Cần cơ chế phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH

Thứ Năm, 01/04/2010, 13:51
Sáng 30/3, tại TP HCM, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến cho kết quả báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học (GDĐH).

Nhiều ý kiến của các đại biểu đã được đưa ra cho thấy, chất lượng GDĐH yếu kém thời gian qua một mặt do còn tồn tại quá nhiều "khiếm khuyết" do thiếu hẳn "chế tài" cần thiết, gây một lỗ hổng lớn trong công tác quản lý. Song mặt khác để khuyến khích sự phát triển của các trường cũng rất cần sự nới bỏ những quy định quá cứng nhắc để các trường phát huy.

Những "khiếm khuyết" cần khắc phục, thay đổi

Trong 10 năm qua, từ năm 1998 đến 2009, trong cả nước đã có 307 trường ĐH, CĐ được thành lập mới hoặc nâng cấp. Nhưng thực tế cho thấy quá trình nâng cấp thành lập trường chưa chú ý đến cơ cấu vùng miền, dẫn tới việc đáp ứng nguồn nhân lực trình độ cao cho các địa phương vùng sâu, vùng xa chưa cao. Phương thức thành lập trường đa dạng, phần nào đã đáp ứng nhanh những điều kiện cần thiết cho hoạt động đào tạo trước mắt của các cơ sở GDĐH.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực mà công tác phát triển hệ thống trường lớp trên mang lại thì vẫn còn tồn tại khá nhiều bất cập khi việc triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới vẫn chưa đúng yêu cầu, công tác thành lập trường vẫn chưa thật sự chú trọng vào chất lượng. Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra, cùng những quy định về hậu kiểm đối với các cơ sở GDĐH mới được thành lập lại chưa được chú trọng.

Nghị trường nóng lên trước nhiều luồng suy nghĩ, góp ý đưa ra từ các đại biểu.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, GS-TS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng: Những hạn chế và đặc thù đổi mới trong nhà trường còn nặng tính bao cấp, các chính sách tái đầu tư cho đội ngũ, cơ sở vật chất, công tác nghiên cứu khoa học còn mang nặng tính "ban phát" đã khiến cho chất lượng GDĐH chưa thật sự ổn định. Ông cho rằng, chính sách phát triển kiểu trên là một chính sách hết sức lạc hậu, làm trì trệ sự phát triển của nền giáo dục.

Giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội thời gian qua cho thấy, việc lỏng lẻo trong việc cấp phép hoạt động giáo dục, mở ngành đào tạo, tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo của một số trường còn nhiều "vấn đề", vì vậy cho tới nay, qua 10 năm có 347 lượt trường được phép mở ngành trong tổng số 355 lượt trường đăng ký (chiếm 97,5%) mà vẫn không có sự kiểm tra thực tế các điều kiện mở ngành có đáp ứng và sát với yêu cầu thực tế hay không. Nên rất nhiều cơ sở GDĐH, đặc biệt là các cơ sở ngoài công lập sau khi có quyết định thành lập trường, cơ sở vật chất còn hết sức yếu kém, đội ngũ giáo viên chưa đủ nhưng các trường đã được phép tuyển sinh, đào tạo, thậm chí còn vượt quá năng lực của nhà trường, gây phản ứng trong xã hội.

Quan trọng là cơ chế để phát triển phù hợp

Hầu hết các ý kiến trong hội nghị đều đồng tình coi việc sửa đổi những bất cập nêu trên của GDĐH một cách nhanh chóng, và phải được coi là nhiệm vụ cấp bách.

Theo ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM thì quan trọng nhất là phải trao quyền tự chủ cho các trường, để các trường có thể tự phát triển. Chất lượng đội ngũ phải đặc biệt được quan tâm, quan tâm bằng chính sách.

PGS.TS Phan Thanh Bình - Giám đốc ĐHQG TP HCM cho rằng: Bên cạnh việc giao quyền tự chủ cho các trường thì ngành Giáo dục cũng cần phải xây dựng và có chiến lược phát triển giáo dục một cách dài hơi. Phân tầng quản lý và phân cấp hoạt động. "Chấp nhận chịu chậm một bước, nhưng để bước 2 bước chắc chắn về chất lượng đào tạo", ông nói. Theo đó, phải không ngừng đầu tư cho giáo dục, nhưng là đầu tư có trọng điểm, đầu tư tập trung theo quy tắc vùng miền.

Theo đại biểu Phan Thị Tươi, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa TP HCM, dù Nhà nước đầu tư rất nhiều, nhưng vì thiếu một cơ chế hợp lý trong quản lý, một chiến lược phát triển giáo dục bài bản, đã dẫn đến hiệu quả từ việc đầu tư ấy mang lại chưa cao. Trong đó, yếu tố chính dẫn tới hạn chế trên chính là việc các trường ĐH chưa thật sự được "cởi trói" về cơ chế quản lý.

GS Lương Ngọc Toản lại cho rằng: Làm sao có được chất lượng khi mà khoản ngân sách chi thường xuyên hằng năm của các trường quá ít ỏi so với nhu cầu, làm sao có chất lượng khi mà phần lớn những trường ĐH dân lập thành lập 10 năm trở lại đây đều đi theo hướng đào tạo nghề hơn là tập trung làm công tác khoa học? Và chính do việc đầu tư quá dàn trải, mải mê chạy theo số lượng đã để lại một lỗ hổng rất lớn trong quản lý. Ông đề nghị, Bộ GD&ĐT cần sớm tạo ra tính tự chủ cho các trường giống như mô hình Trường ĐH Việt - Đức tại TP HCM đang xây dựng. Như thế, chất lượng GDĐH chắc chắn sẽ thay đổi...

Ông Nguyễn Hữu Chí, Vụ trưởng Vụ Giáo dục - Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: GDVN suốt những năm qua vẫn chỉ loay hoay ở công tác truyền thụ kiến thức mà quên đi rằng, bản chất của giáo dục là quá trình tự biến đổi ở bên trong chứ không phải đến từ bên ngoài. Vì vậy, kiểu dạy và truyền đạt kiến thức kiểu một chiều, không coi trọng sự sáng tạo, tính khoa học trong hoạt động học tập là điều hết sức nguy hiểm. Để có một làn sóng mới trong hoạt động giáo dục ĐH, đã tới lúc cần nhìn thẳng vào những "khiếm khuyết" mà GDĐH đang mang trên mình để sửa chữa, để phát triển.

H.Nga - A.Nguyễn
.
.
.