Cần quy định thống nhất việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải

Thứ Tư, 27/11/2019, 08:51
Thông tin về tình hình quản lý chất thải rắn trên cả nước vào ngày 26-11, ông Đỗ Tiến Đoàn, cán bộ Vụ Quản lý chất thải - Tổng cục Môi trường cho biết, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt của cả nước hiện đã ở mức 61.000 tấn/ngày.

Trong đó, mới thu gom được khoảng 85%, nhưng lượng rác thải ở khu vực đô thị đã ở mức 37.000 tấn. Các địa phương có khối lượng rác thải sinh hoạt lớn nhất là TP Hồ Chí Minh với 9.100 tấn/ngày; Hà Nội 6.500 tấn/ngày, Thanh Hóa 2.250 tấn/ngày, Đồng Nai 1.850 tấn/ngày và Bình Dương khoảng 1.760 tấn ngày.

Theo ông Đoàn, đến nay mới chỉ có rất ít địa phương thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và việc này mới chỉ mang tính chất khuyến khích, chưa có chế tài bắt buộc. Trong khi 71% lượng rác thải hàng ngày được thu gom, vận chuyển đem chôn lấp, thì các khu xử lý, bãi chôn lấp rác thải của các địa phương đều được đặt xa; phương tiện vận chuyển không đáp ứng yêu cầu gây rò rỉ nước thải hoặc gây ô nhiễm mùi trong quá trình vận chuyển; nhiều trạm trung chuyển và điểm tập kết rác còn có hiện tượng tồn đọng rác thải kéo dài gây mùi khó chịu, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Thời điểm này cả nước có 380 lò đốt rác, nhưng mới chỉ có 294 lò có công suất trên 300kg/giờ theo quy định. Trong khi đó công tác quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên cả nước hiện cũng chưa có một quy định thống nhất. Phải đến khi Chính phủ có Nghị quyết về vấn đề này vào tháng 2 vừa qua, một số địa phương mới định hướng giao cho Sở TN-MT làm đầu mối quản lý.

Thu gom, vận chuyển rác thải kiểu thủ công tại TP Hồ Chí Minh.

Ông Đoàn cho biết, mặc dù đã có một loạt quy định về bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý rác thải và quy định về trách nhiệm quản lý rác thải với chủ nguồn thải, nhưng do chưa thống nhất đầu mối quản lý Nhà nước về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt từ cấp Trung ương đến địa phương, nên việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải cũng vẫn còn một loạt các hạn chế. Cụ thể, đến nay cả nước vẫn chưa có mô hình quản lý chuẩn, mỗi địa phương thực hiện theo cách khác nhau; thậm chí ngay trong một tỉnh, thành, việc quản lý rác thải cũng thực hiện theo nhiều mô hình khác nhau.

Tại cấp Trung ương, trách nhiệm quản lý với lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải cũng chưa rõ ràng giữa các bộ; việc quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải bị phân đoạn trách nhiệm quản lý cho các bộ, ngành và địa phương dẫn đến chồng chéo, nhất là đối với công tác quản lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn. Ở cấp địa phương, nhiều Sở Xây dựng hoặc Sở TN-MT không đủ nhân sự để quản lý vấn đề này đã giao trách nhiệm xuống cấp huyện, cấp xã khiến việc quản lý thiếu chặt chẽ.

Thực trạng trên dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó có vấn đề thiếu cơ chế minh bạch để thúc đẩy xã hội hóa việc thu gom, xử lý rác thải nên chưa thu hút được nhiều nguồn lực từ bên ngoài đầu tư vào lĩnh vực này. Do vậy, việc thống nhất đầu mối quản lý xuyên suốt đối với lĩnh vực này từ cấp bộ ngành đến địa phương là vấn đề cần sớm được đặt ra.

Đ.Thắng
.
.
.