn yêu cầu nhà trường phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và gia đình tuyên truyền, ngăn chặn tai nạn đuối nước ở trẻ em. Đồng thời cần dạy, rèn luyện kỹ năng sống cho các đối tượng nhỏ tuổi bằng cách khuyến khích các trường học, cơ sở địa phương, tổ chức tập bơi cho các cháu nhỏ. Cần giáo dục cho trẻ không nên tắm ở những ao hồ mà chưa biết độ nông, sâu của nước. Còn khi gặp sự cố thấy bạn hoặc người bị nạn đuối nước thì việc đầu tiên phải hô hoán mọi người dân địa phương đến cứu, không nên vội vàng nhảy xuống hiện trường ngay mà phải bình tỉnh xem  xung quanh có vật gì có thể thả ra tiếp cận với người bị nạn rồi kéo nạn nhân vào bờ.  

Rất cần những buổi tuyên truyền học sinh về nạn đuối nước như thế này.

Bên cạnh đó cần coi trọng vai trò giám sát của gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể địa phương nơi các em sinh sống. Đặc biệt, khi các em tham quan, học tập, vui chơi cần phải có người theo giõi, chịu trách nhiệm. Mặt khác việc đầu tư sân chơi, điểm giải trí tập trung cho các em cần được chính quyền địa phương chú trọng và cấp kinh phí để xây dựng và cải tạo. Còn việc cắm các hệ thống biển báo “nguy hiểm” , “cấm tắm” “khu vực thường xảy ra chết đuối”…v,v cũng là điều cần thiết, nhưng bên cạnh biển báo thì ý thức của các em chưa đủ tuổi nhận biết sự nguy hiểm đó nên cần có người lớn theo giõi, chỉ dẫn.

Đào Bình
.
.
.