Cận cảnh vùng vàng Thần Sa

Thứ Năm, 26/03/2009, 17:58
Những bao tải đựng cát được xếp ken vào nhau, lót bạt tạo thành những hồ nước nhân tạo giữa đỉnh núi. Có rất nhiều hồ nước đủ để đãi vàng. Cả thung lũng bị đào bới, cày xới nát bét nhuộm một màu vàng nhạt.

Cách đây hơn chục năm, xã Thần Sa (Võ Nhai - Thái Nguyên) từng là mỏ vàng "thổ phỉ" lớn nhất ở miền Bắc bởi trong khu vực núi non hiểm trở này chứa một trữ lượng lớn vàng sa khoáng. Thời đó, vùng núi này đã nhộn nhịp và trở thành điểm đến của cả ngàn con người đi tìm vận may đổi đời. Có nhiều câu chuyện về những con người đã đến đây và phải bỏ mạng. Câu chuyện về vàng ở đất Thần Sa có lúc đã trầm xuống, nhưng thời gian qua lại nóng bỏng và chưa biết bao giờ mới có thể chấm dứt…

Thời gian gần đây, nạn khai thác trái phép vàng ở Thần Sa diễn ra hết sức phức tạp, bất chấp mọi nỗ lực của chính quyền địa phương. Chúng tôi đến địa bàn Thần Sa sau một ngày chính quyền huyện Võ Nhai phối hợp cùng lực lượng vũ trang huyện vừa truy quét "vàng tặc".

Sự việc rộ lên khi cuối năm 2008, tại xóm Tân Kim (xóm 100% hộ người Dao) có người dân cuốc đất khai hoang đã tìm được một số cục đá có vàng. Chẳng mấy chốc tin đồn loan xa, rất nhiều đối tượng là người các địa phương trong tỉnh và các tỉnh khác như: Nam Định, Thái Bình, Bắc Kạn… kéo đến lập lán trại để khai thác vàng trái phép.     

Quang cảnh đại công trường khai thác vàng trái phép tại thung lũng Tâu Lườn - Thần Sa.

Cách trung tâm huyện Võ Nhai chưa đầy 40km, nhưng đường đi rất khó khăn. Phải hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi mới đến được trung tâm xã Thần Sa. Để vào được khu vực "vàng tặc" phải vượt qua mấy lớp núi.

Cứ cách quãng, bên những dòng suối nhỏ lại bắt gặp một nhóm dân địa phương đang đãi lại vàng sa khoáng từ nguồn nước khai thác vàng trong núi chảy ra. Mất gần 3 giờ đồng hồ trèo núi, chúng tôi đã đến được khu vực hiểm trở nhất, nơi hàng nghìn con người đổ xô về đây.

Người dẫn đường (một thời đã từng là một "chủ bưởng" khét tiếng) đi cùng chúng tôi cho biết: "Bây giờ là bắt đầu vào đến vùng vàng thổ phỉ. Hiện nay vùng khai thác vàng ở Thần Sa diễn ra từ khu vực suối Pó thuộc xóm Kim Sơn lên đến tận Thượng Kim là vùng giáp với huyện Chợ Mới của tỉnh Bắc Kạn, nhưng tập trung đông là từ khu vực này tới thung lũng Tâu Lườn".

Điểm đầu tiên chúng tôi đến là hang Rắn trong khu vực suối Pó. Từ trên miệng hang nhìn xuống là quang cảnh hoang tàn, đây là khu vực lán của "bưởng" Vĩnh.

Lán này vừa mới bị lực lượng truy quét đốt phá. Trên mấy tấm phản chỉ có một vài "cửu vạn" được giao nhiệm vụ trông coi đồ đạc và máy móc. Đây là lực lượng được phân công để cảnh giới. Số khác đang làm việc trong hang.

Trên lưng chừng núi, cheo leo giữa các vách đá là hàng chục lán nữa nhưng hầu hết đều rất vắng vẻ. Khi chúng tôi yêu cầu được thực mục sở thị tận nơi các hang khai thác, người dẫn đường đưa chúng tôi đến một miệng hang nhỏ nằm ngay cạnh lán. Lối miệng hang nhỏ chỉ đủ chỗ cho một người lách qua. Ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, miệng hẹp, nhưng càng đi sâu vào trong lối đi trở nên rộng hơn.

Đi được chừng 15m, thấy chúng tôi có ý định muốn đi tiếp, người dẫn đường cho biết, đây mới chỉ là miệng hang, phải xuống hàng trăm mét mới tới nơi. Các hang khai thác ở đây rất sâu. Hang nào nông cũng hơn 100m, có hang sâu đến vài trăm mét.

