Cần sớm giải quyết quyền lợi hợp pháp cho thân nhân gia đình liệt sĩ Phạm Văn Du

Thứ Năm, 12/12/2013, 10:16
Thường trực Huyện ủy Vĩnh Tường đã có Tờ trình số 56- TTr/HU do Phó Bí thư Huyện ủy Vĩnh Tường - Lỗ Tất Chánh ký gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đề nghị công nhận đồng chí Phạm Văn Du là người hoạt động cách mạng trước năm 1945. Nhưng cho đến nay, người thân của gia đình liệt sĩ đang mỏi mòn chờ đợi.

“Đồng chí Phạm Văn Du, SN 1924, quê ở xã Tân Cương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1944 và hy sinh năm 1951 ngay tại quê hương. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Du đã bắn tên Thả và bị thương. Lập tức, bọn lính bốt và tay sai dẫn lực lượng tăng cường bủa vây. Đồng chí Du đã chiến đấu ngoan cường và cuối cùng hi sinh anh dũng. Để uy hiếp tinh thần nhân dân và khủng bố phong trào cách mạng, kẻ địch đã chặt đầu đồng chí Du bỏ vào rổ, bắt bố đẻ và vợ bê đi quanh làng, rồi sau đó chúng cắm vào cọc đặt ở ngã ba đường. Đồng chí Bí thư chi bộ hi sinh là tổn thất nặng nề đối với chi bộ và lực lượng kháng chiến ở Tân Cương…”. Nội dung trên được trích trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Tân Cương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Trước khi hi sinh, đồng chí Phạm Văn Du có vợ và một người con duy nhất là bà Phạm Thị Lịch, SN 1947, hiện trú tại số 7, ngõ 55, đường Tân Xuân, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Sự hi sinh anh dũng của liệt sĩ Phạm Văn Du đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và truy tặng liệt sĩ Bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương Kháng chiến. Sau sự hi sinh của liệt sĩ Du, bố đẻ và vợ liệt sĩ đã bị địch bắt tù đày, đánh đập, nhà cửa, ruộng vườn bị kẻ thù cướp phá khiến cuộc sống của gia đình liệt sĩ vô cùng khổ cực…

Ngày 12/8/2009, Ban Tổ chức Trung ương có Văn bản số 30- HD/BTCTW hướng dẫn về việc công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến Tổng khởi nghĩa 19/8/1945. Sau khi có văn bản hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương,  tháng 3/2010, Đảng ủy xã Tân Cương và Huyện ủy Vĩnh Tường đã tổ chức họp và có hồ sơ xác nhận: “Liệt sĩ Phạm Văn Du đã tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945”. Hồ sơ sau đó được chuyển tới Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, nhưng không hiểu sao nhiều năm qua, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc vẫn chưa có văn bản công nhận thời gian hoạt động cho liệt sĩ Du (?). Liên tục từ đó đến nay, vợ và người con gái duy nhất của liệt sĩ là bà Phạm Thị Lịch đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng từ huyện, tỉnh đến Trung ương đề nghị công nhận thời gian hoạt động cho cha đẻ của bà.

Năm 2011, Báo CAND cũng đã chuyển đơn của bà Lịch tới Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Ngày 5/10/2012, Ban Tổ chức Trung ương cũng đã có văn bản gửi Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đề nghị báo cáo kết quả giải quyết chế độ, chính sách đối với liệt sĩ Phạm Văn Du và gia đình liệt sĩ về Ban Tổ chức Trung ương. Tiếc rằng trong thời gian chờ đợi các cơ quan chức năng xác nhận sự thật chính đáng cho chồng, người vợ của liệt sĩ Du do tuổi cao sức yếu nên đã qua đời ngày 29/12/2012.

Về quá trình hoạt động cách mạng của liệt sĩ Du, cụ Nguyễn Trung Hoa (tức “Nguyễn Tráng”), SN 1916, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc, phân hiệu I Trung ương (hiện nghỉ hưu và sống ở xã Tân Cương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) xác nhận: “Liệt sĩ Phạm Văn Du đã tham gia công tác cùng tôi từ năm 1944, là Ủy viên Ban chấp hành thanh niên, tự vệ chiến đấu ở xã Đồng Phú; tham gia giành chính quyền Phủ Vĩnh Tường; Chính trị viên xã đội, Bí thư Chi bộ xã Tân Cương”.

Tại buổi làm việc ngày 7/8/2013 giữa lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và Thường trực Huyện ủy Vĩnh Tường có sự tham dự của một số đồng chí lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa về việc xem xét thời gian tham gia hoạt động cách mạng của liệt sĩ Du, cụ Lê Dân, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết: “Liệt sĩ Phạm Văn Du tham gia hoạt động cách mạng từ tháng 8/1944 do chính tôi giới thiệu vào tổ chức tự vệ chiến đấu, tham gia tổ chức Thanh niên và được đồng chí Nguyễn Trung Hoa (tức “Nguyễn Tráng”), nguyên Ủy viên Ban cán sự tỉnh Vĩnh Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phúc), nguyên Bí thư Phủ ủy Vĩnh Tường năm 1941 (nay là Huyện ủy Vĩnh Tường), nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc trường Nguyễn Ái Quốc, phân hiệu I trực tiếp giao nhiệm vụ. Tháng 1/1951 đồng chí Phạm Văn Du đã chiến đấu và anh dũng hy sinh”.

Kết thúc buổi làm việc, Thường trực Huyện ủy Vĩnh Tường đã có Tờ trình số 56- TTr/HU do Phó Bí thư Huyện ủy Vĩnh Tường - Lỗ Tất Chánh ký gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đề nghị công nhận đồng chí Phạm Văn Du là người hoạt động cách mạng trước năm 1945. Nhưng cho đến nay, người thân của gia đình liệt sĩ đang mỏi mòn chờ đợi.

Ngày 11/12, trao đổi với phóng viên Báo CAND về việc này, ông Nguyễn Duy Đông, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết, sau khi nhận được Tờ trình của Huyện ủy Vĩnh Tường, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng đã giao cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy nghiên cứu và báo cáo với Thường vụ Tỉnh ủy để xem xét, vận dụng và công nhận chế độ chính sách theo đúng quy định đối với liệt sĩ Du. Để đảm bảo chế độ, chính sách cho liệt sĩ Phạm Văn Du và gia đình liệt sĩ theo đúng quy định, đề nghị Tỉnh ủy Vĩnh Phúc sớm công nhận thời gian hoạt động cách mạng cho liệt sĩ để chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống

Nguyễn Hưng
.
.
.