Cần thay đổi tư duy để phát triển bền vững ngành Du lịch

Chủ Nhật, 21/06/2015, 08:31
Tiềm năng du lịch của Việt Nam ai cũng thấy rõ, tuy nhiên để tận dụng, biến tiềm năng trở thành một ngành công nghiệp du lịch như các nước trong khu vực thì đang là bài toán nan giải đối với ngành Du lịch Việt.

Các điểm đến của Việt Nam liên tục được các trang mạng chuyên về du lịch của các nước và báo chí nước ngoài vinh danh đưa vào Top các điểm đến đẹp và hấp dẫn. Từ các cung đường, thác nước, vịnh, bờ biển, đi bộ khám phá, tới thưởng thức ẩm thực đường phố. Tiềm năng du lịch của Việt Nam ai cũng thấy rõ, tuy nhiên để tận dụng, biến tiềm năng trở thành một ngành công nghiệp du lịch như các nước trong khu vực thì đang là bài toán nan giải đối với ngành Du lịch Việt.

Trong những ngày trung tuần tháng 6, vào đúng dịp cao điểm du lịch hè, từ Hà Nội đi theo quốc lộ 3 vượt qua cung đường gần 400km chúng tôi đến với Thác Bản Giốc-xã Đàm Thuỷ-Trùng Khánh-Cao Bằng, một trong những địa danh nổi tiếng được trang WondersList vừa công bố là thác nước đẹp, ấn tượng nhất thế giới. 

Bản Giốc được mệnh danh là thác lớn nhất Đông Nam Á và là thác tự nhiên lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới quốc gia. Thác chính nhìn từ xa như những dải lụa trắng mềm mại vắt ngang lưng đồi, rộng khoảng 100m, cao 70m và sâu 60m, thu hút hàng nghìn lượt người tới thăm vào mỗi dịp cuối tuần, lễ tết. 

Tiềm năng du lịch là vậy, tuy nhiên có mặt tại điểm đến Thác Bản Giốc du khách không khỏi ngại ngần bởi cơ sở hạ tầng hỗ trợ dịch vụ du lịch còn thiếu và nhiều hạn chế, nhất là không nhà vệ sinh, không bãi đỗ xe, không có dịch vụ hỗ trợ du lịch… 

Lý giải vấn đề này, bà Nông Thị Tiên, Giám đốc điều hành Khu du lịch Thác Bản Giốc – Ngườm Ngao cho biết, đây là một thực trạng nan giải của Khu du lịch Thác Bản Giốc – Ngườm Ngao. Bởi khu vực Thác Bản Giốc chưa có quy hoạch tổng thể, chi tiết; do không có đất nên người dân sử dụng ruộng của mình để khai thác làm bãi đỗ xe và thu tiền trông giữ xe một cách vô tội vạ ảnh hưởng rất lớn hình ảnh du lịch của điểm đến.

Du khách tham quan Khu du lịch Cầu Treo- Đắk Lắk.

Thác Bản Giốc-Động Ngườm Ngao chỉ là một trong nhiều điểm đến trên cả nước chưa có quy hoạch tổng thể, đầu tư còn nhiều hạn chế dẫn tới khai thác tài nguyên du lịch còn nhiều bất cập. Ở góc độ lữ hành, ông Lê Công Năng, Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour cho rằng, việc đầu tư phát triển các điểm đến du lịch nội địa hiện nay còn hạn chế do thiếu kinh phí và không có quy hoạch đồng bộ, bài bản, tầm nhìn dài hạn. 

Lí do của thực trạng này phần lớn là do cơ chế quản lý tài nguyên du lịch có nhiều bất cập, chồng chéo, tài nguyên du lịch thay vì được quản lý trực tiếp bởi ngành Du lịch thì trên thực tế lại chịu sự quản lý của chính quyền địa phương, dẫn tới nguy cơ tài nguyên du lịch bị khai thác bừa bãi, xuống cấp nhanh chóng do tầm nhìn ngắn hạn, thiếu đồng bộ trong quản lý, lợi ích cục bộ giữa các địa phương, các ngành và bệnh “thành tích”, cơ chế “xin- cho”, ngăn cản việc quy hoạch, phát triển du lịch bền vững của quốc gia. 

Cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt là hệ thống đường giao thông kết nối các điểm đến từng bước được đầu tư nhưng sự thiếu đồng bộ, còn chắp vá trong phát triển hạ tầng làm cho du lịch chưa thực sự được phát huy, chưa thuận tiện tiếp cận các điểm đến, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đặc biệt là các khu du lịch vùng sâu, vùng xa, núi cao, hải đảo. Cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chưa thực sự khuyến khích.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Công Hoan-Phó Tổng giám đốc Hanoi Red tour cho rằng, nhiều điểm du lịch có lợi thế so sánh như vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, phố cổ Hội An, Nha Trang... song có nhiều vấn đề đặt ra với việc quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển hệ thống nhà hàng, khách sạn, cơ sở vui chơi giải trí, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, hệ thống bán hàng lưu niệm du lịch đặc trưng các vùng, miền còn nghèo nàn, thiếu đồng bộ, chất lượng thấp và không trúng nhu cầu từng thị trường. 

Nhiều khách du lịch đã không ít lần phàn nàn về việc điểm du lịch nổi tiếng như Nha Trang mà buổi tối lại không tìm được điểm biểu diễn nghệ thuật đặc sắc nào phục vụ du khách. Trong khi các nước lân cận như Thái Lan không thiếu những show diễn hấp dẫn du khách như show diễn của các hoa hậu chuyển giới Alcazar, show diễn lịch sử Siam Niramit, show diễn võ thuật Muay Thái, kịch đầu bếp Nanta… hoặc ngay cả Campuchia cũng gây ấn tượng đặc biệt với du khách bằng show diễn “Smile of Angkor” tái hiện vương triều Khmer hưng thịnh suốt hơn 1.000 năm lịch sử được sản xuất bởi Trung tâm Biểu diễn và Nghệ thuật Siêm Riệp (Campuchia), dưới bàn tay tài hoa của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. 

Rồi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thiếu các điểm vui chơi, mua sắm xứng tầm trong khu vực do thiếu kinh phí và không có quy hoạch. Sẽ thật khập khiễng nếu ta đem so sánh Đầm Sen, Suối Tiên, Thiên đường Bảo Sơn, Công viên nước Hồ Tây với World Resorts Sentosa ở Singapore hay Genting của Malaysia.

Bên cạnh đó, liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo, kém hiệu quả. Một số hoạt động liên kết như liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc, duyên hải miền Trung, hoặc theo chủ đề du lịch về nguồn liên kết giữa Phú Thọ-Yên Bái-Lào Cai hoặc theo sản phẩm như giữa Đà Nẵng-Quảng Nam-Thừa Thiên Huế đang xuất hiện chiều hướng tích cực. Tuy vậy, tính phối hợp giữa các địa phương còn thiếu chủ động, vì vậy hiệu quả liên kết không cao.

Trước đó, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 11/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã chỉ ra 6 yếu kém của du lịch Việt Nam khiến du khách e ngại. Đó là vấn đề “chặt chém”, ăn xin, giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và thái độ thiếu tôn trọng du khách của người bán hàng. Ai cũng nói phong cảnh Việt Nam rất đẹp, con người rất tốt nhưng sao du lịch của mình thua kém các nước nhiều thế? Đặt câu hỏi đó, Phó Thủ tướng cũng đưa ra các biện pháp phát triển du lịch, Chính phủ sẽ xử lý những vấn đề quan trọng như miễn visa hay giảm phí, giảm thủ tục visa.

Tuy nhiên, quay lại vấn đề “nỗi sợ của du khách quốc tế ở Việt Nam”, Phó Thủ tướng cho rằng, đó là những vấn đề rất cụ thể, nhiều địa phương, nhiều ngành phải vào cuộc, những người quản lý ở các trung tâm, những cơ sở du lịch trọng điểm phải chú ý giải quyết… Do vậy, trước những tác động không nhỏ của những yếu tố khách quan, nếu không nhanh chóng thay đổi tư duy trong cách nghĩ, cách làm thì du lịch nước ta sẽ chỉ “giậm chân tại chỗ”.

Lưu Hiệp
.
.
.