Dọc khu vực Suối Pó qua Cô Tiên, Đèo Cắng, Lũng Poong Xay đến Hang Gió là hàng trăm các lán trại của "vàng thổ phỉ" được dựng rải rác khắp nơi.

Đến cuối giờ chiều, chúng tôi đã bám đá trèo lên được đỉnh Tâu Lườn. Phóng tầm mắt nhìn xuống lũng Tâu Lườn nằm giáp với cánh đồng Thác Kiệm, với những người lần đầu tiên đặt chân tới đây, bất kỳ ai có lẽ cũng phải ngạc nhiên bởi nằm tại thung lũng giữa bạt ngàn núi đá lại có cả một đại công trường của các chủ vàng lớn như thế.

Những bao tải đựng cát được xếp ken vào nhau, lót bạt tạo thành những hồ nước nhân tạo giữa đỉnh núi. Có rất nhiều hồ nước đủ để đãi vàng. Cả thung lũng bị đào bới, cày xới nát bét nhuộm một màu vàng nhạt.

Trên các vách núi là những đường nước khô vàng khè, nước của những người khai thác trên núi chảy xuống, lâu dần đã thành những dòng như suối. Nằm trong lũng Tâu Lườn có 3 lán lớn gồm của "bưởng" Huỳnh, Bản và Hải. Các lán này được trang bị máy móc rất đầy đủ. Đây là một điểm nóng nên lực lượng của huyện Võ Nhai đã nhiều lần tiếp cận dẹp bỏ nhưng chưa được.

Ngồi trong lán, "bưởng" Huỳnh cho biết, tạm thời phải cho anh em tạm nghỉ vài hôm chờ tình hình dịu xuống mới có thể làm tiếp. Xây dựng "công trường" trên núi, lán "bưởng" Huỳnh phải đầu tư cả 1 tỷ đồng. Nếu "nổ", "giật cơ" hay "trúng ục vàng" thì chẳng mấy chốc thừa tiền.

Người dẫn đường bằng kinh nghiệm bờ bãi trước kia vừa giải thích, vừa chỉ tay ra cánh đồng Thác Kiệm: "Bất kể ai đã từng đi đào vàng với chút ít kinh nghiệm đều khẳng định, cánh đồng Thác Kiệm chính là vựa vàng. Mà vàng sa khoáng thì lẫn trong đất. Chính vì vậy, không ai điên rồ đi khoan đá núi mà đãi vàng, làm như vậy chẳng khác nào húc đầu vào đá. Các "bưởng" thả giếng từ trên núi đá nhưng mục tiêu cuối cùng là đào các địa đạo hàng trăm, hàng ngàn mét dưới cánh đồng dưới kia".

Trời tối rất nhanh, biết không thể ra kịp, người dẫn đường đưa chúng tôi đến nghỉ lại tại lán của "bưởng" Lực, người Nam Định tại khu vực Hang Gió. Đến nơi cũng vừa lúc gần 2 chục người làm thuê cho "bưởng" Lực đang rục rịch kéo nhau về. Tối đến, lán vẫn sáng trưng bởi máy phát điện được giấu dưới hang nên rất an toàn.

Qua câu chuyện được biết, "bưởng" Lực đã làm nghề khai thác vàng ở đây gần 20 năm, mọi ngóc ngách đều biết cả và cũng đã qua rất nhiều lần truy quét nên lán của "bưởng" Lực luôn nằm ở những địa điểm kín đáo.

Đêm xuống, chúng tôi được nghe nhiều hơn những câu chuyện về vùng vàng Thần Sa. Chuyện khai thác vàng trái phép ở Thần Sa đã diễn ra từ những năm 80 của thế kỷ trước, biến nơi đây thành một bãi chiến trường. Được vàng nhiều người đã đốt hết vào cờ bạc, nghiện hút, gái gú. Nhiều cuộc tranh giành đẫm máu đã xảy ra làm mất an ninh trật tự. Đến nay, tình trạng này vẫn chưa thể chấm dứt. Nhiều người đã được đổi đời, nhưng cũng đã có rất nhiều người phải bỏ mạng.

Đêm giữa núi rừng lạnh lẽo, gió lộng khiến cho tấm bạt lợp lán bập bùng, đưa mắt hướng ra xa nơi các vách núi vẫn loang loáng ánh đèn pin soi đêm để khai thác của những người đang đi tìm kiếm sự giàu sang và của những con nghiện cùng đường.

(Còn nữa)

Phan Hoạt
.
.
.