Cảnh báo bỏng do điện, khí gas

Thứ Tư, 04/08/2010, 16:10
Thời gian vừa qua, có một thực tế đang tồn tại đó chính là việc gia tăng số vụ tai nạn do bỏng điện, khí gas gây ra. Trong số này, có không ít trường hợp phải mang theo di chứng suốt đời, thậm chí còn tử vong do thương tích nặng, không được cứu chữa kịp thời…

Sảy một li… đi một dặm

Đến Khoa Bỏng - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội vào những ngày này, ta mới thấy hãi trước cảnh số lượng ca tai nạn do bỏng điện nhập viện cấp cứu, điều trị gia tăng đáng kể. Sáng 3/8, bên ngoài hành lang, nơi có dãy ghế dành cho người nhà bệnh nhân lui tới thăm, chăm sóc cho người bệnh dường như đã ken kín, không còn chỗ trống.

Ghé vào một gian phòng chuyên điều trị, phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị bỏng, chúng tôi chứng kiến hình ảnh người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ đang cần mẫn đút từng thìa cháo cho người con bị băng bó khắp cơ thể. Người đàn ông đó là Vũ Văn Khuê, 44 tuổi, trú tại xã Yên Bình, thị xã Tam Điệp (Ninh Bình).

Anh Khuê cho biết: Ngày 17/7 vừa qua, con trai anh là Vũ Duy K., 10 tuổi bị bỏng khi đang làm việc. Đến nay, nhờ sự tận tình chăm sóc, điều trị của đội ngũ y bác sĩ nơi đây nên K. đã dần hồi phục... Người K toàn thân bị bỏng nặng, da nhợt nhạt, giọng nói lạc đi.

Theo các bác sĩ của Khoa Bỏng, ngày 17/7, Bệnh viện tiếp nhận K từ một cơ sở y tế tuyến dưới trong tình trạng bỏng 2 tay, bụng và 2 chân với diện tích hơn 30%, độ I-II-III. Nguyên nhân trước đó, khi đang thao tác lợp mái tôn cho một công trình xây dựng, K. không may quơ thanh sắt sát đường dây điện cao thế khiến cơ thể sau đó nhanh chóng bị phóng điện làm tê giật, ngất ngay tại chỗ.

Cũng theo các bác sĩ Khoa Bỏng - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội, K. còn là trường hợp may mắn, bởi mới đây, tối 29/7, Khoa tiếp nhận anh Nguyễn Văn, 40 tuổi, nhà ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) bị bỏng do điện cao thế phóng phải. Trước đó, khi đang cầm thước nhôm thao tác lao động trên tầng cao của một ngôi nhà thuộc địa phận huyện Từ Liêm (Hà Nội), anh bị dòng điện cao thế gần đó phóng xuống gây cháy bỏng ngực, bụng, tay chân, diện tích 75% cơ thể, độ I-II-III. Sau đó, khi thấy vết thương của anh quá nặng, gia đình đã làm các thủ tục xin cho anh được xuất viện.

Liên quan đến vấn đề này, thống kê chưa đầy đủ của Khoa Bỏng - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho thấy: Từ đầu năm đến nay, Khoa đã tiếp nhận và điều trị cấp cứu cho hơn 56 trường hợp bị bỏng điện (cao thế, trung thế, hạ thế). Trong số này đã có không ít trường hợp tử vong do bỏng quá nặng, không được cấp cứu, chữa trị kịp thời. Đáng chú ý, chỉ tính riêng trong ngày 3-8, đã có tới 5 trường hợp bị bỏng nặng do điện gây ra phải nằm cấp cứu, điều trị tại khoa.

Một trường hợp bị bỏng điện cao thế đang nằm điều trị tại Khoa Bỏng -

Cần trang bị kiến thức về an toàn điện, khí gas

Không chỉ bỏng điện, thời gian qua, số ca tai nạn nhập viện do bỏng khí gas mà các cơ sở y tế chuyên khoa tiếp nhận và chữa trị cũng gia tăng đáng kể. Thống kê của Khoa Bỏng - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho thấy, có tới hơn 115 ca bị bỏng khí gas với các triệu chứng nặng đi kèm phải nhập viện điều trị. Đơn cử như trường hợp của chị Phan Thi, 42 tuổi, bán hàng tại chợ Thành Công (quận Ba Đình - Hà Nội). Trong lúc bật bếp gas để sử dụng, chị đã bị khí gas tại vị trí van khóa bếp hở gặp lửa gây bỏng mặt, cổ tay với diện tích 10% cơ thể, độ I-II-III.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho biết: Mặc dù đã được cảnh báo thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, song dường như sự nhận thức của người dân về hiểm họa do do bỏng điện gây ra còn hạn chế. Trong số những ca bỏng điện mà khoa tiếp nhận và điều trị trong thời gian qua, chiếm đa phần là bỏng điện cao thế...

Về các vấn đề liên quan đến bỏng do khí gas, theo các bác sĩ chuyên Khoa Bỏng cho hay: Gas là loại khí nặng hơn không khí khoảng 2,07 lần. Thế nên khi thoát ra bên ngoài nó thường lắng đọng xung quanh. Lúc này, nếu gặp tia lửa điện hoặc mồi lửa, sự cháy, nổ chắc chắn sẽ xảy ra. Hậu quả của bỏng khí gas tuy không bằng bỏng điện, song nó cũng để lại những di chứng nặng nề. Do đó, người dân cần cẩn trọng khi thao tác, sử dụng bếp gas, sang chiết gas… nếu phát hiện có khí gas rò rỉ, ta phải nhanh chóng mở cửa tạo sự thông thoáng. Sau đó nhanh chóng gọi nhân viên kỹ thuật đến để sửa chữa, bảo dưỡng.

Theo các bác sĩ Khoa Bỏng - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội: Nguyên nhân của các ca bỏng điện cao thế, hạ thế trong thời gian qua là do những trường hợp này khi thao tác lao động gần đường dây điện, chủ quan không trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động, phòng tránh sự phóng điện như: ủng, găng tay…, coi thường việc đường dây điện cao thế, trung thế nằm cách xa mình 1-2m sẽ không bị phóng điện.

Chưa hết trong quá trình thi công đào đường, nhiều trường hợp bất cẩn không định vị được đường đi của hệ thống dây điện, cáp ngầm bên dưới; thả diều dưới đường dây điện v.v… Khi phát hiện trường hợp bị bỏng điện, cần nhanh chóng ngắt cầu dao, phích cắm điện; dùng dụng cụ cách điện để tách người bị nạn ra khỏi vùng điện phóng. Sau đó tiến hành các động tác hô hấp nhân tạo, sơ cứu rồi đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Trần Huy
.
.
.