Cần có chính sách mạnh để “nối mạng” nhân lực giữa nhà trường - doanh nghiệp

Thứ Tư, 24/04/2013, 23:33
“Cái chết được báo trước”, “giải cứu cử nhân”, “cử nhân lay lắt sống”… đó là những cụm từ đã xuất hiện trong dư luận khi nói về hậu quả của tình trạng SV ra trường không có việc làm. Thật xót xa khi SV được đào tạo bài bản, ngốn một lượng tiền lớn ngân sách nhà nước nhưng rốt cuộc vẫn “lang thang”, hoặc làm trái nghề, hoặc làm những công việc dành cho lao động phổ thông…

Các nhà quản lý, nhà khoa học khi chia sẻ với PV Báo CAND đều khẳng định, ngay từ bây giờ phải thực hiện một giải pháp đồng bộ, chiến lược xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương, làm chậm, làm chắc mới hy vọng giải quyết dứt điểm “hậu quả kép” thừa nhân lực tồn đọng quá lâu.

Thất nghiệp vì chọn sai nghề, kém kỹ năng…

Một số liệu khảo sát của Đại học (ĐH) Nông – Lâm, Bắc Giang cho thấy, trong giai đoạn 2008 – 2010, ở hệ cao đẳng (CĐ), trung bình mỗi năm có 627 SV ra trường, nhưng chỉ có 318 SV có việc làm, chiếm 50,68%. Thực tế có một bộ phận SV ra trường chưa xin được việc làm đã chọn giải pháp học lên trình độ cao hơn để chờ cơ hội (chiếm 18-20%). Đối với hệ trung cấp, từ 2008 – 2012, SV ra trường có việc làm có xu hướng ngày càng giảm, từ 53% đến năm 2012 là 45%. Tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, chỉ có 50, 39% SV tốt nghiệp có việc làm, đa phần các em đi học tiếp để nâng cao trình độ. ĐH Lâm nghiệp tình trạng có vẻ khá hơn khi có 70% SV có việc làm, trong số sinh viên chưa có việc làm thì có tới 50% tiếp tục học các chuyên ngành khác.

Tại ĐH Hoa Sen, mặc dù SV có việc làm chiếm 80%, nhưng nhà trường đã nhận định hiện nay kinh tế đang biến động, hầu hết các doanh nghiệp có xu hướng tinh giảm nhân sự, đặc biệt là khối ngành tài chính, ngân hàng. Đối với những ngành mang tính thực hành cao như quản lý khách sạn, nhà hàng, theo chương trình khung đào tạo bậc ĐH, SV chỉ có thể tham gia thực tập 3 tháng, trong khi các doanh nghiệp lại muốn SV thực tập 6 tháng trở lên (vì lý do này mà SV vẫn bị đánh giá thiếu kinh nghiệm thực tế)…

Các trường đại học cần cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh và liên tục cập nhật thông tin thị trường lao động tới sinh viên.

TS. Nghiêm Xuân Hội, Hiệu trưởng ĐH Nông – Lâm Bắc Giang cho hay, thị trường lao động hiện nay đang tồn tại nghịch lý, nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm, đồng thời với doanh nghiệp tuyển dụng lao động có nghề và lao động phổ thông lại không tuyển được lao động. Qua khảo sát cho thấy, tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%, chỉ có 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và có 75% học sinh thiếu hiểu biết về nghề mà họ theo học. Một điều đáng buồn là trong số SV tìm được việc làm chỉ có 50% là có việc làm phù hợp với năng lực và phát triển. Vấn đề kỹ năng mềm nhiều SV chưa đáp ứng được.

Cũng theo TS. Nghiêm Xuân Hội, mặc dù đích đến của SV là việc làm, nhưng khi tham gia vào thị trường lao động, SV thật sự gặp khó khăn vì thiếu kinh nghiệm, những kỹ năng tối thiểu, như cách làm bộ hồ sơ xin việc, tham gia phỏng vấn tuyển dụng, SV cũng non kém… Trong bối cảnh đó, các trường ĐH cũng đang nỗ lực hết sức để giúp SV sớm có cơ hội tiếp cận thị trường việc làm. ĐH Nông – Lâm Bắc Giang đặc biệt quan tâm tới công tác tư vấn hướng nghiệp cho HS, SV ngay từ trường phổ thông. Sẽ thành lập các tổ chức, nhóm tư vấn và có người chuyên trách công tác hướng nghiệp.

Nhưng không thể hướng nghiệp cảm tính, TS. Nghiêm Xuân Hội cho rằng, phải có nội dung hướng nghiệp, lồng ghép với các chương trình hoạt động của đoàn thể. Về “kỹ thuật hướng nghiệp”, phải chú ý tư liệu tư vấn và trắc nghiệm năng khiếu nghề nghiệp cho HS, SV, có bài tập thực hành trắc nghiệm năng khiếu và tạo ra nhiều diễn đàn định hướng nghề nghiệp. Thêm nữa, điều rất quan trọng là các nhà trường cũng phải xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, thông tin nghề nghiệp tới cho SV.

