Cảnh giác những bình rượu từ vùng cao

Thứ Ba, 09/02/2010, 09:05
Những năm gần đây, khi người tiêu dùng đã quá "choáng" và bắt đầu cảnh giác với những món quà biếu là rượu Tây giả hiệu thì những bình rượu ngâm có nguồn gốc từ vùng cao lại có điều kiện lên ngôi. Những bình rượu hổ cốt, Amakông, rượu ngâm bàn tay gấu, bánh chè khỉ, bao tử hoãng, hay gần đây là rượu ngâm rễ cây thuốc phiện… trở thành những món quà biếu có giá trị.

Thần dược đâu chưa biết, nhưng sự thực, nó quí trước hết bởi nó… hiếm, và cũng do công nghệ "lăng xê", đồn thổi bốc lên tận mây xanh của dân nhậu…

Ùn ùn về xuôi…

Qua tìm hiểu được biết, các loại rượu ngâm phổ biến được đưa từ các tỉnh miền núi như: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang… về hiện nay là rượu ngâm các loại rễ, cây, lá thuốc và bộ phận các loại động vật từ đại ngàn, cao cấp nhất là các sản phẩm từ hổ (cao, dương vật, gân hổ, báo), cỡ trung trung là rượu ngâm các bộ phận của gấu (mật, bàn tay), hoẵng (bào thai), nhím (dạ dày), rắn các loại (cả con hoặc trứng rắn)... Hàng bình dân và phổ biến nhất là rượu ngâm con sâu chít, ong đất, ong khoái v.v… Tất cả những loại rượu này đều có giá trị từ 180 ngàn đồng/lít (đối với sâu chít) đến vài triệu đồng, thậm chí là cả chục triệu đồng đối với các bình rượu ngâm từ các động vật quí hiếm, như: hổ, báo, mèo rừng…

"Mùa gặt" của cánh lái xe khách tuyến các tỉnh Tây Bắc trong Tết Nguyên đán chỉ kéo dài chưa đầy chục ngày, nhưng trung bình mỗi chủ xe khách (loại 24 chỗ) chạy tuyến Điện Biên - Hà Nội đút túi 50 - 70 triệu là thường. Càng giáp Tết, các cơ quan chức năng càng siết chặt công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, nên gần đây, cánh lái xe chẳng dại gì nhồi nhét khách như trước.  "Chiêu" họ thường xuyên sử dụng để kiếm lời chính là "nhồi" hàng. Rượu cũng là một mặt hàng thường xuyên được vận chuyển về xuôi. Rượu được cho vào các can nhỏ từ 3 - 5 lít, cá biệt can 20 lít nhét dưới gầm ghế, trong cốp xe, thậm chí có thể trên nóc xe...

Người tiêu dùng cần cảnh giác

Dù người tiêu dùng hiện nay rất kỹ tính và cảnh giác với những sản phẩm từ rượu Tây đến rượu ta, nhưng trong thực tế, các loại rượu có nguồn gốc từ miền ngược bao giờ cũng được tin dùng hơn, trước hết vì tâm lý lâu nay người ta coi cái gì của vùng cao cũng sạch, cũng bổ ?!. Không phủ nhận giá trị từ những bình rượu ngâm các loại thuốc quí của đại ngàn, nhưng chúng ta cũng không lạ gì hầu hết các loại rượu ngâm người tiêu dùng đang sử dụng đều được phóng đại công dụng một cách thái quá. Dịp Tết năm ngoái, nhiều nơi đã phát sốt lên vì rượu ngâm rễ cây thuốc phiện có nguồn gốc từ Yên Bái, khi mỗi bình rượu có giá từ 2 đến 5 triệu đồng bình, tuỳ dung tích.

Cơn sốt không hạ nhiệt ngay cả khi UBND tỉnh Yên Bái ra quyết định cấm sản xuất, tiêu thụ và sử dụng loại rượu này. Gần đây, các tài liệu nghiên cứu công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, đó chỉ là thần dược của sự… đồn thổi ?!.

Nếu ở thành thị và các tỉnh đồng bằng là rượu Tây giả, thì ở miền núi, người tiêu dùng luôn phải đối mặt với rượu ngâm, rượu thuốc không rõ nguồn gốc, không được kiểm định chất lượng. Đáng chú ý, gần đây, các cơ quan chức năng Công an các địa phương ở Tây Bắc phát hiện nhiều vụ vận chuyển rượu không xuất xứ, rượu độc (có lượng cồn cực cao) từ dưới xuôi đưa lên với số lượng rất lớn.

Thượng tá Đinh Văn Hán, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Công an tỉnh Điện Biên cho biết: "Thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh và Quản lý thị trường đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển rượu không rõ nguồn gốc từ dưới xuôi lên. Không loại trừ khả năng số rượu này được chế biến, ngâm các loại thuốc của thầy lang vườn (cho có mùi thuốc bắc) rồi xuất ngược về dưới đồng bằng để tiêu thụ".

Cách đây chưa lâu, Đội Chống buôn lậu thuộc Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Công an tỉnh Điện Biên tiến hành kiểm tra xe ôtô mang biển kiểm soát 99K - 3104 do Nguyễn Bá Kham (54 tuổi), có KHTT tại Ngọc Xá, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) điều khiển, phát hiện, thu giữ 1.600 lít rượu không có nhãn mác, không có giấy phép kinh doanh, không có hoá đơn chứng từ được vận chuyển lên Điện Biên. Chủ của hơn 1.600 lít rượu này là Nguyễn Đắc Quân (33 tuổi), có KHTT tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên tiêu thụ. Qua kiểm định, cơ quan chức năng kết luận, loại rượu này có hàm lượng acid acetic, chất methano... cao hơn chuẩn cho cho phép cả ngàn lần ?!

Hiện nay, chỉ riêng tuyến Điện Biên - Hà Nội, mỗi ngày có trên 50 chuyến xe; Sơn La - Hà Nội trên 100 chuyến xe, vận chuyển hàng ngàn hành khách xuôi ngược… mang theo hàng trăm, hàng ngàn bình rượu từ miền sơn cước. Trong khi còn chưa được quản lý và kiểm soát thì người tiêu dùng hãy cảnh giác…

Vũ Mạnh Hà
.
.
.