Cần 9.000 tỷ đồng chữa bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Thứ Hai, 18/12/2006, 12:21
Tỷ lệ bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mãn tính tại Việt Nam được xếp vào loại cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với khoảng 3 triệu. Để cứu chữa cho số người này, số tiền tiêu tốn sẽ là 9.000 tỷ đồng.

Thông tin từ Hội nghị "Cập nhật hướng dẫn điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)-gold 2006" ngày 17/12/2006 cho biết, căn bệnh này hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 4, ngang hàng với HIV/AIDS, chỉ sau bệnh lý tim mạch, tai biến mạch máu não và ung thư.

Trong khi các bệnh lý khác đang có chiều hướng giảm hoặc kiểm soát tốt hơn về tần suất thì COPD dường như đang gia tăng nhanh hơn. Hiện thế giới có khoảng 80 triệu người mắc bệnh này từ mức độ trung bình tới nặng, với hơn 3 triệu người chết/năm.

Theo các chuyên gia, tần suất tử vong do COPD sẽ tăng lên 30% trong vòng 10 năm tới và COPD sẽ là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 vào năm 2020.

Tỷ lệ bệnh nhân mắc COPD tại Việt Nam được xếp vào loại cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đã có khoảng 3 triệu người ở Việt Nam mắc COPD. Theo tính toán, để cứu chữa cho số người trên sẽ mất khoảng 9.000 tỷ đồng.

Tại TP Hồ Chí Minh, khoa Hô hấp Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi ngày tiếp nhận trung bình từ 80 - 90 ca mắc COPD, trong đó 1/4 đã ở giai đoạn nặng do hầu hết khi tới điều trị đều đã trong giai đoạn muộn. Thông tin cũng cho biết 90% người mắc bệnh COPD là hút thuốc lá, chỉ có 10% là bị ô nhiễm do môi trường

H.Nga
.
.
.