Cần có chính sách cho nạn nhân chiến tranh

Thứ Tư, 13/04/2016, 08:09
Hơn 40 năm đã đi qua, cuộc sống đã trở lại bình yên cùng với sự hồi sinh, phát triển trên khắp mọi miền đất nước, nhưng hậu quả chiến tranh để lại cho nhân dân Việt Nam nhiều tổn thất, hy sinh mất mát: những thương tích trên cơ thể của không ít cựu chiến binh và dân thường, những bệnh tật và dị tật của nạn nhân chất độc hoá học, đến sự ly tán của nhiều gia đình... Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã và đang tích cực quan tâm giải quyết khắc phục hậu quả chiến tranh.

Trong chiến tranh, Việt Nam là đất nước bị ném nhiều bom nhất. Số bom Mỹ đã ném xuống Việt Nam gấp gần 3 lần tổng số bom sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ thứ hai. Nghiêm trọng hơn, Mỹ đã sử dụng vũ khí hoá học, tiến hành khai quang rừng núi và đồng ruộng ở miền Nam, biến nhiều vùng rừng núi nhiệt đới rậm rạp với nhiều tầng thực vật khác nhau ở miền Nam Việt Nam thành đồi trọc đất trống; biến nhiều vùng rừng ngập mặn thành các bãi hoang trống, triệt hạ các căn cứ của quân giải phóng và du kích; hủy diệt mùa màng, nhằm cắt nguồn tiếp tế của lực lượng cách mạng. 

Sau chiến tranh, Đảng và Nhà nước đã nỗ lực hàn gắn vết thương, giải quyết hậu quả, cải tạo môi trường, rà phá bom mìn, chăm lo thực hiện các chính sách xã hội...

Hằng năm, Thượng tướng - Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên UVTW Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng đội đều đến thăm viếng và tri ân gia đình má Sáu Ngẫu ở Lái Thiêu (Bình Dương). (Ảnh minh họa)

Thượng tướng, Viện sỹ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ: “Sau chiến tranh ở Việt Nam số liệu về thương vong được công bố khoảng 2 triệu thường dân chết; hơn 2 triệu thường dân mang thương tật suốt đời; khoảng 2 triệu người (gồm cả quân nhân) bị phơi nhiễm các loại hóa chất độc hại. Có khoảng 1,1 triệu quân nhân hy sinh trong những trường hợp khác nhau, 600.000 quân nhân bị thương hoặc bị bệnh… Kết thúc chiến tranh còn 300.000 người Việt Nam mất tích tức là còn 300.000 gia đình Việt Nam mất cha, mất chồng, mất con. Bom, mìn, chất nổ còn sót lại sau chiến tranh làm chết khoảng trên 100.000 người, để lại hậu quả tàn khốc về nhiều mặt. Mặc dù, Đảng và Nhà nước đã có chính sách đối với bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, liệt sĩ, thanh niên xung phong… nhưng còn nhiều đồng bào và nhân dân ta là nạn nhân chiến tranh chưa được quan tâm”.

Theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: “Việt Nam đã có ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày Tai nạn giao thông thì không có lý do gì lại không thể có ngày tưởng niệm nạn nhân chiến tranh. Bởi nền độc lập này có được là nhờ sự đoàn kết cống hiến của toàn dân tộc chứ không riêng gì quân đội hay bất cứ ban ngành nào khác, vậy nên những nạn nhân chiến tranh dù có hay không được chế độ gì thì cũng phải có được một ngày tưởng niệm để cả nước thể hiện lòng biết ơn, trân trọng đối với họ”.

Bên cạnh đó, Tướng Hiệu rất mong muốn, nếu chúng ta làm tốt việc này thì sẽ khơi dậy lòng yêu nước, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của toàn dân tộc. Nếu mình làm tốt trong thời bình, làm tốt công việc đền ơn đáp nghĩa thì sức mạnh đại đoàn kết càng lớn mạnh khi đất nước lâm nguy. Do đó, đề nghị trong các kỳ họp của Quốc hội sắp tới cần đưa vấn đề tưởng niệm nạn nhân chiến tranh bàn bạc, thảo luận để xây dựng thành chính sách pháp luật của Nhà nước. Bởi vì, trên thực tế rất nhiều người dân hy sinh thầm lặng chưa được đền đáp. 

Những vấn đề nạn nhân chiến tranh cần phải được cả cộng đồng quan tâm. Nếu làm tốt chính sách này, thì nuôi dậy ý chí và tinh thần đoàn kết kiên cường dân tộc, nhất là trong thời bình… Vì vậy, cần phải xây dựng chính sách đối với nạn nhân chiến tranh, cần có một ngày tưởng niệm Nạn nhân chiến tranh.

Tướng Hiệu tâm sự: “Thiết nghĩ, khi kết thúc chiến tranh thì “mệnh lệnh” tri ân báo đáp là hết sức cao cả (vì nó xuất phát từ trái tim), trách nhiệm của mỗi chúng ta phải làm bất cứ việc gì có thể cho đồng chí, đồng bào và đồng đội của mình. Bởi mình còn sống là quá hạnh phúc, cần đền đáp và tri ân những đóng góp hết sức to lớn của nhân dân, của đồng chí, đồng đội của mình đã hy sinh, hoặc đang phải chịu đau đớn hằng ngày vì thương tật”.

Theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận bản đề xuất và nói sẽ giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu, xây dựng Đề án trình Đảng, Quốc hội, Chính phủ phê duyệt, để chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với nạn nhân chiến tranh được thực hiện.
Lộc Lương
.
.
.