Cần xác định rõ phạm vi lý lịch tư pháp và tổ chức quản lý lý lịch tư pháp

Thứ Bảy, 14/02/2009, 16:28
Chiều 12/2, đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì cuộc họp với Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát NDTC, TAND Tối cao và một số Bộ, ngành hữu quan để cho ý kiến về việc xây dựng, chỉnh lý dự thảo Luật Lý lịch tư pháp (LLTP).

Sau khi nghe đồng chí Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đọc dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật LLTP, nhiều đại biểu đã phát biểu tham gia ý kiến, tập trung vào hai vấn đề chính là phạm vi và tổ chức quản lý LLTP.

Phát biểu tại cuộc họp, Trung tướng Trần Đại Quang, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ việc ban hành Luật LLTP là cần thiết. Về phạm vi quản lý LLTP, đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh: Để xác định đúng phạm vi quản lý LLTP, Bộ Công an đã nhiều lần có ý kiến với cơ quan chủ trì soạn thảo là cần phải làm rõ mục đích của LLTP dùng để làm gì?

Nếu chỉ là "đáp ứng nhu cầu của cá nhân chứng minh người đó có hay không có án tích; ghi nhận việc xóa án tích, tạo điều kiện cho người đã từng bị kết án tái hòa nhập cộng đồng thì quá hẹp và chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được mục đích, yêu cầu của việc ban hành Luật.

Theo đồng chí Thứ trưởng: bên cạnh việc "đáp ứng nhu cầu của cá nhân", LLTP còn phải "đáp ứng yêu cầu của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế - xã hội, đặc biệt là yêu cầu của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án". Những yêu cầu này đã được quy định trong pháp luật hiện hành.

Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài cho thấy LLTP bao gồm cả tiền án, tiền sự. Việc cấp phiếu LLTP bao gồm cả tiền án, tiền sự, có vị trí, ý nghĩa rất lớn trên nhiều mặt. Công việc này, lực lượng CAND đã, đang làm và làm có hiệu quả. Trung bình mỗi năm cung cấp trên 500 nghìn lượt yêu cầu phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, quản lý Nhà nước về TTXH cũng như các yêu cầu chính đáng của công dân. Vì thế, phạm vi của LLTP bao gồm cả tiền án và tiền sự.

Về tổ chức quản lý LLTP, Thứ trưởng Trần Đại Quang cho biết qua hơn 60 năm thu thập, tích lũy, Bộ Công an đang quản lý hệ thống thông tin, tài liệu, cơ sở dữ liệu về công dân, về tội phạm và các vi phạm pháp luật khác như thông tin, tài liệu, cơ sở dữ liệu về 20 triệu hộ gia đình với hơn 80 triệu nhân khẩu; thông tin, tài liệu, cơ sở dữ liệu của trên 60 triệu người từ đủ 14 tuổi trở lên; thông tin, tài liệu, cơ sở dữ liệu về tiền án, tiền sự, truy nã, đình nã, thi hành án phạt tù của hàng chục triệu người; danh bản, chỉ bản, phim và căn cước của 16 triệu công dân do chính quyền ngụy Sài Gòn cấp trước ngày 30/4/1975.

Vì thế, để đảm bảo thủ tục cải cách hành chính, kế thừa được nguồn thông tin, tài liệu, cơ sở dữ liệu hiện có, tiết kiệm được tài chính, ngân sách, biên chế, bảo đảm tính chính xác cao về nội dung, tránh được những trường hợp khai man lý lịch, thay đổi họ, tên, đánh tráo người, nên giao cho lực lượng CAND nhiệm vụ thu thập, cung cấp thông tin và quản lý LLTP.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến phát biểu đã đồng tình với ý kiến phát biểu của lãnh đạo Bộ Công an. Đồng chí Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đồng chí Trần Thị Khiêm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát NDTC phát biểu khẳng định phạm vi của LLTP bao gồm cả tiền án, tiền sự; về tổ chức, thu thập, cấp phát LLTP nên giao cho Bộ Công an quản lý.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Uông Chu Lưu cho ý kiến cơ quan soạn thảo Luật LLTP, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các Ủy ban của Quốc hội cần tiếp thu các ý kiến đã phát biểu, sớm chỉnh lý để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội thảo luận thông qua

Minh Phương
.
.
.