Cần "liều thuốc" đặc trị cho những kẻ xem thường sinh mạng

Thứ Sáu, 06/05/2011, 16:50
Không chỉ xem thường sinh mạng của chính mình, hay những màn phóng nhanh, vượt ẩu, đi vào đường cấm, chở quá lượng người cho phép… mà tình trạng người tham gia lưu thông kém ý thức, xem thường thần chết khi đi qua các tuyến đường có đường ray đi ngang cũng là thực trạng nhức nhối tại TP HCM trong nhiều năm qua.

Để nhanh một chút, người ta không ngần ngại chen lấn, băng ngang khi người gác hạ cần chắn đường và lúc đoàn tàu đang lao vùn vụt về phía trước.

Lưu thông bạt mạng

Vụ tai nạn đường sắt thảm khốc trên cầu Ghềnh (Biên Hòa - Đồng Nai) xảy ra vào tối 6/2 tại Km 1690+860 khiến 2 người chết và gần 30 người bị trọng thương chừng như vẫn chưa đủ sức cảnh tỉnh những kẻ có thói quen đi đứng liều mạng.

Sáng 5/5, anh Ngô Văn Hoàng, hiện công tác tại Phòng tổ chức Lực lượng thanh niên xung phong TP HCM bức xúc phản ánh, khi anh lưu thông trên đường Nguyễn Văn Trỗi (địa phận quận Phú Nhuận), thì cũng là lúc các anh chị gác ghi của ngành đường sắt nhận được tín hiệu của đoàn tàu xuất bến ở ga Sài Gòn đang trên đường đến nên lập tức hạ cây gác chắn đường. "Giữa lúc nhiều người đi đường dừng lại thì vẫn có một số người cố tình tiến thẳng, họ lách né vượt qua đường ray. Khi các cây gác được hạ xuống, một cặp nam nữ chạy trên xe SH ăn vận khá lịch sự ngông cuồng nhấc gác chắn định rồ máy vượt qua. Sợ rằng kiểu đi đứng liều mạng ấy sẽ xảy ra án mạng nên các anh chị gác ghi cản ngăn. Chỉ đợi có thế, cặp đôi nọ lớn tiếng chửi bới người đang làm nhiệm vụ với lý do tàu chưa qua thì sao cản ngăn họ".

Sau khi băng qua tấm lá chắn, người đàn ông (đội mũ) thản nhiên dựng xe ngồi "ngắm" đoàn tàu lăn bánh.

Sáng cùng ngày, khi lưu thông trên đường Thích Quảng Đức, đến đoạn có tuyến đường sắt băng ngang ở khu vực giáp ranh phường 4 và phường 9, bản thân người viết cũng được dịp mục kích các kiểu vượt đường ray bất kể mạng sống của một số người đi đường. Khi các anh chị nhân viên gác ghi hạ thanh chắn cuối cùng, một người đàn ông chạy xe Dream Trung Quốc vẫn cố lách qua.

Vừa lúc ấy đoàn tàu lao tới vùn vụt, may mà anh ta thắng kịp nên thảm cảnh không xảy ra. Lúc này, bị chị gác ghi nhắc nhở, người này tỏ thái độ hậm hực. Nguy hiểm hơn, khi toa tàu cuối cùng chuẩn bị đi qua, một người đàn ông mặc áo thun ba lỗ tự ý nâng thanh chắn rồi thản nhiên bước tới. Chứng kiến cảnh liều mạng ấy của ông ta, nhiều người đứng đợi la ó bất bình…

Cần xử lý nghiêm

Theo thống kê của ngành đường sắt, cả nước có hơn 2.600km đường sắt chạy qua 33 tỉnh và thành phố, mỗi ngày có khoảng 100 tuyến tàu khách, tàu hàng hoạt động. Cùng với TNGT đường bộ, TNGT đường sắt cũng đe dọa an toàn đoàn tàu, tính mạng, tài sản của người dân đã và đang là thực trạng nhức nhối tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước có tuyến đường sắt đi qua khu dân cư, đặc biệt tại TP HCM.

Nguyên nhân dẫn đến TNGT đường sắt chủ yếu là do người điều khiển phương tiện, khách bộ hành đi qua đường sắt không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về đảm bảo an toàn, nhiều trường hợp dù chắn ngang đường được hạ nhưng vẫn cố tình vượt qua…

Theo Thượng tá Huỳnh Kim Thanh, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP HCM, trong tổng số gần 260 vụ TNGT đường bộ lẫn đường sắt tại TP HCM trong quý I năm 2011, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do tính chủ quan, cố tình vi phạm Luật An toàn giao thông của người tham gia lưu thông. Các nguyên nhân dẫn đến tai nạn do kỹ thuật cầu đường, lỗi kỹ thuật xe hay rủi ro khác chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, chỉ 3%.

Trong 4 nguyên nhân chính dẫn đến TNGT được Phòng CSGT TP HCM đưa ra, xếp đầu bảng vẫn là do ý thức chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông kém. Tiếp sau đó là các nguyên nhân do cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện tham gia giao thông và do quản lý nhà nước về TTATGT và các điều kiện môi trường, xã hội…

Từ thực trạng trên, đề nghị chính quyền các địa phương nơi có tuyến đường sắt đi qua cần tăng cường công tác phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông, CSGT, lực lượng Quản lý trật tự đô thị nhằm chấn chỉnh nạn đi đứng coi thường an toàn của đoàn tàu và an toàn tính mạng của chính mình từ những kẻ có hành vi lưu thông liều lĩnh bằng các biện pháp chế tài nghiêm khắc. Chỉ có phạt nặng, xử lý nghiêm thì người ta mới biết sợ mà không vi phạm, tái phạm

Bích Kiều - Huỳnh Kiều
.
.
.