Cần Thơ: Có "chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ" mới được hành nghề

Thứ Ba, 21/09/2010, 18:26
Số liệu khảo sát mới nhất của Công an TP Cần Thơ cho biết, toàn địa bàn TP Cần Thơ hiện có 32 cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ (gồm 16 công ty TNHH, 1 công ty cổ phần, 6 văn phòng đại diện, 4 chi nhánh và 5 mục tiêu của doanh nghiệp ngoài tỉnh) với 1.915 người tham gia.

Tuy nhiên, chỉ có 13 cơ sở đăng ký hoạt động, có vốn pháp định đúng quy định; chỉ có 16 người đứng đầu công ty, chi nhánh văn phòng đại diện đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học; có đến 723 nhân viên vệ sĩ chưa được đào tạo nghiệp vụ, 234 nhân viên không có hợp đồng lao động và 919 nhân viên có trình độ văn hoá THCS trở xuống…

Ngoài ra trong quá trình kiểm tra, ngành chức năng của TP Cần Thơ còn phát hiện 427 công cụ hỗ trợ (gồm 11 roi điện, 203 gậy sắt, 213 gậy cao su) mà các chủ cơ sở mua trôi nổi ngoài thị trường để tự trang bị cho nhân viên mình, không có giấy phép sử dụng theo quy định.

Có cơ sở không đăng ký trang bị công cụ hỗ trợ tại cơ quan chức năng mà dùng… gậy gỗ để làm công cụ cho nhân viên mình. Kiểm tra hồ sơ của người lao động, ngành chức năng phát hiện nhiều cơ sở đã bỏ qua các quy định của pháp luật như không có giấy khám sức khỏe, lý lịch không có xác nhận của chính quyền địa phương, không ký kết hợp đồng lao động, không xây dựng nội quy lao động tập thể, không đăng ký danh sách lao động cho Sở LĐ-TB&XH và không mua chế độ BHXH, BHYT cho nhân viên.

Thượng tá Nguyễn Công  Hảo - Trưởng phòng Cảnh sát QLHC Công an TP Cần Thơ cho biết, theo tinh thần Nghị định 73/CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ (có hiệu lực từ 1/9/2010), tất cả các nhân viên làm dịch vụ vệ sĩ, bảo vệ phải được đào tạo lại và khi được Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ - Công an tỉnh, thành phố trực thuộc TW cấp "chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ" thì mới được phép hoạt động

Thái Bình
.
.
.