Cần 57.000 tỷ đồng để thực hiện quy hoạch thoát lũ

Thứ Năm, 02/11/2017, 07:36
Hà Nội muốn đẩy nhanh việc thực hiện Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê trên địa bàn để phát triển đô thị. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại về việc Quy hoạch thoát lũ và thực hiện nạo vét, phát triển đô thị sẽ ảnh hưởng tới chỉnh trị các dòng sông. Trong khi đó, kinh phí để thực hiện Quy hoạch cũng rất lớn, lên tới gần 57.000 tỷ đồng.

Trên cơ sở Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực hiện Dự án “Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội” được thực hiện bởi không gian thoát lũ sẽ nằm giữa hai tuyến đê chính và không cho phép xây dựng đê bối mới.

Theo Quy hoạch, số hộ dân cần di dời là 2.206 hộ. Quy hoạch đề xuất cho phép nghiên cứu, xây dựng ở 20 bãi sông với tổng diện tích 3.904ha. Mật độ xây dựng được giới hạn ở mức 15% cho 2 bãi và 5% cho các bãi còn lại. Quy hoạch chống được lũ chu kỳ 500 năm cho trung tâm TP Hà Nội, với tổng kinh phí thực hiện là 56.904 tỷ đồng.

Hà Nội muốn đẩy nhanh quy hoạch phòng, chống lũ các sông.

Dù Quy hoạch đã được gửi tới và nhận được sự đồng tình của 6 bộ và 8 tỉnh lân cận Hà Nội, tuy nhiên vẫn còn ý kiến bày tỏ băn khoăn. Song theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã, việc chậm triển khai quy hoạch khiến tỷ lệ dân cư khu vực thoát lũ tăng nhanh. Thống kê trong gần 8 năm qua, số dân vùng thoát lũ đã tăng khoảng 30.000 người.

Điều này sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho công tác di dân. Không chỉ vậy, tình trạng đổ trộm phế thải, lấn chiếm hành lang thoát lũ… cũng đang diễn ra phức tạp tại những khu vực ven sông thuộc các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm... Tuy nhiên, việc chậm thông qua quy hoạch phòng chống lũ sẽ là rào cản đối với Hà Nội trong việc triển khai các quy hoạch phát triển đô thị ven sông.

Theo Quy hoạch, sẽ có 8 vùng bãi sông được nạo vét nhằm tăng lưu lượng dòng chảy thoát lũ. PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi cho rằng, việc nạo vét lòng sông có thể ảnh hưởng tới khả năng lấy nước của hệ thống công trình thủy lợi trong đê.

Còn GS.TS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam bày tỏ quan ngại, việc xây dựng hai tuyến đường giáp ven sông Hồng có khả năng ảnh hưởng đến khả năng cắt lũ. Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, nguồn vốn triển khai quy hoạch lên tới gần 56.000 tỷ đồng là rất lớn. Trong khi đó, mật độ xây dựng 5 - 15% là khá thấp, chưa phát huy được tiềm năng và nên chỉ là mật độ xây dựng thuần (tức không bao gồm hạng mục cây xanh, hồ nước…).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đánh giá, trong kết quả rà soát, có nhiều điểm chưa thống nhất, những vấn đề Hà Nội đặt ra, Bộ cũng chưa có thời gian xem xét kỹ lưỡng. Ông Hoàng Văn Thắng đề nghị Hà Nội tiếp tục nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh một số chi tiết phù hợp với đặc thù của Hà Nội. Khi Thủ tướng đồng ý cho phép Hà Nội điều chỉnh thì Bộ NN&PTNT có thể có ý kiến…

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, việc triển khai Quyết định 257 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Hà Nội. Khi triển khai cần hết sức thận trọng. Quy hoạch phải được tính toán kỹ lưỡng để tạo thuận lợi cho việc triển khai các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội có liên quan, bảo đảm tính khả thi cao và bảo vệ được số dân cư hiện hữu hai bên bờ sông Hồng.

Chủ tịch Hà Nội đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội và Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam tiếp thu đầy đủ toàn bộ các ý kiến đóng góp để bổ sung vào Quy hoạch. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã, sau khi Bộ NN&PTNT có ý kiến, Hà Nội sẽ trình HĐND TP Hà Nội trong kỳ họp tháng 11-2017 tới. Nếu được thông qua, đơn vị sẽ lập tức bắt tay vào triển khai.

Diệp Linh
.
.
.