Trở lại vấn đề ““Mê hồn trận” biển số nhà trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội”:

Cần “cây gậy” pháp lý để quản lý các vấn đề về đô thị

Thứ Hai, 27/06/2016, 08:53
Báo CAND có đăng bài “Mê hồn trận” biển số nhà trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội”, phản ánh tình trạng bát nháo đánh số, gắn biển số nhà trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, PV Báo CAND có cuộc trao đổi với PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam).


PV: Trên nhiều tuyến phố thuộc khu vực nội thành Hà Nội xuất hiện tình trạng loạn biển số nhà, điển hình như phố: Đặng Thùy Trâm, Lê Văn Lương, Nguyễn Khang.... Ông có thể cho biết, nguyên nhân nào khiến tình trạng trên xuất hiện?

PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng.

PGS.TS Lưu Đức Hải: Thông thường, trong một đô thị có khu vực đô thị cũ, cải tạo và khu vực đô thị mới. Ở khu vực đô thị cũ, cải tạo ít có bất cập số nhà hơn bởi vì đây là các khu đã được xây dựng ổn định từ lâu. Nếu có những biến động về số nhà ở khu vực này thì thường là do một số khu đất hai bên đường có diện tích rộng thuộc các cơ quan hoặc các công trình công cộng.

Trước đây, những khu rộng như thế chỉ mang một số nhà, do có những dự án cải tạo các khu đó nên từ một miếng đất rộng tách ra thành nhiều căn hộ khác nhau. Vì vậy, xuất hiện thêm nhu cầu có số nhà cho một số căn hộ mới xuất hiện, song nhu cầu ấy thì không thể thực hiện được vì số nhà đã tăng tiến một cách có trình tự từ trước đó rồi. Dẫn đến, những khu như thế người ta thường lấy số nhà cũ, sau đó thì lấy chữ cái để gắn vào số nhà cũ ấy để có thêm các số nhà mới (Ví dụ như số nhà 36 thì sẽ gắn thêm 36A, 36B, 36C, 36D, …).

Còn những khu đô thị mới, khu cải tạo, tiếp giáp với những khu cũ xuất hiện những con đường được kéo dài như đường Lê Văn Lương, khi phát triển sang phía bên kia thì có thêm một tuyến đường nữa, gọi là Lê Văn Lương nối dài. Nếu nó nối xuôi chiều vào cuối phố thì sẽ đánh số nhà tiếp tục tăng lên. Nhưng nếu tuyến đường ấy kéo dài ngược chiều đầu phố thì câu chuyện không thực hiện được như thế nữa và nếu ta đánh số nhà tiếp tục thì tuyến phố ấy sẽ có hai số nhà giống nhau. Như vậy khi một đoạn phố theo quy hoạch phát triển, nối dài nhiều lần mà ta cứ đặt tên đường phố như cũ thì sẽ nảy sinh ra những tình trạng nhiều số nhà trùng nhau.

Loạn biển số nhà trên đường Lê Văn Lương.

Cơ quan quản lý đô thị thì không đánh số nhà trùng nhau, nhưng trên thực tế vẫn có số nhà trùng nhau bởi vì lúc hình thành đoạn phố mới ấy, các dự án đang xây dựng dở dang chưa kịp đặt tên phố và cấp biển số nhà cho bất kì một căn hộ nào thì người dân đã tự đánh số nhà hoặc là chủ đầu tư tự cấp số nhà cho người dân ở hai bên đường do nhu cầu giao dịch dân sự, nảy sinh ra số nhà ngược rồi xuôi, đang to lại nhỏ, đang lẻ lại chẵn...

Sau này, cơ quan quản lý đô thị cấp số nhà mới, xuất hiện tình trạng một ngôi nhà mang 2, 3 số nhà khác nhau. Không chỉ ở Hà Nội mà một số đô thị khác ở Việt Nam cũng có tình trạng tương tự như vậy.

Ngoài ra, đôi khi vì ý nghĩa lịch sử văn hóa, ngành văn hóa đã đổi tên đường phố, hoặc gom một số đoạn phố để đặt một tên đường, hoặc tách một đường thành nhiều tên phố khác nhau, dẫn đến cơ quan quản lý đô thị phải đánh lại số nhà cũng sẽ dẫn đến bất cập một ngôi nhà mang 2-3 số nhà cũ và mới.

