Cần tăng cường tuyên truyền, giảm nguy cơ tai nạn hàng hải

Thứ Hai, 17/03/2014, 14:29
Bên cạnh bóng dáng của mấy chục “con tàu ma” đang thả tự do, vô chủ chòng chành trên biển, thì vấn đề tai nạn hàng hải cũng đang được sự quan tâm đặc biệt của nhiều người và các quốc gia có biển. Trong thời gian gần đây, cả nước đã xảy ra khá nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng từ tàu biển, phương tiện thủy nội địa, các loại tàu du lịch, ca nô cao tốc và tàu đánh bắt thủy sản.

Trong năm 2013, cả nước đã xảy ra 30 vụ tai nạn hàng hải, làm chết và mất tích 19 người, so với cùng kỳ năm 2012 có giảm 8 vụ nhưng số người chết và mất tích lại tăng, nếu tính cả 9 người chết trong vụ chìm ca nô tại vùng biển Cần Giờ. Có 16 vụ xảy ra trong vùng nước cảng biển, 14 vụ xảy ra ngoài biển liên quan đến 8 tàu nước ngoài, 14 tàu biển Việt Nam, 1 ca-nô biên phòng, 7 tàu cá, 3 sà lan.

Theo một nghiên cứu của National Technical University of Athens về các tai nạn hàng hải xảy ra trong thời gian 1981 - 1992, các nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn có yếu tố thời tiết, cảng, cầu tàu, điều kiện hàng hải như phao, đèn, luồng, máy móc, kỹ thuật…thì có 74% nguyên nhân còn lại là các yếu tố con người. Từ đó thấy rằng, nguyên nhân do con người gây ra, không mang tính phá hoại, chiếm tới 74%. Mà con người ở đây là đội ngũ thuyền viên của tàu bao gồm cả hoa tiêu. Trong tổng số các tai nạn được thống kê, tai nạn xảy ra khi tàu ra vào luồng, ra vào cầu chiếm số đông, vai trò và trách nhiệm hoa tiêu là một vấn đề lớn.

Chìm tàu container ở Vũng Tàu.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, nguyên nhân chính của các vụ tai nạn hàng hải là do sỹ quan, thuyền viên của tàu bị nạn còn hạn chế về trình độ, thiếu kinh nghiệm trong chuyên môn, chưa chú trọng công tác huấn luyện thực tập thường xuyên. Trong số 30 vụ tai nạn hàng hải năm 2013, đã có 7 vụ do tàu cá gây ra. Các chuyên gia đã giải mã nguyên nhân chính là do các tàu cá khi hoạt động đánh bắt trên biển không thực hiện đúng quy tắc tránh va trên biển về đèn tín hiệu, hành trình và tránh va.

Mặc khác, do ý thức, trách nhiệm của thuyền viên trong việc kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng các trang thiết bị, máy móc của tàu chưa được coi trọng nên xảy ra các sự cố kỹ thuật dẫn đến tai nạn. Với các tàu vận tải trên đại dương và sông lớn, nhiều chủ tàu không cung cấp cho tàu các tài liệu bắt buộc phải có theo quy định và thiếu các trang thiết bị an toàn hàng hải. Ngay tại luồng sông Sài Gòn bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy những phương tiện nhỏ chạy cắt ngang luồng tàu, thậm chí tham gia hàng hải trên tuyến luồng dành riêng cho tàu biển.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công yêu cầu ngành Hàng hải khẩn trương thực hiện yêu cầu về an toàn hàng hải, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm đặc biệt, khi xảy ra tai nạn hàng hải phải sớm có kết luận, rút ra bài học kinh nghiệm, phổ biến cho các đơn vị phòng tránh. Riêng năm qua, chính quyền cảng tại các quốc gia trên thế giới đã kiểm tra 970 lượt tàu biển Việt Nam, họ đã tìm thấy 128/650 khiếm khuyết nghiêm trọng nên lưu giữ 53 lượt tàu. Điều đáng quan tâm ở đây chính là con số 78% khiếm khuyết buộc phải lưu giữ tàu là trang thiết bị và 1% liên quan đến an ninh tàu biển.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa ký Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông hàng hải và đường thủy nội địa. Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với Thanh tra giao thông và lực lượng Biên phòng, huy động tối đa lực lượng, trang thiết bị, phương tiện, đẩy mạnh tuần tra lưu động, tập trung xử lý vi phạm liên quan đến phương tiện thủy nội địa có nguy cơ gây tai nạn cao như: chở quá tải, quá số người theo quy định, vi phạm quy định về trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa... Điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, khởi tố để sớm đưa ra xét xử một số trường hợp vi phạm điển hình trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông hàng hải và đường thủy nội địa. Kiên quyết không cho người đi biển nếu chưa đủ trang thiết bị an toàn.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an và các ngành có liên quan, chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự trong khu vực cửa khẩu cảng biển theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, phổ biến giáo dục về trật tự an toàn giao thông hàng hải và đường thủy nội địa, nhất là cảnh báo các nguy cơ tai nạn đối với phương tiện thủy gia dụng và đuối nước.

Thực tế cho thấy, từ vụ tai nạn thảm khốc trên biển Cần Giờ, đã cho thấy những bài học về an toàn hàng hải và công tác cứu hộ, cứu nạn. Trong đó, việc thông báo thông tin cứu nạn và những địa chỉ khẩn cấp gần như lâu nay bị bỏ trống. Sự việc xảy ra từ 20h15 nhưng đến 21h Vungtau MRCC mới nhận thông tin. Chưa nói đến việc thiếu trách nhiệm, thờ ơ vô cảm, trách nhiệm xử lý thông tin, công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn… Không giống như giao thông đường sắt, đường bộ, vấn đề tai nạn giao thông hàng hải đôi khi còn liên quan đến luật pháp quốc tế về hàng hải và các công ước quy định điều chỉnh. Đã đến lúc cần phải tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến cho tất cả những phương tiện, người điều khiển phương tiện, người tham gia phương tiện giao thông hàng hải biết về pháp luật giao thông và tai nạn, tìm kiếm cứu nạn trên sông, biển …

Hoàng Châu
.
.
.