Xung quanh việc đường ống dẫn nước sạch Sông Đà liên tiếp bị vỡ:

Cần truy trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân

Thứ Ba, 15/07/2014, 09:48
Một công trình tiêu tốn 1.500 tỷ đồng, từng được trao tặng “Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam” năm 2010, nhưng 9 lần vỡ đường ống nước, 70.000 hộ dân cũng liên tục bị mất nước sinh hoạt đột ngột, tiền sửa đường ống vỡ cũng “ngốn” kinh phí không nhỏ. Nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có ai phải chịu trách nhiệm; và chủ đầu tư, đơn vị chịu trách nhiệm chính lại chưa hề bị xử lý, trong khi chắc chắn, sự cố vỡ đường ống nước chưa phải là lần cuối cùng.

5 đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp?

Để xác định nguyên nhân sự cố vỡ đường ống dẫn nước sạch sông Đà do Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã giao Viện Khoa học công nghệ xây dựng chủ trì, phối hợp với Viện Vật liệu xây dựng thực hiện công tác kiểm định xác định nguyên nhân sự cố.

Theo ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng, trách nhiệm thuộc về 5 đơn vị. Đầu tiên là đơn vị tổng thầu thiết kế đã thiếu kinh nghiệm trong việc lựa chọn các tiêu chuẩn áp dụng trong thiết kế tuyến ống nước sử dụng vật liệu ống composite cốt sợi thủy tinh, không đưa ra đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình sản xuất, thi công, lắp đặt tuyến ống.

Trách nhiệm thứ 2 thuộc về nhà sản xuất ống composite cốt sợi thủy tinh. Nhà sản xuất đã lựa chọn công nghệ và kiểm soát quá trình gia công chế tạo chưa chặt chẽ nên chất lượng ống không đồng đều, bon g rộp, tách lớp tại một số vị trí. Ngoài ra, nhà sản xuất đã không có các thí nghiệm về chỉ tiêu cơ lý minh chứng cho độ bền dài hạn của ống theo tiêu chuẩn áp dụng: áp suất thiết kế thủy tĩnh dài hạn, độ biến dạng vòng uốn dài hạn.

Đường ống dẫn nước sạch sông Đà liên tục bị vỡ nhưng chưa có cá nhân, đơn vị cụ thể nào phải chịu trách nhiệm.

Đơn vị thứ 3 phải chịu trách nhiệm là các nhà thầu thi công xây dựng. Trong quá trình thi công, nhà thầu đã để một số dị vật như đá khối lớn, bê tông lẫn vào lớp vật liệu cát đắp quanh ống; thiếu tấm đan dàn tải tại một số hầm chui dân sinh; để ống chịu tác động bất lợi trong quá trình vận chuyển, cẩu dựng, lắp đặt. Tiếp đến, theo ông Hải, nhà thầu giám sát thi công cũng có trách nhiệm vì đã không giám sát chặt chẽ, thiếu trách nhiệm, để xảy ra các thiếu sót trong quá trình thi công xây dựng nêu trên.

Đặc biệt, chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án là Vinaconex khi quyết định áp dụng ống composite cốt sợi thủy tinh trong cho tuyến ống truyền tải nước phải chịu trách nhiệm trong công tác tổ chức quản lý chất lượng. Cục Giám định chất lượng Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đã kết luận, trong trường hợp không kiểm soát được chất lượng tuyến ống, gây mất ổn định trong việc cấp nước, cần có biện pháp xử phạt và truy cứu trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan (hiểu cụ thể là Vinaconex - PV).

Cần phải quy trách nhiệm cụ thể

Vấn đề đặt ra là việc quy trách nhiệm như theo kết luận của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, chưa xác định được rõ mức độ thiệt hại về kinh tế do việc vỡ đường ống dẫn nước sông Đà gây ra. Rõ ràng, việc một công trình tiêu tốn 1.500 tỷ đồng nhưng hiệu quả không được như mong đợi, liên tục xảy ra sự cố, không đảm bảo việc cấp nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của gần 1 triệu người dân là vụ việc rất nghiêm trọng, không thể chỉ truy cứu trách nhiệm ở mức độ “hỏng đâu, sửa đấy”.

Vinaconex là chủ đầu tư, nhưng khi xảy ra sự cố lại đổ lỗi việc vỡ ống là do nền đường đại lộ Thăng Long yếu. Nền đất tại khu vực này có thể yếu, nhưng Vinaconex đã được cảnh báo ngay từ khi mới thi công. Có một điều rất khó hiểu là chủ đầu tư này vẫn “phớt lờ” lời cảnh báo và không có biện pháp khắc phục, xử lý, tiếp tục thi công mới dẫn đến hậu quả này.

Theo ông Nguyễn Sỹ Trung, Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc (Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải), ngay cả các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản đều không áp dụng công nghệ vật liệu làm bằng sợi thủy tinh như tại dự án cấp nước mặt sông Đà. Vật liệu này chủ yếu sử dụng làm ống cống nước thải. Ông Trung cho biết, khi làm đường, vì nền đất yếu nên đã phải xử lý rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Chính vì có biện pháp xử lý nên đến thời điểm này, tuyến đường Láng – Hòa Lạc rất ổn định.

“Không dưới 5 lần tại các cuộc họp, tôi đã cảnh báo khá gay gắt chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công dự án nước sạch sông Đà về địa chất yếu. Tuy nhiên, họ không nghe và vẫn tiến hành đặt đường ống mà không xử lý nền yếu. Với nền đất yếu không được xử lý từ trước thì bây giờ việc khắc phục vỡ ống đường dẫn nước chỉ là việc làm thụ động. Và khó tránh khỏi việc đường ống dẫn nước này sẽ còn tiếp tục vỡ nhiều lần nữa”, ông Trung khẳng định.

Liên quan đến sự việc này, chúng tôi đã trao đổi với luật sư Trần Quang Khải, Trưởng Văn phòng luật sư Tâm Phát (Đoàn luật sư TP Hà Nội) về trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Luật sư Khải cho rằng, đường ống dẫn nước sông Đà được xem là công trình đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân sinh. Đây là một công trình có quy mô lớn, có sử dụng vốn đầu tư lớn nên việc giám sát, thi công công trình phải được kiểm soát một cách chặt chẽ để bảo đảm chất lượng công trình.

Tuy vậy, công trình này đã bị hư hỏng và phải sửa chữa nhiều lần và kéo theo đó là việc tiêu tốn tiền của của Nhà nước, của nhân dân nhưng vấn đề trách nhiệm cụ thể thì không thấy chỉ rõ cá nhân nào phải chịu, hoặc do thiếu trách nhiệm mà các cơ quan chức năng không quyết liệt trong việc xử lý các đơn vị có liên quan, những cá nhân, đơn vị thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Luật sư Khải cho rằng, căn cứ theo luật, cần truy trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân về các hành vi "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Vì vậy, theo luật sư Trần Quang Khải, cần thiết phải điều tra làm sáng tỏ có hay không hành vi phạm tội của những cá nhân, đơn vị đã gây ra hậu quả nghiêm trọng này. Tiếp đó, Bộ Xây dựng cần chỉ đạo trực tiếp về việc thi công công trình này, tránh tình trạng để những đơn vị năng lực yếu kém, thiếu kinh nghiệm đưa những sản phẩm kém chất lượng vào thi công những công trình trọng điểm như thế này để đỡ tốn kém tiền của của Nhà nước, tiền thuế của nhân dân

Ngọc Yến - Phan Hoạt
.
.
.