Cần dẹp bỏ việc dùng gầm cầu vượt, gầm đường cao tốc làm nhà kho, trông xe

Thứ Sáu, 01/02/2013, 09:43
Hệ thống cầu vượt, đường cao tốc trên cao đoạn Pháp Vân - quốc lộ 1A - cầu Vĩnh Tuy được xây dựng rất hiện đại. Ấy thế mà dưới gầm hệ thống giao thông này lại là điểm trông giữ xe, nhà kho... Đáng sợ hơn, đây không phải là địa chỉ duy nhất ở Hà Nội đang bị sử dụng sai mục đích, gây mất an toàn cho hạ tầng giao thông và an toàn giao thông.

Phân lô trông xe, làm kho bãi dưới gầm cầu

Từ ngã ba Yên Sở ngược về ngã ba Pháp Vân là đầu mối giao thông cực kỳ quan trọng. Nó là điểm tiếp giáp giữa các trục: đường vành đai III; cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; Pháp Vân - quốc lộ 1A cũ; đường vành đai trên cao - cầu Vĩnh Tuy. Với hệ thống hạ tầng giao thông dày đặc như vậy, nhiều người rất dễ rơi vào cảnh “hoa mắt, chóng mặt”. Thế nên, để lưu thông thuận tiện, người điều khiển phương tiện phải đọc kỹ biển hướng dẫn.

Ngược lại với sự hiện đại, văn minh của nút giao thông trên cao, huyết mạch ở cửa ngõ Thủ đô, ở dưới gầm lại là sự “tạp pí lù”. Cả đoạn gầm cầu, gầm đường cao tốc dài chừng 2km từ ngã ba Yên Sở - ngã ba Pháp Vân bị người ta phân lô, làm hàng rào để làm: bãi trông giữ phương tiện; nhà kho; nơi tập kết hàng hóa; nơi tập kết giàn giáo...

Sáng 30/1, khi chạy dọc tuyến đường này, chúng tôi không thể đếm hết được có bao nhiêu lô gầm cầu bởi nó nhiều vô kể. Để phân biệt, người ta trưng biển kiểu như: điểm trông giữ số 5, 16, 8... Và hầu hết các lô này có panô quảng cáo “trông giữ 24/24h”.

Ôtô, xe máy, xe cứu hộ, xe container... để dưới. Bên trên, phương tiện chạy rầm rập cả ngày lẫn đêm. Ngộ nhỡ xảy ra sự cố thì không chỉ tài sản bị hư hại, tuyến giao thông huyết mạch bị đứt đoạn mà tính mạng của rất nhiều người bị lâm nguy. Đấy còn chưa kể, các điểm phân lô làm bãi đỗ xe, làm nhà kho hoạt động 24/24h nên phương tiện ra vào thường xuyên, ảnh hưởng đến an toàn giao thông ở làn đường hai bên.

Đáng ngạc nhiên hơn là rất nhiều điểm phân lô này cắm biển của “Tổng Công ty Vận tải Hà Nội – Công ty Khai thác điểm đỗ”. Những tấm biển này cho thấy, pháp nhân của đơn vị khai thác cũng như đây là hoạt động đã được cấp phép. Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ, đây là khu vực được bảo vệ, cấm khai thác. Tại sao việc làm này lại diễn ra và đang tồn tại? Thực tế ở Hà Nội hạ tầng dành cho giao thông tĩnh thiếu nghiêm trọng. Lấy lý do thiếu để cấp phép cho các điểm trông giữ xe tại những nơi mà luật quy định phải bảo vệ liệu có hợp lý? Dư luận chắc chắn không ai đồng tình với việc làm này cả.

Cần kiểm tra, làm rõ vi phạm

Gầm cầu, gầm đường cao tốc trên cao bị phân lô, biến thành điểm trông xe, kho bãi không chỉ kéo từ ngã ba Yên Sở về ngã ba Pháp Vân mà tại khu vực Linh Đàm cũng có tình trạng này. Gầm đường cao tốc trên cao, đoạn cắt vào khu bán đảo Linh Đàm còn được người ta sử dụng thành điểm sửa chữa, bảo dưỡng các loại xe ôtô. Kế bên, người ta lập hàng rào để làm điểm trông giữ xe máy. Gầm con đường cao tốc trên cao trở nên nhếch nhác, thỉu và gây mất an toàn là vì thế.

Không chỉ gầm cầu ở đường vành đai mới bị thay đổi mục đích sử dụng, cả trong khu vực nội thành cũng tồn tại tình trạng này. Điển hình phải kể đến gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng, cầu vượt Mai Dịch. Từ lâu, gầm cầu vượt ngã tư Vọng đã trở thành điểm trông giữ xe máy, ôtô. Bước đầu, có thể nhìn thấy sự tiện ích “một công đôi việc” của cách tận dụng này. Tuy nhiên, việc làm này đã tạo ra sự bất ổn. Thứ nhất, hiện nay chúng ta đang tuyên truyền, giáo dục người dân chấp hành Luật Giao thông; xây dựng văn hóa giao thông. Thế mà ngay ở trung tâm, việc xâm phạm hạ tầng giao thông vẫn được cấp phép. Thứ hai, việc biến gầm cầu thành điểm trông giữ phương tiện gây mất an toàn giao thông. Tại gầm cầu vượt luôn luôn có hai làn đường bộ. Xe ra, xe vào điểm trông giữ không chỉ làm ảnh hưởng đến tốc độ di chuyển của các làn phương tiện mà còn có thể gây ra những va chạm giao thông.

Trao đổi với Thượng tá Hoàng Văn Thuyết, Phó trưởng Phòng CSTT, Công an TP Hà Nội, chúng tôi được biết, các điểm trông giữ này đều có phép. Tuy nhiên, hoạt động trông giữ phương tiện tại đây gây nguy hiểm,  nhất là khu vực dưới gầm đường cao tốc trên cao.

Chúng tôi được biết, Hà Nội đã rút phép hoạt động của các điểm trông giữ xe ở gầm cầu khu vực Chương Dương, gầm cầu vượt Ngã Tư Sở. Trong khi chờ đợi thành phố có “quyết sách” đối với các điểm trông giữ xe ở gầm cầu, gầm đường cao tốc trên cao khác, đề nghị ngành chức năng kiểm tra để phát hiện vi phạm...

Thông tư 39/2011 của Bộ GTVT: Gầm cầu vượt đường bộ không được sử dụng kinh doanh dịch vụ, bến xe, điểm dừng xe... Trường hợp nếu sử dụng tạm thời gầm cầu làm điểm đỗ xe, UBND cấp tỉnh, thành phố quyết định đối với khu vực do địa phương quản lý. Bộ GTVT quyết định đối với gầm cầu trên quốc lộ đi qua.

Cao Hồng
.
.
.