Cảnh báo hiểm họa tai nạn từ cầu treo, cầu tạm

Thứ Ba, 11/03/2014, 12:25
Vụ tai nạn sập cầu treo làm hàng chục người thương vong xảy ra tại bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu ngày 24/2 vừa qua, khiến dư luận bàng hoàng và gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiểm họa từ những chiếc cầu treo, cầu tạm không bảo đảm chất lượng ở các địa phương, trong đó có các tỉnh Tây Nguyên.

Tây Nguyên có đặc điểm địa hình bị chia cắt, nhiều sông suối, nên cầu treo là phương tiện giao thông khá hữu dụng trong việc đi lại, sản xuất của người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk, hiện trên địa bàn có hơn 600 cầu treo, cầu tạm, trong đó có 318 cầu dân sinh. Số cầu này đều được làm bằng gỗ tạm hoặc bằng sắt thép, có tải trọng thấp, hiện đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân là các công trình này chủ yếu xây dựng mang tính tạm thời, quy mô nhỏ, không có quy chuẩn thiết kế, tuổi thọ đã nhiều năm và ít được duy tu, bảo dưỡng.

Điển hình như tại địa bàn huyện Krông Bông, hiện có hàng chục cầu treo được xây dựng từ nhiều năm nay. Bên cạnh việc khả dụng của nó, những cây cầu này cũng đem đến nỗi lo lớn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông qua đây bởi nhiều vụ tai nạn liên quan đến cầu treo đã từng xảy ra tại địa phương. Cụ thể, năm 2012, cầu treo buôn Khanh, xã Cư Pui bị sập, rất may không có thiệt hại về người, nhưng cũng khiến người dân nơi đây một phen bàng hoàng. Cầu này được đưa vào sử dụng năm 2002, có tải trọng 1,8 tấn, do không được duy tu bảo dưỡng (chủ yếu chỉ được người dân trong xã thay ván mặt cầu theo kiểu thủ công), nên nguyên nhân khiến cầu sập được xác định là xây dựng đã lâu, trong khi nhu cầu đi lại, vận chuyển qua cầu vượt quá tải trọng.

Gần đây hơn, vào ngày 26/9/2013, một sự cố khác là cầu treo bắc qua suối Krông Kmar, thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông nối khu vực dân cư với vùng đất canh tác bị sập khiến ông Nguyễn Hữu Sơn (trú tại tổ dân phố 6, thị trấn Krông Kmar, Báo CAND đã đưa tin) bị thương nặng. Chính quyền địa phương cho biết nguyên nhân dẫn đến sập cầu là do bị tuột dây cáp treo. Sau khi khắc phục, hiện 2 cây cầu này vẫn tiếp tục được sử dụng, và không ai dám chắc sẽ không có sự cố nào sẽ tiếp tục xảy ra (?!)…

Cầu Quảng Lộc, thôn Quảng Đạt, xã Đạo Nghĩa, tỉnh Đắk Nông do không có lan can bảo vệ khiến 2 học sinh rơi xuống suối tử nạn.

Còn tại địa bàn tỉnh Đắk Nông, theo thống kê sơ bộ cũng có đến hàng ngàn cầu treo, cầu tạm, trong đó có 190 cầu đang bị xuống cấp nghiêm trọng bởi lâu ngày không được sửa chữa. Một số cầu khi xây dựng đã không đúng như quy chuẩn thiết kế, không có hành lang bảo vệ khiến nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra. Điển hình như vào giữa tháng 9/2012, ba học sinh lớp 9A1 Trường THCS Võ Văn Kiệt (xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk Rlấp, Đắk Nông) trên đường chở nhau đi học về, khi đi đến giữa cầu Quảng Lộc (thôn Quảng Đạt, xã Đạo Nghĩa) do cầu không có lan can bảo vệ, cả 3 đã bị lạc tay lái rơi xuống suối khiến hai học sinh bị nước cuốn chìm.

Còn tại xã Đắk Rmoan, thị xã Gia Nghĩa, hàng trăm học sinh của Trường tiểu học Bế Văn Đàn hàng ngày phải đi học trên chiếc cầu phao do chính quyền địa phương này bắc tạm đi qua lòng hồ thủy điện. Sau gần 3 năm đưa vào sử dụng, cầu đã xuống cấp, chỉ còn mấy tấm ván trơ trọi khiến tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thầy Bùi Ngọc Đương, Hiệu trưởng nhà trường lo lắng: “Nhà trường có 300 học sinh tiểu học và THCS, trong đó có 124 em học sinh người dân tộc thiểu số ở buôn Đắk Rmoan. Để đến trường, nếu đi đường vòng các em phải đi xa hơn 5km, còn đi đường tắt qua cầu phao này chỉ hơn 1km nên phần lớn các em chọn đi đường tắt. Cuối năm 2011, khi cầu phao mới được đưa vào sử dụng thì việc đi lại của các em tương đối an toàn. Tuy nhiên, gần nửa năm nay cây cầu phao này đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, không còn an toàn đối với học sinh cũng như người dân qua lại trên cầu. Tuy chưa xảy ra tai nạn nhưng hiểm họa luôn rình rập”.   

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải về việc giao nhiệm vụ lập Đề án “Xây dựng cầu treo dân sinh bảo đảm an toàn giao thông” và Văn bản số 4476/TCĐBVN-KHĐT, ngày 4/10/2013 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc phối hợp điều tra, khảo sát, thu thập dữ liệu xây dựng cầu dân sinh tại các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn cao, Sở Giao thông vận tải Đắk Lắk đã phối hợp với Công ty cổ phần ATH Tư vấn và đầu tư xây dựng tiến hành khảo sát, qua đó thống nhất đưa 32 cầu vào diện phải sửa chữa gấp. Con số này vẫn còn ít so với số lượng cầu treo, cầu tạm hiện đã xuống cấp, hư hỏng cần được duy tu, sửa chữa. Ông Tô Quang Dịnh, Phó trưởng Phòng Giao thông Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Để sửa chữa các cầu treo, cầu tạm đang xuống cấp, hư hỏng trên địa bàn phải cần đến hơn 560 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kinh phí nên việc sửa chữa vẫn phải nằm trên dự án”.

Để cầu treo, cầu tạm không còn là ẩn họa, thiết nghĩ các địa phương cần siết chặt quản lý các công trình này. Đồng thời cần lắp đặt biển báo tải trọng và hướng dẫn tại hai đầu cầu để người dân tuân thủ quy định khi qua cầu. Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn khi lưu thông qua các cây cầu treo, cầu tạm, người dân không nên chở nông sản, hàng hóa vượt quá tải trọng nhằm tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra bất cứ lúc nào

Văn Thành
.
.
.