Cần sớm ngăn chặn hoạt động tranh giành mót, nhặt than trái phép

Thứ Hai, 22/10/2012, 09:34
Đã từ lâu, ở xung quanh bất cứ khai trường nào cũng có người đi mót than. Và số than mót được thường phải bán cho một tay bảo kê nào đó. Lợi nhuận thu được từ những hòn than rơi vãi, từ những bãi thải không hề nhỏ, nên việc tranh giành lãnh địa của các “ông trùm” ở vùng mỏ Quảng Ninh diễn ra là điều khó tránh khỏi.

Mót than: Nghề hốt bạc của những tay bảo kê

Khi nạn khai thác than trái phép bị các cơ quan chức năng ra sức ngăn chặn, thì khu vực đầu đường, bãi thải là mảnh đất mầu mỡ để những tay bảo kê kiếm lời trên công sức lao động của người khác. Những đối tượng này thường đưa đàn em đến một số bãi thải, khai trường lớn ép người dân nhặt mót than phải bán cho chúng với giá rẻ mạt. Nếu ai không chấp nhận, chúng sẽ dùng dao, kiếm, thậm chí cả súng để đe dọa, gây thanh thế.

Theo đánh giá của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Quảng Ninh thì tình trạng nạo vét, thu gom, vận chuyển than trái phép trong những năm qua đã dẫn tới xuất hiện nhóm bảo kê này cưỡng đoạt lại của nhóm khác. Nếu phía kia chống trả thì chúng sử dụng vũ khí “nóng”, hoặc hung khí như dao, kiếm để đánh nhau.

Khu vực xung quanh khai trường của Công ty CP Than Núi Béo là một điểm nóng. Nơi đây đã từng xảy ra nhiều trận đánh nhau gây thương tích, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là vụ thanh toán giữa băng nhóm của Ngô Văn Nghị và Vũ Mạnh Hùng. Năm 2009, trong quá trình làm ăn, nhóm của Nghị gây ân oán với nhiều nhóm khác, để tạo thanh thế của mình, Vũ Mạnh Hùng (tức Hùng Vĩ) cầm đầu hơn chục đối tượng mang theo 8 khẩu súng tìm đến nhà Nghị nhưng không gặp. Thấy đàn em của Nghị chơi quanh quẩn ngay lối vào nhà, tưởng Nghị ở đó, nhóm Hùng Vĩ nhả đạn xối xả làm chết 1 người, bị thương 2 người. Sau khi gây án, Hùng bỏ trốn vào Lâm Đồng và bị bắt tại đó. Hơn 1 năm sau, Nghị lại tập hợp hơn 20 đàn em dùng súng bắn nhau với một nhóm khác để giải quyết mâu thuẫn trong thu mua than rơi vãi làm 2 người chết, 3 người bị thương. Vụ việc đã bị Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố, điều tra bắt 18 đối tượng trong đó có Nghị, thu 2 súng bắn đạn ghém và 21 viên đạn.

Gần đây nhất, ngày 30/9, một vụ xả súng thanh toán nhau giữa hai nhóm bảo kê, thu mua than mót lại diễn ra tại bãi thải 250, khai trường Công ty Than Tây Nam Đá Mài, thôn Tân Hải, xã Dương Huy, TP Cẩm Phả. Do tranh chấp trong việc bảo kê mót nhặt, thu mua than, các đối tượng đã dùng 6 xe ôtô Ford Ranger mang theo súng bắn đạn hoa cải đến bãi thải để giải quyết. Hậu quả của cuộc đọ súng điên cuồng đó đã làm 2 người bị thương phải đi cấp cứu. Cơ quan CSĐT đã bắt giữ 3 đối tượng là Hoàng Văn Hùng, Nguyễn Văn Luận, đều ở phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả và Nguyễn Văn Cường ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đang tháo dỡ một điểm tập kết than trái phép.

Thiếu giải pháp hiệu quả chấm dứt kiểu tranh giành “xã hội đen”

Đây là những vụ việc đã bị cơ quan Công an khởi tố, đưa ra pháp luật, nhưng hằng ngày, hằng giờ vẫn còn nhiều vụ tranh giành lãnh địa, thanh toán nhau xảy ra trên các khu vực ranh giới mỏ mà lực lượng chức năng chưa thể kiểm soát được hết. Do công tác quản lý khai thác than còn nhiều bất cập, đặc biệt là việc quản lý các khai trường, ranh giới giữa các mỏ còn lỏng lẻo, nên nạn khai thác than trái phép, tranh giành nhau vơ vét than rơi vãi dẫn đến xô xát, bắn nhau gây chết người trong những năm gần đây diễn ra khá phức tạp. Theo khảo sát, hiện nay tại hầu hết các địa phương có khai trường khai thác than, trong các khu vực đầu đường bãi thải, thường xuất hiện các đối tượng lưu manh côn đồ, hoạt động có tính chất băng nhóm, có sử dụng dao kiếm và vũ khí nóng, sẵn sàng đe dọa, hành hung, cướp than và bảo kê cho hoạt động thu mua, khai thác than trái phép.

Nhằm hạn chế và kiểm soát được tình trạng nói trên, theo đồng chí Nguyễn Văn Sáng, Phó trưởng Công an TP Cẩm Phả thì biện pháp hữu hiệu nhất chính là các đơn vị ngành Than phải quản lý thật chặt ranh giới mỏ của đơn vị mình. Đồng thời thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ngành chức năng trên địa bàn tăng cường quản lý tốt trong và ngoài ranh giới mỏ. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam phải thay đổi cách quản lý các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh tiêu thụ than ở mỗi đơn vị thành viên để không cho thất thoát ra ngoài. Chính quyền các địa phương phải thường xuyên chỉ đạo các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đặc biệt khi Công an đấu tranh, bắt giữ các vụ việc có liên quan đến hoạt động than trái phép rất mong ngành Tư pháp tích cực cùng vào cuộc điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm thì mới có tác dụng răn đe, giáo dục. Cùng với đó đề nghị cấp thẩm quyền, nghiên cứu sửa đổi Khoản 1 (Điều 104 BLHS) quy định về "tội cố ý gây thương tích", nên bỏ nội dung khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Mà xét thấy đối tượng phải đưa ra khởi tố thì buộc phải khởi tố..., có vậy mới đủ sức răn đe cao.

Hiện tại, ở Quảng Ninh mới chỉ có TP Hạ Long là cơ bản “triệt” được hoạt động khai thác than trái phép, còn lại các địa phương có than vẫn đang đau đầu tìm cách tháo gỡ. Thiết nghĩ, để giải quyết được triệt để vấn nạn này, các địa phương có than ở Quảng Ninh cần phải điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm để xử lý hình sự những đối tượng khai thác, tổ chức khai thác than trái phép, đồng thời lập phương án phòng ngừa và xử lý nghiêm các hoạt động phạm tội từ bảo kê, thu mua than mót nhặt.

Thượng tá Nguyễn Đức Quý, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Than là một lĩnh vực tiềm ẩn nhiều phức tạp, nên công tác phòng ngừa được thực hiện rất quyết liệt. Từ năm 2011 đến nay, Công an tỉnh Quảng Ninh đã đấu tranh xử lý mạnh với các nhóm tội phạm hoạt động trong lĩnh vực than, nhằm triệt tiêu nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tranh chấp, mâu thuẫn”.

Tuấn Hương
.
.
.