Cần nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động

Thứ Hai, 07/12/2009, 12:58
Theo kết quả điều tra việc làm và thất nghiệp năm 2007 của Bộ LĐ-TB&XH, lao động trong độ tuổi thanh niên (15-29 tuổi) của cả nước là gần 15,64 triệu người, trong đó có 3,43 triệu người ở đô thị (chiếm 22%) và 12,2 triệu người ở nông thôn (chiếm 78%). 

Tính chung từ năm 2006 đến nay, cả nước đã tạo việc làm cho gần 5,6 triệu lao động. Trong đó, năm 2006 là 1,65 triệu lao động, năm 2007 là 1,68 triệu và năm 2008 là 1,61 triệu, năm 2009 ước đạt 1,5 triệu lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao, cao hơn mức chung của cả nước, nhất là ở nhóm tuổi 15-19 và ở khu vực thành thị (tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 5%, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 15-19 là 7% và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị là 10,7%, tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước là 4,91%).

Đánh giá về chất lượng lao động trẻ, ông Nguyễn Hữu Dũng, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, đã có nhiều tiến bộ, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Trung bình 100 lao động được tuyển mới thì có 50 lao động qua đào tạo nghề, 30 là lao động phổ thông và chỉ có 20 là cao đẳng, đại học. Chứng tỏ lao động chưa qua đào tạo vẫn chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp trong độ tuổi thanh niên ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn được nhiều chuyên gia lao động đưa ra do cung lao động luôn lớn hơn cầu lao động, trong khi cầu lao động trẻ lại rất chọn lọc về trình độ, tay nghề...

Bên cạnh đó, bản thân  lao động trẻ chưa tự cân đối được khả năng của mình với yêu cầu của nhà tuyển dụng. Thêm vào đó, thanh niên khi bước vào độ tuổi lao động chưa tích lũy được kinh nghiệm, trong khi việc tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu và cung ứng lao động còn nhiều bất cập, mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của thanh niên.

Bà Nguyễn Lâm Thúy, Văn phòng hướng nghiệp VaLa cho rằng, lựa chọn sai nghề của sinh viên tạo ra áp lực lớn khi họ không phát huy được năng lực của bản thân để làm giàu cho mình, cho đất nước, mà ngược lại, còn có thể tạo ra rất nhiều vấn đề xã hội khác. Số liệu điều tra xã hội học của Văn phòng hướng nghiệp VaLa (Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam) tại một số trường đại học cho thấy, 30% tỷ lệ sinh viên được điều tra cho biết, sẽ không theo nghề đang học; 40% sinh viên hoài nghi về nghề nghiệp đang học; 80% sinh viên sau khi ra trường không có việc làm sau 3 tháng; 50% sinh viên không có việc làm sau 6 tháng.

Để giải quyết vấn đề nghịch lý về việc làm trong lực lượng lao động trẻ, Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Đề án "Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015" cùng với các hoạt động nâng cao nhận thức của thanh niên về dạy nghề, lập nghiệp đang được Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Trung ương Đoàn TNCSHCM và các Bộ, ngành có liên quan thực hiện, hướng đến đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50% vào năm 2010.

Cùng đó, xây dựng và hoàn thiện chính sách thu hút lao động, chú trọng các chính sách đối với thanh niên có trình độ cao, thanh niên làm việc trong các lĩnh vực mới phù hợp với xu hướng hội nhập, thanh niên nông thôn đến làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Đồng thời hỗ trợ phát triển thị trường lao động thông qua việc xây dựng và hoàn thiện bộ công cụ về chỉ số thị trường lao động; mô hình dự báo cung- cầu lao động ở Việt Nam, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động nhằm hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động

Thu Uyên
.
.
.