Về trường hợp cháu bé bị gấu cắn nát cánh tay phải:

Không thể thực hiện kỹ thuật nối vi phẫu, nguy cơ nhiễm trùng cao

Thứ Hai, 12/01/2015, 19:58
Sáng 12/1, bác sĩ Phạm Đức Minh Mẫn, Phó khoa Nhi Chỉnh hình- Bệnh viện Chấn Thương chỉnh hình TP HCM cho biết, khoảng 17h 30 chiều 12/1, khoa có tiếp nhận cháu Đ.C.D ( 3 tuổi), ngụ tại Hóc môn TP HCM được chuyển từ Bệnh viện Nhi đồng 1 tới trong tình trạng sốc mất máu và bệnh nhi rất đau đớn.
=> Chích điện con gấu để lấy cánh tay cháu bé 3 tuổi bị gấu cắn

Người nhà cho biết khi đang vui chơi cùng bà ngoại gần chuồng nuôi gấu của gia đình, cháu D. vô tình tới gần chuồng và thò tay vào đùa giỡn với con gấu bên trong và bị gấu cắn vào tay phải. Nhờ người hàng xóm gần nhà đã kịp thời tới kéo được cháu ra khỏi con gấu hung dữ và đưa đi Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu. Qua kiểm tra lâm sàng cho thấy, vết thương do gấu cắn đã làm đứt lìa cánh tay phải của cháu bé tới phần trên khuỷu tay, mức độ được đánh giá là rất nặng. Ngoài ra bệnh nhi tới trong tâm trạng rất hoảng loạn. Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã thực hiện công tác cấp cứu, đặc biệt là phòng chống nhiễm trùng, do những vết thương động vật hoang dã lớn tấn công như loài gấu gây ra thường có nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Các bác sĩ trong ê kíp trực cũng phải làm công tác tư tưởng ngay cho thân nhân bệnh Nhi với tình trạng vết thương quá nặng, do toàn bộ vùng cơ, xương trên cánh tay phải đã bị nát hết, nhất là vùng xương mỏm cụt cũng bị nát rất nhiều nên không thể làm kỹ thuật nối cánh tay phải (kỹ thuật vi phẫu) được.

Bác sĩ Phan Đức Minh Mẫn, Phó khoa Chỉnh hình- Bệnh viện Chấn       thương chỉnh hình TP HCM nói về tình trạng cháu bé

Các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật cắt lọc những phần mô, cơ, bị hoại tử tại vết thương cho bệnh nhi. Cố gắng che được 1 phần xương mỏm cụt lại để tạo điều kiện làm tay giả sau này. Tuy nhiên vùng xương mỏm cụt nơi tay phải của bệnh nhi sau 1 tháng nữa mới có thể kết luận có lắp tay giả được hay không. Với điều kiện vùng xương này không được nhiễm trùng.

Hiện, cháu bé vẫn được theo dõi sát sao. Cháu vẫn sốt cao 39 độ C. Vẫn phải truyền dịch, chất điện giải nhiều . Tình trạng nhiễm trùng vẫn đang là điều mà bác sĩ lo lắng. Ngoài ra, đánh giá về mức độ hồi phục sau này, với tình trạng vết thương như trên, chắc chắn cháu bé phải trải qua vài cuộc phẫu thuật cắt lọc. Di chứng sau này trên nền vết thương bị gấu cắn như vậy cũng là điều khó tránh. Nguy cơ di chứng cho bệnh Nhi thường gặp nhất là đoạn xương chỗ mỏm cụt sẽ chồi ra và gây đau cho bệnh nhi sau này và khó khăn khi thực hiện được việc lắp tay giả, khi đó chắc chắn sẽ phải trải qua thêm cuộc phẫu thuật để khắc phục, xử trí việc này.

Khoa Chỉnh hình- Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM nơi đang chăm sóc cho bệnh nhi.

Khoa Nhi Chỉnh hình BV Chấn thương chỉnh hình cũng cho hay, BV thời gian gần đây cũng nhận được khá nhiều trường hợp bệnh nhân cả người lớn và trẻ em bị thương do động vật hoang dã cắn, tấn công như: khỉ cắn, cá sấu, chó cắn. Nhiều nhất là các trường hợp bị khỉ, chó tấn công. Nhưng đây là lần đầu tiên BV tiếp nhận một ca bị gấu tấn công. Các vết thương do chó hay khỉ tấn công thường là vào ngón tay. Không gây việc mất cả bàn tay hay cánh tay như trường hợp này. Trước đây BV cũng tiếp nhận một trường hợp bị cá sấu cắn và bệnh nhân cũng bị đứt lìa cánh tay xuống vùng nước bẩn, không thể nối lại được.

Qua trường hợp này, các bác sĩ cũng cảnh báo tới việc nuôi thú hoang dã trong nhà và không nên cho trẻ chơi với thú dù là thú nuôi từ nhỏ...Do trẻ em chưa có ý thức khi tiếp xúc với thú vật nuôi, không biết phòng tránh an toàn cho mình, khi các cháu đùa giỡn, chọc, phá loài thú nên thường bị phản ứng, tấn công lại. Nhất là loài gấu nếu chúng đang đói mà bị trêu tức thì chắc chắn sẽ nổi giận liền, táp hay cắn lại người đối diện.

H.Nga
.
.
.