Cẩn thận khi sang Nga lao động

Chủ Nhật, 15/03/2009, 09:28
Theo Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, để hạn chế tối đa rủi ro, NLĐ chỉ nên đi sang Nga trong những trường hợp hợp đồng đó đã có xác nhận của ĐSQ vì cơ quan này có trách nhiệm tìm hiểu kỹ về đối tác bên kia, kể cả điều kiện ăn, ở, sinh hoạt...

Gần đây, rất nhiều lao động đi làm việc tại Nga đã phải trở về nước do điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, làm việc và đặc biệt là mức lương không đúng với những cam kết trong hợp đồng. Trong khi nhiều doanh nghiệp trong số 15 doanh nghiệp đang khai thác thị trường này, đã tạm dừng việc tuyển và đưa lao động sang Nga, thì một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục đưa ra thông báo tuyển lao động với mức lương từ 400-600 USD. Ông Bùi Đình Dĩnh - Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga đã khẳng định: Mức lương mà DN quảng cáo là không đúng thực tế. Thực chất, thu nhập của NLĐ chỉ từ 250-300 USD.

Hơn nữa, kinh tế Nga đang lún sâu vào khủng hoảng, việc đưa lao động sang thời điểm này chứa đựng nhiều rủi ro. Ông Nguyễn Xuân An, Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam cho biết: Thời điểm này ngay cả Công ty Cung ứng lao động quốc tế Công Đoàn Việt Nam (Latuco), DN đưa được số lượng lao động đi Nga cao nhất, cũng đã tạm ngừng, tránh rủi ro cho cả NLĐ và doanh nghiệp. Lao động Việt Nam sang làm việc tại Nga chủ yếu ở hai ngành nghề: May mặc và xây dựng nhưng hiện tại, nhiều đơn hàng dù của chủ người Nga hay chủ người Việt, thì công việc cũng rất phập phù. DN phải hết sức thận trọng.

Trao đổi với chúng tôi, Đại sứ Bùi Đình Dĩnh đã nói rõ thực tế, nhiều lao động Việt Nam sang đây phải sống trong điều kiện rất khổ sở, mùa đông phải sống trong các container, thậm chí bị nhốt, quản thúc rất cực. Đó là chưa kể nhiều lao động bị công ty môi giới lừa đi làm việc tại Nga bằng visa du lịch, nên khi hết thời hạn phải sống chui lủi, chạy trốn sự kiểm soát của các cơ quan chức năng Nga...

Để hạn chế tối đa rủi ro, NLĐ chỉ nên đi trong những trường hợp hợp đồng đó đã có xác nhận của ĐSQ vì cơ quan này có trách nhiệm tìm hiểu kỹ về đối tác bên kia, kể cả  điều kiện ăn, ở, sinh hoạt...

Về phía doanh nghiệp XKLĐ, ngoài việc thông qua ĐSQ Việt Nam tại Nga để kiểm tra, thì tốt nhất không nên ký hợp đồng với chủ người Việt, bởi hiện nay có rất nhiều DN rởm, không đăng ký với Nga, không có tư cách pháp nhân. Nạn giấy tờ ảo ở Nga cũng là vấn đề đáng lưu ý. Khi ký hợp đồng, các DN nên xem xét kỹ giấy phép lao động vì ở Nga đang có tình trạng nhượng, bán lại hợp đồng. DN chỉ nên ký hợp đồng cung cấp lao động với chủ DN là người Nga.

Để được tư vấn thông tin về tất cả các thị trường, nhất là thị trường Nga, NLĐ có thể gọi đến số điện thoại đường dây nóng của Cục QLLĐNN để được thông tin chính xác - theo số điện thoại: 04.38249517, nối máy lẻ 512-513; liên quan đến các vấn đề xử lý hợp đồng, giải quyết quyền lợi, liên hệ máy lẻ 311-312-313; gửi đơn thư, khiếu nại về tuyển dụng, liên hệ máy lẻ 301-302-303-304

Thu Uyên
.
.
.