Xung quanh việc dùng tấm lợp Fibro ximang:

Cảnh báo về “căn bệnh tử thần”

Thứ Năm, 11/12/2014, 09:15
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì việc sử dụng Amiang phải bị cấm do ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe con người. Nhưng tại cuộc hội thảo mới đây còn rất nhiều ý kiến trái chiều.

Hiện ở Việt Nam, việc sử dụng Amiang còn khá phổ biến, đặc biệt trong việc sản xuất tấm lợp Fibro ximang. Đây là loại vật liệu xây dựng đang được dùng rộng rãi, nhiều nhất ở các vùng nông thôn. Tác hại của Amiang ít nhiều đã được nhắc đến, không ít ý kiến cho rằng nó là tác nhân gây ra căn bệnh ung thư. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì việc sử dụng Amiang phải bị cấm do ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe con người. Tuy vậy, xung quanh vấn đề này, tại cuộc hội thảo sáng 10/12/2014, do Bộ Xây dựng phối hợp cùng Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức còn rất nhiều ý kiến trái chiều.

Vật liệu xây dựng chứa Amiang đang được dùng phổ biến

Theo con số của Bộ Xây dựng ở Việt Nam hiện nay, thì tấm lợp Amiang Chrysotile (tấm lợp Fibro ximang) đang đáp ứng 62% nhu cầu tấm lợp hằng năm và tạo ra công ăn việc làm cho hơn 5.000 người. Loại tấm lợp này có rất nhiều ưu điểm như không chỉ bền bỉ với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt mà còn có giá thành thấp. Cũng chính vì thế mà tấm lợp này là mặt hàng được người dân nghèo, người dân ở các vùng thường xuyên gặp thiên tai ưa chuộng. Các tấm lợp sử dụng sợi thay thế đắt hơn 30%, đây chính là một vấn đề lớn với người có thu nhập thấp.

Tại Việt Nam, ngành sản xuất tấm lợp này đã tồn tại 50 năm, kể từ năm 1963 đến nay và đã phát triển thành một ngành công nghiệp gồm 41 cơ sở với công suất thiết kế hơn 106 triệu m2/năm, sử dụng hơn 5.000 lao động. Từ năm 2008 đến nay, mỗi năm sản xuất và tiêu thụ khoảng 80-90 triệu m²/năm chiếm khoảng 60- 62% nhu cầu về tấm lợp, sử dụng bình quân 60.000-70.000 tấn Amiang chrysotile/năm. Chỉ tính trong năm 2013 sản xuất được 89 triệu m2, tiêu thụ 81,5 triệu m2 và đạt doanh thu trên 3.000 tỷ đồng. Đây thực sự là con số không nhỏ. Tấm lợp này chịu được những điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên tuổi thọ cao, giá rẻ bằng 1/3 giá tôn mạ màu loại dày 0,4mm, giá thấp hơn từ 40-50% tấm lợp sử dụng sợi thay thế.

Nhiều người dân Việt Nam vẫn đang sử dụng tấm lợp Fibro ximang mà không biết có bị ảnh hưởng đến sức khỏe hay không.

Ở Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra các giải pháp sợ thay thế. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu sau gần 20 năm cho thấy sản phẩm thay thế không đạt được kỳ vọng do có tuổi thọ thấp, chi phí cao, không phù hợp với môi trường khí hậu Việt Nam, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, rủi ro sức khỏe do Amiang gây ra cũng phổ biến như rủi ro mà các loại sợi khác đem lại. Chính vì thế cần có thời gian dài hơn để xem xét ảnh hưởng của loại sợi thay thế.

Tác nhân gây ung thư?

Nói về tác hại của Amiang đến sức khỏe con người tại hội thảo, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, Bệnh viện Đại học Y, chuyên viên Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đưa ra những con số chắc chắn sẽ khiến nhiều người phải giật mình. Trên thế giới, hiện có ít nhất 107 nghìn người chết hằng năm do ung thu phổi, ung thu trung biểu mô và bụi phổ Amiang do kết quả bị tiếp xúc nghề nghiệp với Amiang. Hiện tại không có bằng chứng nào về ngưỡng cho tác động gây ung thư của Amiang, kể cả Amiang trắng. Cách thức hiệu quả nhất để loại trừ các bệnh liên quan đến Amiang là ngừng sử dụng tất cả các loại Amiang. Bác sĩ Huyền dẫn chứng từ các tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, Amiang gây ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng, ung thư trung biểu mô (màng phổi, màng bụng)và bụi phổi Aminang. Đánh giá các vấn đề liên quan đến nghiên cứu bệnh liên quan đến Amiang ở Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, công tác giám sát sức khỏe định kỳ của người lao động thường không hiệu quả vì thời gian ủ bệnh sau khi tiếp xúc với Amiang thường kéo dài 20-30 năm. Do đó người bệnh thường phát bệnh sau khi đã nghỉ hưu.

Tiến sĩ Lê Thị Hằng, Phó Giám đốc Bệnh viện Xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng khẳng định, nguy cơ mắc bệnh do Amiang tăng theo thời gian và cường độ tiếp xúc với bụi Aminang. Theo TS Lê Thị Hằng, do những nguy cơ từ việc tiếp xúc với Amiang, các cơ sở sản xuấát tấm lợp AC phải chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất tấm lợp AC, triển khai đồng bộ các biện pháp về tổ chức lao động, các biện pháp về kỹ thuật, giám sát môi trường và sức khỏe người lao động. Các cơ quan chức năng cần tổ chức nghiên cứu, đánh giá trên diện rộng tình hình sức khỏe và nguyên nhân tử vong của cộng đồng tại địa phương, đặc biệt là những người có tiền sử tiếp xúc với Amiang và cộng đồng dân cư sử dụng sản phẩm có chứa Amiang.

Tại cuộc hội thảo, rất nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đưa ra các ý kiến trái chiều về tác hại của Amiang. Hiện, ở Việt Nam, việc người dân không chỉ đa phần ở các vùng nông thôn mà thậm chí ở các thành phố lớn vẫn đang sử dụng tấm lợp Fibro ximang. Việc ảnh hưởng sức khỏe tới hàng trăm nghìn người là một câu hỏi lớn rất cần các nhà khoa học khẳng định để xác định rõ có thể tiếp tục sử dụng hay phải cấm vĩnh viễn loại sản phẩm này?

Phan Hoạt
.
.
.