PV: Việc đánh số, gắn biển số nhà lộn xộn trên nhiều tuyến phố như hiện nay sẽ kéo theo những hệ lụy gì, thưa ông?

PGS.TS Lưu Đức Hải: Khu vực đô thị đang trong quá trình xây dựng chưa hoàn thiện, việc một số hộ dân hoặc chủ đầu tư các khu đô thị mới hoặc khu cải tạo tự đánh số thì các số nhà ấy đã được đưa vào trong hộ khẩu, giấy khai sinh, địa chỉ giao dịch của các cơ quan, các công ty, các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đấy lại là những số nhà chưa chính thức. Cho nên, đến khi cơ quan quản lý đô thị bắt đầu đánh số nhà chính thức thì địa chỉ các ngôi nhà phải thay đổi, dẫn đến điều bất cập. Nó sẽ làm lãng phí khi phải làm lại tất cả những văn bản, giấy tờ có liên quan đến số nhà ấy. Gây lãng phí trước hết là cho những hộ dân. Sau đó, là đến các doanh nghiệp, các cơ quan xí nghiệp, trường học… có nhu cầu phải thay đổi lại địa chỉ, số nhà.

PV: Là người đứng đầu cơ quan nghiên cứu về đô thị và sự phát triển hạ tầng, theo ông, để chấn chỉnh, ngăn ngừa tình trạng loạn biển số nhà như hiện nay, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần triển khai những giải pháp gì?

PGS.TS Lưu Đức Hải: Việc đánh số nhà được thực hiện theo Quyết định số 05/2006/QĐ-BXD ngày 8-3-2006 của Bộ Xây dựng về việc ban hành quy chế đánh số và gắn biển số nhà. Theo đó, từng địa phương đã ban hành các quy chế đánh số nhà ở địa phương mình. Nếu câu chuyện này xảy ra tại các đô thị nào thì chính quyền của tỉnh đó, thành phố trực thuộc Trung ương đó hoặc các đô thị trực thuộc các tỉnh thì các cơ quan có thẩm quyền của địa phương đều phải rà soát lại các văn bản đã ban hành có liên quan.

Một sản phẩm khi bán ra thị trường thì nó phải có nhãn mác đầy đủ. Một ngôi nhà cũng vậy, khi được giao dịch từ các dự án, từ các chủ đầu tư, trước khi bán sản phẩm ấy cũng phải có nhãn mác đầy đủ. Lâu nay, chúng ta có thói quen là mua một căn hộ, một tòa nhà cứ cần mua được trước đã, còn tên phố và số nhà chưa quan tâm nhiều.

Sau này, cấp có thẩm quyền sẽ đặt số nhà và tên phố. Đây là một trong những điểm chúng ta cần lưu ý các văn bản cấp Trung ương và địa phương khi rà soát lại. Những sản phẩm chưa hoàn chỉnh đã bán ra ngoài xã hội dẫn đến điều bất cập về số nhà như đã nêu trên. Điều đó cho thấy rằng, một dự án khu đô thị mới hoặc khu đô thị cải tạo thì phải đánh số nhà, đặt tên phố đồng thời, càng sớm càng tốt thì giao dịch dân sự về địa chỉ các ngôi nhà sẽ tránh được những rủi ro mà chúng ta thấy ở trên.

Việc đổi tên, gom hoặc chia tách các đường phố để đổi tên, đặt lại tên cần được nghiên cứu cẩn thận để đảm bảo sự ổn định cuộc sống của người dân và các cơ quan đóng trên đường phố đó, và đó là tiêu chí hàng đầu của sự phát triển bền vững của đô thị.

Bên cạnh đó, trong đô thị không chỉ có câu chuyện biển số nhà mà còn có câu chuyện tên đường phố, quản lý cây xanh đô thị, quản lý cấp thoát nước đô thị, quản lý chất thải rắn đô thị, quản lý nghĩa trang đô thị, giao thông đô thị… Chúng ta thiếu một luật quan trọng để quản lý các vấn đề về đô thị. Hy vọng là tới đây luật này sẽ sớm được ban hành.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Trần Huy
.
.
.