Cần chú trọng bếp ăn công nhân

Thứ Sáu, 12/07/2019, 07:49
Đó là thực tế, được rút ra được ngay sau khi kết thúc cuộc thanh kiểm tra đột xuất của Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh  sáng 10-7 tại 2 bếp ăn tập thể thuộc Tổng Công ty Thuốc lá Sài Gòn (số 7 Vĩnh Lộc A, Bình Chánh) và Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải Cofidec (Vĩnh Lộc A, Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh).


Đây là 2 cơ sở đầu tiên nằm trong kế hoạch thanh kiểm tra của Ban quản lý ATTP với các công ty có bếp ăn nấu tại chỗ cũng như có hợp đồng cung ứng suất ăn cho công nhân tại khu vực các khu chế xuất-khu công nghiệp trên địa bàn.

Qua kiểm tra tại bếp ăn của 2 công ty trên, Trưởng đoàn thanh tra, bà Phạm Khánh Phong Lan nhận xét, Ban Quản lý ATTP “tạm” hài lòng về qui trình đầu tư, đáp ứng yêu cầu về bếp ăn một chiều, nguồn gốc thực phẩm có giấy tờ, xuất xứ đàng hoàng.

Bản thân doanh nghiệp có ý thức về sức khoẻ người công nhân. Trước đó, Ban Quản lý ATTP cũng đã có nhiều lần kiểm tra liên tục với các cơ sở này. Những điểm cần khắc phục cho thấy đã được thực hiện triệt để. Cả hai cơ sở đều có lưu mẫu thực phẩm trong 24h đã được xử lý ngay sau khi nếu có sự cố kiểm tra.

Đoàn thanh kiểm tra trao đổi với lãnh đạo của Tổng Công ty Thuốc lá Sài Gòn xoay quanh vấn đề mẫu mì vàng bị “dính” hàn the.

Tuy nhiên, tủ lưu mẫu thực phẩm tại Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải Cofidec chưa đạt vì thiếu khoá, khó đảm bảo nguy cơ an toàn tuyệt đối trong lưu mẫu thực phẩm và còn để chung với các sản phẩm sữa, đồ uống là không đúng.

Trên địa bàn thành phố, tổng số các cơ sở có bếp ăn cho công nhân hoặc nhận hợp đồng cung ứng suất ăn từ nơi khác chuyển tới, thống kê có 70% số cơ sở có cung ứng suất ăn cho công nhân đạt mức từ 15.000 đồng, 18.000 đồng tới 22.000 đồng/suất.

Khoảng 20% cơ sở cung ứng suất ăn có giá từ 13.000-15.000 đồng/suất. Chỉ có 6% cơ sở cung ứng suất ăn có giá quá thấp, 11.000-13.000 đồng/suất. Bà Lan cho biết, sắp tới đây, Ban sẽ lần lượt cho kiểm tra toàn bộ bếp ăn tại các cơ sở có mức suất ăn quá thấp, nhất là nơi có suất ăn cho công nhân 10.000-11.000 đồng/suất.

Tại Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải Cofidec, PV Báo CAND có trao đổi với nữ công nhân Trương Thị Hiển làm khâu Nông sản 1 cho biết, cô đã làm việc 3 năm, thực phẩm ở đây cung cấp đảm bảo, đủ dinh dưỡng để lao động, làm việc và khá sạch sẽ, chưa khi nào xảy ra ngộ độc thực phẩm tại Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải Cofidec.

Tại Công ty Thuốc lá Sài Gòn, mức lương mà công nhân được nhận khá cao: 20 triệu đồng/tháng. Bà Lan cho rằng, với mức lương như trên cùng với ý thức của doanh nghiệp cho thấy, suất ăn của công nhân tại đây luôn duy trì nhiều năm qua là 17.000-18.000 đồng/suất. Như vậy, suất ăn tại Công ty Thuốc lá Sài Gòn thuộc top trên. Kiến thức của người tham gia trực tiếp nấu ăn tại đây đảm bảo do đã tham gia các khoá tập huấn đầy đủ, đủ kiến thức. Tuy nhiên, đầu tư suất ăn cao tiền nhưng khâu giám sát không đảm bảo thì “cái bụng” của công nhân vẫn có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.

Ngay tại buổi kiểm tra, khu vực Lầu 1- phục vụ món hủ tíu mì xương  cho công nhân Công ty Thuốc lá Sài Gòn ăn trưa, mẫu mì vàng kiểm tra về hàn the (Tesk kít) đã phát hiện có kết quả nhiễm hàn the. Ngay lập tức, bà Phạm Khánh Phong Lan cho lấy ngẫu nhiên tiếp các mẫu chả lụa để xét nghiệm nhanh. Tuy nhiên, mẫu chả lụa cho kết quả âm tính. Các chuyên viên tiếp tục lấy các mẫu thực phẩm khác nằm trong danh mục món ăn cung cấp cho công nhân trong cả ngày 10-7 để làm xét nghiệm chuyên sâu và sẽ công bố kết quả sau.

Theo bà Lan, việc đảm bảo an toàn cho bữa ăn công nhân với các doanh nghiệp là nhằm thể hiện ý thức của chủ doanh nghiệp với vấn đề ATTP của cộng đồng, cũng nhằm nâng cao uy tín, thương hiệu, nhưng cần có ý thức giám sát suất ăn khi tới tay công nhân để vừa phải đảm bảo dinh dưỡng, vừa đúng giá trị. Vì nếu cho rằng giá suất ăn đã cao rồi, thiếu quan tâm thì sẽ xảy ra tình trạng suất ăn khi tới tay công nhân chẳng còn bao nhiêu do qua nhiều tầng nấc trung gian.

Huyền Nga
.
.
.