Cần những biện pháp cứng rắn để giảm tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc

Thứ Năm, 18/04/2013, 17:24
Những nỗ lực của các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc vận động các gia đình có người thân đi làm việc tại Hàn Quốc, tuyên truyền vận động lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn, chưa giảm được tỷ lệ cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, khiến cho việc ký lại thỏa thuận hợp tác về lao động giữa hai nước hiện chưa được thực hiện.
>> Nỗ lực tìm giải pháp giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc

Đây không chỉ là thiệt thòi cho 12.000 lao động đã có chứng chỉ tiếng Hàn từ tháng 11/2012, đến nay sắp hết hạn, mà còn là tổn thất lớn về vật chất và tinh thần của hàng vạn lao động đã và đang học tiếng Hàn trên cả nước, chờ đợi kỳ thi được tổ chức lại. Liệu Hàn Quốc có dừng tiếp nhận lao động Việt Nam không và nếu không, thì khi nào tiếp nhận trở lại? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ngài Ha Chan Ho, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam và ông Choi Byung Gie, Giám đốc Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam.

Ngài Ha Chan Ho, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam.

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, Ha Chan Ho: Đã đề xuất các giải pháp nối lại quan hệ lao động với Việt Nam

- Theo góc độ nhìn nhận của ngài Đại sứ, nguyên nhân do đâu mà tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú tại Hàn Quốc lại cao đến vậy?

- Ngài Ha Chan Ho: Theo các quy định, người lao động nước ngoài có thể làm việc 5 năm tại Hàn Quốc. Trong thời gian này, họ đã rất thành thạo, tay nghề được nâng cao, hết hợp đồng chưa muốn về nước. Chủ sử dụng lao động Hàn Quốc cũng muốn sử dụng lao động Việt Nam đã từng làm việc, thêm một thời gian nữa. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

- Như vậy, rõ ràng là lỗi không phải chỉ ở phía lao động Việt Nam? Vậy để giảm tỷ lệ này, theo ngài yếu tố quan trọng nhất là gì?

- Ngài Ha Chan Ho: Đương nhiên chúng ta không thể giảm hết hoàn toàn 50% số lao động đang cư trú bất hợp pháp. Chính phủ Việt Nam có thể sử dụng nhiều biện pháp linh hoạt, giảm tỷ xuống một chút. Hai Chính phủ  cùng phải hợp tác. Hy vọng thời gian tới có hiệu quả. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cần phải có nhiều biện pháp cứng rắn hơn nữa, để giảm tỷ lệ cư trú bất hợp pháp.

- Ngài đánh giá thế nào về đề xuất biện pháp phạt đến 100 triệu đồng đối với lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, mà phía Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam dự kiến đưa ra?

Lao động Việt Nam làm việc tại xưởng may quần áo bò của Hàn Quốc.

- Ngài Ha Chan Ho: Tôi được biết đấy là biện pháp khá mạnh. Từ tháng 7/2012, Hàn Quốc đã thực hiện chính sách mới, người lao động kết thúc thời hạn hợp đồng 5 năm, về nước được phép trở lại sau 3 đến 6 tháng, không qua môi giới nào. Chính phủ Việt Nam nỗ lực giảm tỷ lệ này xuống một chút nữa, để Hàn Quốc tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam. Tôi cũng khẳng định với hơn 500 nghìn lao động nước ngoài đang làm việc tại Hàn Quốc, Chính phủ Hàn Quốc không thể truy quét hết số lao động bất hợp pháp. Hơn nữa đa số các DN tiếp nhận lao động nước ngoài là các DN vừa và nhỏ, không thể xử phạt vì các DN này có thể bị phá sản hoặc dừng hoạt động.

