Cần Thơ: Cần có một trung tâm cấp cứu

Thứ Hai, 04/05/2009, 10:32
Phần lớn bệnh nhân, nạn nhân bị tai nạn, bệnh tật cần cấp cứu đều được vận chuyển đến bệnh viện bằng các phương tiện thô sơ, vì vậy do chậm trễ hoặc do được vận chuyển không đúng cách mà nhiều trường hợp tử vong hay thương tật suốt đời.

Cấp cứu bằng xe tải!

Mới đây xảy ra trường hợp tai nạn giao thông trên đường Lộ Vòng Cung (đoạn gần cầu Rau Răm, thuộc phường An Bình, Cần Thơ), hai nạn nhân bị thương trong đó có 1 người bị thương nặng, người dân tìm cách đưa người bị nạn đi cấp cứu nhưng không có phương tiện, lại không biết số điện thoại để gọi cấp cứu. Cuối cùng nhờ được một xe tải chở vật liệu xây dựng gần đó vừa về tới, bốc hàng xuống và chở nạn nhân đến bệnh viện, nhưng đã quá trễ và nạn nhân chết trước khi tới bệnh viện.

Số điện thoại cấp cứu 115 ở Cần Thơ vẫn tồn tại, nhưng hiện do Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phụ trách (mặc dù bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế từ nhiều năm nay).

Bác sĩ Nguyễn Minh Vũ, Trưởng khoa Cấp cứu tổng hợp, BVĐK Trung ương Cần Thơ, cho biết: "Hiện nay, còn rất nhiều người dân không biết đến cấp cứu 115. Đây là số điện thoại miễn phí để khi có TNGT, tai nạn sinh hoạt... xảy ra, người nhà hoặc bệnh nhân điện thoại để yêu cầu được cấp cứu tại chỗ. Do không nắm được thông tin nên nhiều trường hợp bị điện giật, ngưng tim, ngưng thở nhưng người nhà tự chuyển đến bệnh viện. Khi vào đến viện, phần lớn bệnh nhân tử vong, nếu chúng tôi có cứu sống được thì bệnh nhân phải sống đời sống thực vật"...

Nhu cầu bức thiết nhưng… chờ

Nhớ đến thảm họa sau sự cố sập cầu Cần Thơ, nhiều bác sĩ ở Cần Thơ đều cho rằng: Nếu như có một trung tâm cấp cứu chuyên nghiệp, nạn nhân được cấp cứu tại chỗ, vận chuyển đúng cách, thì sẽ hạn chế được người chết, thương tật…

Tiến sĩ Đàm Văn Cương (Đại học Y Dược Cần Thơ), lúc đó là người trực tiếp tham gia cấp cứu, tiếp nhận nạn nhân tại Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ, nhớ lại: "Lúc đó rất nhiều nạn nhân bị chết, hay thương tật nặng thêm do việc sơ cấp cứu, vận chuyển thiếu chuyên nghiệp. Do thiếu chuyên môn, đối với bệnh nhân bị chấn thương cột sống, nếu vận chuyển bệnh không đúng cách sẽ gây ra liệt và tàn phế vĩnh viễn. Nhiều trường hợp bị gãy chân, tay không được cố định trước khi vận chuyển, để lủng lẳng sẽ gây đau đớn cho bệnh nhân, dẫn đến sốc chấn thương rất nguy hiểm. Sau đó chúng tôi hội ý và dẫn một đoàn gồm bác sĩ, sinh viên y khoa, cùng dụng cụ đi đến tận hiện trường sơ cứu tại chỗ mới giúp được nạn nhân. Nhắc đến chuyện này để thấy được việc thành lập một trung tâm cấp cứu chuyên nghiệp là thật sự cần thiết, nhưng đến giờ đề án này vẫn còn nằm trên giấy"!

Hiện Bệnh viện ĐK TP Cần Thơ có 3 xe để phục vụ cho cấp cứu ngoại viện, chuyển bệnh nhân trong và ngoài thành phố, vừa để lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên bệnh viện đi công tác, phục vụ trực trong các lễ hội của thành phố... nên nhiều lúc xe bị động.

Phải chờ đến bao giờ người dân TP Cần Thơ mới có được một trung tâm cấp cứu thật sự chuyên nghiệp, trong khi đề án vẫn đang nằm trên giấy? Câu hỏi đang chờ ngành chức năng giải đáp!

Nam Giao - Thanh Lâm
.
.
.