Cần chung tay phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái

Thứ Bảy, 29/03/2014, 21:03
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 28 - 31/3, ngày 29/3, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc điều hành Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), bà Phumzile Mlambo-Ngcuka cùng một số trưởng đại diện của các tổ chức thuộc Liên hợp quốc tại Việt Nam đã có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội và thăm, tọa đàm với học sinh Trường THPT Chu Văn An với chủ đề “Trường học an toàn và vai trò của thanh niên trong phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”.

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, vai trò của phụ nữ thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang được cải thiện đáng kể và Việt Nam là một trong những nước được đánh giá đứng đầu về chỉ số bình đẳng giới trong khu vực châu Á. Đảng và Nhà nước đã có nhiều luật, văn bản, chính sách thể hiện sự quan tâm về bảo vệ quyền bình đẳng giới. Tuy nhiên, tình trạng mất bình đẳng giới vẫn đang diễn ra, tồn tại dưới nhiều hình thức, mức độ, thời gian, không gian khác nhau. Nhận thức được điều đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai lồng ghép chương trình bình đẳng giới và bạo lực gia đình vào chương trình giảng dạy và được sự hỗ trợ, quan tâm của nhiều tổ chức quốc tế, đem lại kết quả tốt. Tuy nhiên, những mô hình này cần được nhân rộng trên toàn thành phố Hà Nội cũng như toàn quốc trong thời gian tới.

Bà Phumzile Mlambo - Ngcuka cho biết, hiện nay tình trạng bạo lực, bất bình đẳng giới đang diễn ra khá phức tạp trên toàn cầu. Cứ ba người phụ nữ thì có một người bị bạo hành, đồng nghĩa với con số 1,2 tỷ người phụ nữ đang rơi vào tình trạng này. Vì vậy, tất cả chúng ta đều phải quan tâm và có trách nhiệm để phòng chống và các tổ chức thuộc Liên hợp quốc cũng đang tích cực triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề này.

Hiện nay, ở Hà Nội đã triển khai thí điểm chương trình “Trường học an toàn và vai trò của thanh niên trong phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” với khoảng 30.000 em tham gia. Mô hình này đang phát huy hiệu quả và cần nhân rộng trong tất cả các trường học trên địa bàn, với khoảng 500.000 học sinh tham gia

H.T.K.
.
.
.