Cần có một số kỹ năng sơ cứu tai nạn trong dịp hè

Thứ Hai, 04/06/2007, 11:55
Khi bị rắn cắn, điều duy nhất cần làm là trấn an bệnh nhân, bất động chi bị rắn cắn theo cách để thấp hơn ngực làm chậm lại quá trình hấp thu độc tố, rửa sạch vết thương và chuyển ngay tới bệnh viện.

Tham quan, du lịch, sinh hoạt nhóm, hoặc về quê thăm bà con, họ hàng là những hoạt động không thể thiếu ở lứa tuổi học trò nhân kỳ nghỉ hè. Nhưng với việc thời tiết chuyển sang mưa nhiều, nắng nóng bất thường là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh tật cho trẻ.

Khảo sát số bệnh nhi tới khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng I TP Hồ Chí Minh vẫn ở mức quá tải từ 4.000-5.000 ca khám/ngày. Riêng trong năm 2006, Bệnh viện đã tiếp nhận và khám 1,2 triệu lượt bệnh nhi, trong đó có tới 60.000 là bệnh nhi nội trú. Tập trung vào 3 loại: nhiễm siêu vi, vi trùng; nhiễm trùng sơ sinh và các dị tật bẩm sinh.

Trong tháng 5/2007, số bệnh nhi tới khám giảm 20% so với những tháng trước. Các loại bệnh: tiêu chảy cấp, sốt phát ban, viêm phổi, thủy đậu, quai bị đều giảm.

Có 26 ca mắc viêm não do Entero virus 71, chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2006. Nhưng thông tin từ Bệnh viện cho biết, số bệnh nhi sẽ gia tăng trở lại vào thời điểm sắp tới do có nhu cầu thực hiện những kỹ thuật mà không có điều kiện trong năm học như: mổ cắt amiđan, nạo VA v.v…

Đặc biệt, "đến hẹn lại lên" là những trường hợp trẻ không may bị tai nạn trong quá trình sinh hoạt, vui chơi.

Số bệnh nhi bị ong đốt, rắn cắn, ngạt nước… nhập Bệnh viện Nhi đồng I luôn cao trong dịp hè. Nhiều trường hợp trong số này phải nằm viện lâu dài, bị di chứng để lại, thậm chí bị tử vong.

Bác sỹ Nguyễn Thanh Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi lưu ý các phụ huynh trong dịp hè không chỉ để mắt tới con em trong khi vui chơi mà còn phải nắm chắc một số kỹ năng sơ cứu ban đầu khi đưa các em đi chơi xa, cắm trại.

Ví như khi phát hiện trẻ bị ong đốt, nhất là ong bò vẽ, cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường và chuyển tới cơ sở y tế gần nhất.

Khi bị rắn cắn, điều duy nhất cần làm là trấn an bệnh nhân, bất động chi bị rắn cắn theo cách để thấp hơn ngực làm chậm lại quá trình hấp thu độc tố, rửa sạch vết thương và chuyển ngay tới bệnh viện.

Với những bệnh nhi bị ngạt nước cần gọi ngay người giúp đỡ, đặt nạn nhân nằm trên mặt phẳng cứng, nâng đầu và cằm bệnh nhân hướng lên trên; hà hơi thổi ngạt và ấn tim cho bệnh nhân theo chỉ định: Ấn tim 5 lần, thổi ngạt 1 lần nếu có 2 người sơ cứu. Ấn tim 15 lần, thổi ngạt 1 lần nếu chỉ có 1 người sơ cứu.

Trên đường chuyển bệnh nhân tới bệnh viện, tiếp tục làm các thao tác trên

H.Nga
.
.
.