Siết lại chỉ tiêu tuyển sinh, giải thể bớt trường kém chất lượng

Giáo sư (GS) Nguyễn Minh Thuyết đã chia sẻ với PV Báo CAND rằng, ngay từ năm 2004, tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (QH) khóa XI, ông đã cảnh báo nguy cơ thất nghiệp. GS Thuyết phân tích, về nhu cầu nhân lực, hiện cả nước có khoảng 100 khu công nghiệp – khu chế xuất; thu hút được tối đa 500.000 lao động. Trong đó, chỉ cần từ 5% - 7% cán bộ có trình độ ĐH, 8% cán bộ trình độ CĐ, 60% công nhân kỹ thuật, còn lại là lao động phổ thông. Giả sử mỗi năm thêm 10 KCN - KCX và có 10% cán bộ trình độ ĐH, CĐ về hưu cần được thay thế thì chỉ cần đào tạo thêm theo cấp số cộng khoảng từ 13.000-15.000 cán bộ mỗi năm là đủ.

Thế nhưng, hằng năm, các trường ĐH, CĐ trong cả nước đã cho “ra lò” trên 200.000 người. Tới nay, số trường ĐH, CĐ cũng như số sinh viên ra trường mỗi năm đã gấp đôi, thậm chí gấp ba con số năm 2004. GS cho rằng, với thị trường lao động kém phát triển như nước ta, mỗi năm chỉ cần vài chục ngàn người tốt nghiệp ĐH, CĐ mà “cho ra lò” đến vài trăm ngàn cử nhân thì việc cử nhân, kỹ sư thất nghiệp, làm lao động chân tay là “cái chết” đã được báo trước – hậu quả lớn kiểu đào tạo theo cảm tính, phong trào.

Bài toán trên sẽ được giải quyết như thế nào? GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay, lý tưởng nhất là phải có một nền kinh tế phát triển vì kinh tế mạnh thì mới có chỗ làm việc cho mọi người. Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành, địa phương phải hạn chế việc mở trường; chỉ những trường nào đầy đủ điều kiện, có tương lai phát triển mới cho thành lập. Những trường không có khả năng trụ lại thì giải thể, đừng giải cứu bằng mọi cách. Đào tạo theo nhu cầu của xã hội là một giải pháp đã được Bộ GD&ĐT đặt ra từ lâu nhưng thực hiện rất chậm.

Do vậy, theo GS Thuyết, Nhà nước cần phải có chính sách nhất định mới thúc đẩy các đơn vị sử dụng lao động liên kết với nhà trường. Các sinh viên phải năng động, không xin được ở khu vực Nhà nước thì xin ở khu vực tư nhân. “Mình có bằng cấp thì nên tự lập, mở ra các cơ sở nghiên cứu, sản xuất - kinh doanh của riêng mình, tận dụng những gì mình học được để tạo việc làm cho mình và người khác”, GS Thuyết chia sẻ kinh nghiệm.

Theo ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thì cần tính tới bài toán cân đối phát triển nhân lực giữa các vùng, giữa cơ quan Trung ương và các tỉnh thành, để “nối mạng” được cung – cầu nhân lực, để có cơ sở khoa học bố trí việc làm cho SV phù hợp. Đây là bài toán vĩ mô, một địa phương không thể giải quyết (vì như ở Thanh Hóa chỉ có 30% sinh viên đỗ ĐH, CĐ học tại địa phương). Nếu như Thanh Hóa thừa giáo viên mà nơi khác thiếu giáo viên thì sinh viên Thanh Hóa tốt nghiệp sư phạm có thể đến đó xin việc. Ông Vương Văn Việt cũng đề xuất nên xem lại khâu định hướng tuyển sinh từ Bộ GD&ĐT, quản lý phân bổ chỉ tiêu ra sao để cung tiệm cận cầu. Mặt khác, cũng cần phải có chiến lược tuyên truyền để thí sinh hiểu ĐH không phải là con đường lập thân duy nhất. Điều này lại đòi hỏi một nghiệp vụ hướng nghiệp chuyên nghiệp – vốn là khâu vô cùng yếu trong hệ thống đào tạo của chúng ta hiện nay…

Trao đổi với PV Báo CAND, PGS.TS Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ GD&ĐT) cho biết, năng lực dự báo nhu cầu nhân lực của các cơ quan có chức năng chưa chuyên nghiệp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Việc sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, làm trái nghề là chuyện khó lý giải và do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân công tác dự báo chưa đầy đủ, chưa kịp thời. Còn việc điều chỉnh lại nhân lực thì cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp từ cấp vĩ mô đến cấp vi mô, từ các ngành đến các địa phương và cơ sở sử dụng lao động, phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà nước - nhà trường và doanh nghiệp, giữa người dạy - người học và người sử dụng lao động. Đây là việc làm hết sức cần thiết, góp phần điều chỉnh cơ cấu nhân lực các ngành.

Thu Phương
.
.
.