Cảnh báo từ 9 lần vỡ đường ống nước sạch sông Đà

Thứ Ba, 30/09/2014, 08:34
Đường ống nước mặt sông Đà vỡ 9 lần khiến Hà Nội phải khẩn cấp xây tuyến ống số 2 đưa nước từ Hòa Lạc về đường vành đai III (Hà Nội), đã cho thấy việc tìm kiếm nguồn nước và tiếp tục xây dựng những dự án, nhà máy cung cấp nước sạch cho người dân Thủ đô đã trở thành vấn đề cấp thiết và ngày càng hiện hữu.
>> Khởi tố vụ án vỡ đường ống nước sông Đà

Tốc độ đô thị hóa của TP Hà Nội không ngừng tăng trong những năm qua. Sự hình thành một loạt đô thị mới, các khu công nghiệp tập trung, kèm theo sự gia tăng dân số (theo số liệu dân số mới nhất, số dân Hà Nội đã vượt ngưỡng 7 triệu người), làm cho nhu cầu về nước tăng lên nhanh chóng. Điều này đã gây áp lực lớn lên các hệ thống cung cấp nước hiện có. Trong khi đó, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện nay, tổng mức khai thác nước ngầm của toàn thành phố cũng đã quá ngưỡng, với khoảng 700.000m3/ngày đêm. Nguồn nước ngầm của Hà Nội đã ở giới hạn, không thể khai thác thêm. Không chỉ đang cạn kiệt vì bị khai thác quá mức, các kết quả quan trắc nguồn nước ở Hà Nội vài năm gần đây cho thấy, nguồn nước ngầm có dấu hiệu gia tăng ô nhiễm.

Tại các khu vực đông dân cư ở phía Nam thành phố, tầng chứa nước Halocen bắt đầu nhiễm amoni, vi sinh vật và các vi nguyên tố khác. Ở cả 2 tầng chứa nước mà thành phố đang khai thác, hàm lượng sắt, măng-gan, các hợp chất nitơ đều vượt quá giới hạn cho phép. Thực tế gần đây cho thấy, các hộ dân sử dụng nước ngầm ở khu vực phía Nam thành phố, như Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng... đều phải sử dụng hệ thống lọc mới có thể sử dụng trong sinh hoạt, bởi nước ngầm thường có mùi tanh, rất khó chịu...

Thiếu nước sạch khiến người dân ở nhiều khu vực của Hà Nội phải xếp hàng, dùng xô, chậu để đi hứng nước.

Giải pháp cho vấn đề, Hà Nội phải chuyển dần sang khai thác nước mặt trước khi các nhà máy nước ngầm trong nội thành như Hạ Đình, Tương Mai và Pháp Vân sẽ lần lượt đóng cửa trong 6 đến 16 năm nữa.

Cụ thể, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội đã vừa có văn bản chỉ đạo Công ty Nước sạch Hà Nội lập dự án triển khai đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng tại huyện Đan Phượng. Nhà máy nước mặt sông Hồng sẽ cấp nước cho khu vực đô thị trung tâm Hà Nội; một phần đô thị phía Tây Hà Nội (Sơn Tây, Láng Hòa Lạc và Xuân Mai); các đô thị sinh thái Phúc Thọ, Quốc Oai và Chúc Sơn; dọc theo trục Đại lộ Thăng Long; đô thị trung tâm phía Tây Nam Hà Nội (từ vành đai III đến vành đai IV và khu vực nông thôn liền kề).

“Quy mô ban đầu của nhà máy này khoảng 300.000m3/ngày, đêm. Đến năm 2050, công suất sẽ nâng lên gấp đôi, khoảng 600.000m3/ngày, đêm. Với khu vực phía Đông Thủ đô, theo quy hoạch, Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ đặt ở khu vực Phù Đổng (Gia Lâm). Công suất của nhà máy này đến năm 2020 là 300.000m3/ngày, đêm. Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ cấp nước cho quận Long Biên, các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Phú Xuyên và một phần quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai...