Với tư cách là Đại sứ, tôi đã trao đổi lại ý kiến của Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Hàn Quốc, đề nghị các giải pháp để nối lại mối quan hệ khi giảm một chút trong phần trăm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp của lao động Việt Nam. Cả hai bên cùng phải cố gắng. Đồng thời phía Việt Nam cần kiểm soát môi giới lừa đảo, nghiêm khắc với môi giới can thiệp vào hoạt động này, để người lao động không bị mất thêm nhiều chi phí. Bộ LĐ-TB&XH, các Sở LĐ-TB&XH trên toàn quốc tham gia tích cực vào quá trình này. Người lao động cũng cần phải lên tiếng.

- Xin chân thành cảm ơn ngài Đại sứ!

Ông Choi Byung Gie, Giám đốc HRD.

Ông Choi Byung Gie, Giám đốc Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam (HRD): Tôi mong nhất thỏa thuận hợp tác lao động được ký lại trong năm nay

“Khi hiệp định hợp tác lao động được ký lại thì cần phải xem xét cả hai vấn đề thi mới và gia hạn chứng chỉ tiếng Hàn cho 12.000 lao động đã có chứng chỉ”.

- Hàng vạn lao động Việt Nam đang chờ được thi tiếng lấy chứng chỉ tiếng Hàn, phía HRD, cơ quan tổ chức kỳ thi này, có nắm được điều đó không?

- Ông Choi Byung Gie: Đúng là người lao động phải bỏ tiền ra đi học, nhiều người đi học, số lượng tiền bỏ ra càng lớn. Nhưng hiện tôi cũng chưa nghe và chưa thấy được con số thống kê chính thức nào về số lượng này. 

- Theo đánh giá của ông, Hàn Quốc có tổ chức lại kỳ thi tiếng Hàn tại Việt Nam không? Nếu có thì khi nào?

- Ông Choi Byung Gie: Trong trường hợp thỏa thuận lao động được ký lại, kỳ thi tiếng Hàn chắc chắn sẽ phải đợi khá lâu, vì trước tiên sẽ phải tính ưu tiên đến 12.000 lao động đã có chứng chỉ. Kế hoạch thi trên giấy cho lao động Việt Nam không có, chỉ có thi trên máy tính thôi, nên cũng chưa thể biết khi nào tổ chức thi. Tuy nhiên phía Hàn Quốc vẫn có kế hoạch tổ chức thi tiếng Hàn cho lao động mới.

- Với mức chênh lệch về thu nhập quá lớn, phải thẳng thắn là không hy vọng nhiều vào biện pháp tuyên truyền trong nước, để giảm tỷ lệ bất hợp pháp. Nếu tới đây điều đó xảy ra, lao động Việt Nam còn cơ hội sang Hàn Quốc không?

- Ông Choi Byung Gie: So với các nước phái cử khác, thu nhập tại Hàn Quốc vẫn cao hơn, nhưng tỷ lệ lao động bất hợp pháp của họ không cao như Việt Nam. Tôi không phải là nhà hoạch định chính sách, nhưng thấy dựa trên mối quan hệ sâu sắc giữa Việt Nam và Hàn Quốc, nên việc không ký thỏa thuận hợp tác lao động là không có. Bản thân tôi cũng không thể tưởng tượng được là hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc bị dừng lại. Có thể mọi người không biết, Hàn Quốc cũng đang rất đau đầu để đưa lao động tồn đọng về. Chính phủ Hàn Quốc cũng đang nhìn về phía trước nhiều hơn, tức là các quy định để các lao động mới sang. Tôi mong nhất năm nay được ký lại. Nếu để sang năm còn bị ảnh hưởng nữa, để tìm lại ngôi vị số 1 càng khó. Lao động Việt Nam đã bị đẩy xuống vị trí thứ tư về mức độ yêu thích của chủ sử dụng. Để dừng càng lâu càng khó cho lao động Việt Nam. Như Campuchia, khi Việt Nam không được đưa lao động sang, thì Campuchia đã thay thế vào vị trí số 1.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Thu Uyên (thực hiện)
.
.
.