Cần khắc phục những tồn tại để đảm bảo ATGT

Thứ Ba, 06/01/2009, 10:18
Cục Đường bộ Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2008 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2009.

Tại Hội nghị, nhiều tồn tại liên quan đến công tác quản lý đường bộ Việt Nam đã được chỉ rõ và đánh giá một cách thẳng thắn như công tác quản lý bảo trì đảm bảo ATGT trên các quốc lộ, công tác khắc phục cầu yếu, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, công tác phòng chống bão lũ và quản lý đường đèo dốc...

Theo thống kê đến hết năm 2008, riêng số lượng cầu yếu trong khu vực Khu quản lý đường bộ VII quản lý còn tồn tại khoảng 66 cầu trên 10 tuyến quốc lộ. Trong số đó có rất nhiều cầu cũ, cầu yếu được xây dựng từ trước năm 1975, với nhiều loại kết cấu khác nhau, đặc biệt có những cây cầu được xây dựng gấp trong chiến tranh sử dụng vật tư tận dụng và có sẵn nên kết cấu không đồng nhất, điển hình là cầu Nàng Mao, cầu Như Gia trên quốc lộ 1.

Mặt khác, một số cầu đã được sửa chữa, khôi phục nhiều lần nhưng do lưu lượng và tải trọng phương tiện tham gia lưu thông càng ngày càng tăng nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ hư hỏng gây mất an toàn giao thông.

Tình trạng này đã dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn giao thông đường thủy ngày càng gia tăng, riêng trong năm 2008 đã có 3 vụ sự cố TNGT thuỷ gây ảnh hưởng tới giao thông đường bộ là sự cố cầu Đồng Nai, sự cố cầu Hồng Ngự và sự cố cầu Cái Răng. Tuy nhiều cầu đã xuống cấp, nhưng nhìn chung công tác sửa chữa cầu yếu gặp nhiều khó khăn do vừa thi công vừa đảm bảo giao thông bộ và giao thông thủy.

Mặt khác, khi triển khai thi công phải phối hợp với nhiều đơn vị khác có liên quan như đơn vị quản lý đường thủy để phân luồng; điều tiết giao thông thủy, chính quyền địa phương... để giải tỏa mặt bằng và các công trình kỹ thuật đeo bám trên cầu. Do mất thời gian di dời, giải tỏa mặt bằng nên tiến độ thi công thường chậm dẫn đến nhiều công trình phải gia hạn thời gian thi công.

Theo số liệu thống kê của Khu quản lý đường bộ V (quản lý cầu đường khu vực miền Trung) thì đa số các dự án khi triển khai thi công đều gặp khó khăn chủ yếu từ phía nhà thầu, vì vậy đã làm chậm tiến độ hoàn thành bàn giao, trong đó có những dự án chậm hoàn thành bàn giao đến 2-3 năm. Để sớm đưa vào khai thác, các bên liên quan (chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn, đơn vị quản lý) đã thống nhất chấp nhận là bàn giao nguyên trạng của công trình.

Hậu quả của việc bàn giao này đã để lại không ít khó khăn, tồn tại cho đơn vị quản lý sau này. Đơn cử như việc, sau hơn 4 năm đưa vào quản lý khai thác, có dự án đã khai thác 10 năm (dự án R300) nhưng đến nay trên quốc lộ 1 từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa (615km) vẫn chưa được đầu tư sửa chữa bảo trì định kỳ đúng quy định.

Điều này dẫn đến thực tế, với lưu lượng khai thác hiện nay trên quốc lộ 1 trung bình có từ 3.500-5.500 xe/ngày đêm, tuy chưa đạt đến lưu lượng thiết kế nhưng hiện nay trên quốc lộ 1 đã xuất hiện nhiều hư hỏng về nền mặt đường.

Cụ thể hơn là ngay sau khi bàn giao mặt đường đã có nhiều rạn nứt lớn, ổ gà sình lún phát sinh, phát triển trên nhiều km, có những đoạn đã hư hỏng nặng gây cản trở, ách tắc giao thông như đoạn km 1280 - km1310 qua khu vực huyện Tuy An, tuyến tránh thị trấn Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, tuyến tránh Bồng Sơn, tuyến tránh Tuy Hoà thuộc dự án khôi phục các cầu, đoạn km 1519-km 1525 đã bị hư hỏng sình lún rất nặng...

Về chất lượng sát hạch lái xe môtô, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh thừa nhận, do tổ chức phân tán ở các cơ sở đào tạo lái xe trong những điều kiện khác nhau nên chất lượng đào tạo, sát hạch không đều, kéo theo đó là nảy sinh những tiêu cực như thi hộ để được cấp GPLX...

Đặc biệt, việc dùng GPLX giả do nước ngoài cấp để đổi sang GPLX Việt Nam đang rất phổ biến dưới nhiều hình thức đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý

T.Huyền - N.Hương
.
.
.