Cần giải pháp bền vững cho giá thuốc chữa bệnh

Thứ Năm, 30/12/2010, 15:56
Các biện pháp mà Bộ Y tế đưa ra để bình ổn giá thuốc vào cuố năm mới chỉ là giải pháp tình thế. Để có thể quản lý giá thuốc ổn định một cách bền vững, cần những giải pháp đồng bộ hơn.

Việc giá thuốc chữa bệnh tăng cao trong tháng 11/2010 rồi tiếp tục tăng nhẹ vào đầu tháng 12/2010 đã khiến nhiều người lo ngại về việc sẽ góp phần đẩy giá tiêu dùng lên trong bối cảnh Tết Nguyên đán cận kề. Tuy nhiên, đến nay, số liệu của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay: Giá các loại thuốc nhập khẩu giảm nhiều hơn tăng, thậm chí, giá một số mặt hàng còn giảm mạnh so với thời điểm nhập. Giá nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thuốc cũng tăng, giảm tùy loại, nhưng số mặt hàng có biến động về giá chỉ khoảng 28% tổng số mặt hàng nhập.

Cũng theo Cục Quản lý giá, giá thuốc biến động nhẹ những ngày đầu tháng 12, chủ yếu ở thị trường Hà Nội và TP HCM, nhưng cũng chỉ tập trung ở các loại thuốc ngoại, do có biến động về tỷ giá giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ mạnh. Hiện tại, nguồn cung thuốc dồi dào, đặc biệt là từ thị trường Ấn Độ, nên đủ đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh của nhân dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, nên giá thuốc đã cơ bản ổn định.

Bên cạnh việc tăng giá do tỷ giá, các cơ quan chức năng không loại trừ việc "tát nước theo mưa" của các cửa hàng thuốc. Thực tế, ở ngõ Văn Hương (Tôn Đức Thắng, Hà Nội), cùng loại Ammocilline nội 500mg, nhưng một cửa hàng bán giá 6.000đ/vỉ, còn cửa hàng cách đó vài chục mét lại bán 9.000đ/vỉ, một lọ Kakama giá 27.000đ ở cửa hàng thuốc tại ngõ Văn Hương, trong khi ở Văn Miếu lại là 33.000đ; một lọ canxi nhập từ Mỹ, 2 cửa hàng cùng trên phố Quốc Tử Giám bán chênh nhau tới 15.000đ v.v...

Trước sự phản ánh của dư luận về giá thuốc tăng trong những ngày qua, Bộ Y tế cũng đã có chỉ đạo bình ổn thị trường thuốc chữa bệnh trong những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân, nhất là người nghèo. Mới đây nhất, ngày 17/12/2010, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã ký Văn bản 8698/BYT-QLD đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp bình ổn giá thuốc chữa bệnh trên địa bàn. Theo đó, các Sở Y tế sẽ chủ trì để thành lập các đoàn kiểm tra thị trường dược phẩm và tập trung kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý giá thuốc, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái luật hay đưa tin thất thiệt về cung, cầu thuốc chữa bệnh trên địa bàn và xử lý nghiêm.

Từ nay đến hết quý I/2011, các sở y tế sẽ tiến hành xem xét các hồ sơ kê khai lại giá thuốc của các doanh nghiệp sản xuất thuốc trên địa bàn, nhằm hạn chế tối đa các trường hợp điều chỉnh tăng giá thuốc. Bộ Y tế cũng nghiêm cấm việc sản xuất cầm chừng hoặc không sản xuất, gây khan hiếm giả tạo để đẩy giá thuốc lên cao nhằm trục lợi.

Giá thuốc dù giảm hay tăng bao nhiêu, người tiêu dùng vẫn phải mua.

Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp dược hạn chế tối đa việc điều chỉnh tăng giá thuốc cho đến hết năm 2010 để đảm bảo sự bình ổn thị trường thuốc chữa bệnh và góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế, kiềm chế lạm phát theo chỉ đạo của Chính phủ. Cùng với việc chỉ đạo, Bộ Y tế cũng đã "ra tay" bằng việc lập các đoàn thanh tra để kiểm tra và ngăn chặn vi phạm.

Ông Dương Xuân An, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế, cho hay: Từ ngày 20/12, Thanh tra Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các Sở Y tế chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp cùng Công an, Hải quan, Quản lý thị trường v.v… để thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý giá thuốc chữa bệnh tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong đó, một nội dung cần được quan tâm là phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành v.v… Các sở, phòng y tế được thiết lập đường dây nóng, để nắm bắt thông tin kịp thời về giá thuốc ở từng địa phương.

Ông Dương Xuân An cũng cho biết, Thanh tra Bộ Y tế và Thanh tra các Sở Y tế Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra về giá thuốc, nhằm phát hiện để xử lý kịp thời các vi phạm. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cuối cùng trong dịp này hiện chưa có. 

Các biện pháp của Bộ Y tế đòi hỏi phải làm quyết liệt, mới mong ổn định được giá thuốc trong dịp này, Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, dẫu sao, các biện pháp này mới chỉ là giải pháp tình thế. Để có thể quản lý giá thuốc ổn định một cách bền vững, cần những giải pháp đồng bộ. Trước hết, ngành Y tế phải thực hiện tốt Quyết định 110/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch "Dự trữ lưu thông thuốc quốc gia phục vụ công tác phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân". Điều này cần đặc biệt quan tâm khi mà từ năm 2006 đến 2009, việc dự trữ đã không đảm bảo kế hoạch.

Bên cạnh đó, có những văn bản hướng dẫn thi hành không còn phù hợp cần được sớm sửa đổi, như các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Dược không quy định mức độ chênh lệch tối đa giữa giá nhập khẩu với giá bán buôn và giá bán lẻ, nên đã xảy ra tình trạng giá bán cao gấp nhiều lần giá nhập. Khâu nhập khẩu cũng cần có qui định về việc hạn chế các công ty nước ngoài lợi dụng vị thế độc quyền để bán giá cao, đồng thời, có cơ sở pháp lý để có thể kiểm tra được tính hợp lý của giá niêm yết.

Việc khảo sát thị trường dược phẩm cả nước mới đây của Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược Việt Nam cũng chỉ ra: Trong 11 tháng qua, chỉ số giá nhóm hàng dược phẩm y tế tăng 3,28%, thấp hơn so với chỉ số giá tiêu dùng là 9,58% và đứng thứ 9/11 nhóm hàng trọng yếu về mức độ tăng giá. Tuy nhiên, tháng nào cũng có từ 0,3-0,5% số mặt hàng thuốc (khoảng 22.000 mặt hàng) tăng giá. Trong đó, ở Hà Nội, kiểm tra 700 trong 1.700 mặt hàng thuốc trong tháng 11 cho thấy, nhiều loại tăng giá, trong đó có trên 10 mặt hàng thuốc ngoại tăng giá từ 1-5% và một số thuốc nội tăng từ 5-10%.

Thanh Hằng
.
.
.