Theo đó, những năm tới, Hà Nội sẽ có 24 nhà máy nước, trong đó có 3 nhà máy nước mặt là sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, với tổng công suất cấp nước năm 2020 là 1,14 triệu m3/ngày đêm. Hệ thống khai thác nước mặt sẽ dần thay thế cho nguồn nước ngầm đang dần suy kiệt và ô nhiễm. Hiện tại, với việc triển khai khai thác nguồn nước mặt, trong khi các dự án khác chưa thể xây dựng để cấp nước sạch kịp thời thì người dân Hà Nội đang trông chờ rất lớn vào nhà máy khai thác nước mặt duy nhất của thành phố tính tới thời điểm hiện nay, nằm trong Dự án đầu tư xây dựng Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông, với công suất ở giai đoạn I vào khoảng 300.000m3/ngày đêm. Dự án xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà - Hà Nội này đã được Chính phủ phê duyệt theo Văn bản số 1285/CP-CN ngày 24/9/2003 với công suất cho cả hai giai đoạn là 600.000m3/ngày đêm.

Nhìn lại vấn đề, trong vòng 5 năm đưa vào sử dụng đường ống dẫn nước sông Đà, để cung cấp nước cho hơn 200 nghìn dân, các khu công nghiệp tại phía Tây thành phố và khu vực lân cận, với 9 lần gặp sự cố trong thời gian ngắn, đã cho thấy tình trạng quá tải của áp lực cung cấp nước sạch trước nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Do đó, ngoài việc khẩn trương xây dựng những nhà máy khai thác nước mặt khác thì việc khẩn trương tiến hành giai đoạn II của Dự án xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà đã trở thành nhu cầu cấp thiết, không thể trì hoãn. Mặt khác, việc triển khai giai đoạn II của Dự án cũng là một giải pháp tối ưu, bởi trong các Dự án khai thác nguồn nước mặt Hà Nội thì nguồn nước thô mà Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (VIWASUPCO) - đơn vị thi công sản xuất nước sạch sử dụng, được tiếp nhận sau điểm xả nước của thủy điện Hòa Bình nên đã được sơ lắng qua 2 hồ thủy điện Sơn La và Hòa Bình, sau đó được lắng tiếp trên hồ Đầm Bài một hồ thủy lợi tư nhiên nên việc xử lý nước là tối ưu và đơn giản.

Tuy chính quyền TP Hà Nội, Công ty Nước sạch Hà Nội và Tổng Công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex), mà đơn vị thành viên là Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (VIWASUPCO) đã phản ứng rất nhanh chóng với tình trạng vỡ đường ống dẫn nước này. Nhưng nguyên nhân sâu xa dẫn đến chất lượng công trình kém vẫn phải sáng tỏ và người dân vẫn đang chờ đợi kết luận của cơ quan điều tra. Trước mắt, Công ty VIWASUPCO cũng đã thành lập Đội phản ứng nhanh các sự cố và quy trình xử lý nhanh sự cố tuyến ống truyền tải nước sạch sông Đà - Hà Nội, chuẩn bị máy móc, thiết bị, vật tư cần thiết túc trực 24/24 giờ để ứng phó kịp thời các trường hợp sự cố xảy ra. Nhờ vậy, thời gian khắc phục sự cố đã giảm xuống chỉ còn 11 giờ trong những lần vỡ ống tiếp theo.

Qua sự việc vỡ đường ống nước sông Đà, các cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ những nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm những tổ chức và cá nhân có liên quan để dẫn đến sự cố vỡ đường ống nước, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, qua vụ việc này, chúng ta cũng nhìn nhận ra vấn đề, Hà Nội đang ngày càng quá tải trong việc cung cấp nước sạch cho người dân và sản xuất. Để đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng đó, TP Hà Nội cần có những động thái nhanh chóng hơn để góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô một cách bền vững hơn

Trần Xuân
.
.
.