"Cấm ngặt" học sinh chưa đủ tuổi đi môtô, xe máy

Thứ Hai, 30/07/2007, 19:35
Theo thống kê của Phòng CSGT Hà Nội, từ năm 2006 đến nay đã xảy ra hơn 100 vụ tai nạn giao thông do đối tượng là học sinh chưa đủ tuổi cấp bằng lái xe gây ra.

Bắt đầu từ 1/9, học sinh chưa đủ tuổi đi môtô, xe máy sẽ bị xử lý nghiêm, cụ thể: "Tạm giữ môtô, xe gắn máy 90 ngày không phân biệt sở hữu đối với trường hợp học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe điều khiển môtô, xe gắn máy" - đó là một trong những yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn, ùn tắc giao thông.

Không phải bây giờ vấn đề này mới được đặt ra mà từ lâu nó đã trở thành vấn đề nan giải trong học đường.

Những người không biết sợ

Mỗi giờ cao điểm, đường phố Hà Nội lại càng trở nên chật hẹp hơn, lượng xe máy cùng lúc đổ ra đường khiến nhiều nút giao thông ùn tắc. Góp phần trong số đó có một lượng lớn học sinh chưa đủ tuổi được cấp bằng lái xe đèo nhau kẹp 3, kẹp 4.

Những đoạn đường vắng, các học sinh này bỗng trở thành những tay đua lạng lách, đánh võng trên đường phố. Có thể dễ dàng phân biệt được các học sinh đang lưu thông trên đường bởi mỗi tay áo của các "cua rơ" đều có gắn tên trường.

Ý thức được việc đi xe máy là sai cộng với việc tuyên truyền của nhà trường, các học sinh "lách luật" bằng cách gửi xe tại những quán nước, điểm trông giữ xe ngoài trường học.

Bởi vậy mà việc cấm học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đã gần như bị vô hiệu hoá và đây cũng chính là một trong những nguyên nhân góp phần vào tình trạng giao thông phức tạp thời gian vừa qua.

Xử phạt học sinh đi xe máy.

Theo thống kê của Phòng CSGT Hà Nội, từ năm 2006 đến nay đã xảy ra hơn 100 vụ tai nạn giao thông do đối tượng là học sinh chưa đủ tuổi cấp bằng lái xe gây ra. Lực lượng CSGT Hà Nội đã xử phạt cảnh cáo, nhắc nhở đối với hơn 200 nghìn trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, tình trạng học sinh đi môtô, xe máy vẫn diễn ra trên mọi tuyến đường. Đáng lo ngại là nhiều học sinh còn được phụ huynh trang bị cho cả những chiếc xe máy đắt tiền như SH, @...

Cứ mỗi buổi chiều, trên phố Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh… (Hà Nội), tôi lại thấy những cô cậu học trò đi xe máy ào vào vỉa hè uống nước, ăn kem… rồi sau đó lại rồ ga vụt đi.

Giờ học thì chúng gửi xe, hết giờ học thì chở nhau đi chơi, tụ tập thành cả tốp trên đường gây cản trở giao thông. Những tốp học sinh đi với nhau như thế thường quên cả Luật Giao thông, mải nói chuyện, trêu chọc nhau dễ dẫn đến tai nạn, kể cả tai nạn tự gây cho nhau.

Chế tài xử phạt chưa nghiêm

Để xử lý nghiêm những học sinh vi phạm Luật Giao thông và tránh nguy cơ xảy ra, cách đây không lâu đã có hiệu trưởng của một trường THPT đi vi hành để phát hiện sai phạm của học sinh. TP Hà Nội cũng đã từng quy định trách nhiệm cho hiệu trưởng khi trường đó có học sinh đi học bằng xe máy.

Và gần đây nhất, Nghị quyết 32 quy định nghiêm khắc hơn, kiên quyết cưỡng chế thi hành pháp luật trật tự an toàn giao thông, không loại trừ học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi đi xe máy… Những động thái đó đều vì mục đích an toàn giao thông cho tất cả mọi người.

Tuy nhiên, để xử lý triệt để thì mức phạt hành chính đối với trường hợp này cần nghiêm khắc hơn nữa mới có tác dụng răn đe.

Bởi theo Nghị định 152/2005/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Điều 28 "Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới" quy định mức phạt quá nhẹ: "Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe môtô, xe gắn máy, xe máy điện và các loại xe tương tự môtô… Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe môtô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng".

Nếu chế tài xử phạt mạnh hơn thì sẽ có tác dụng răn đe cao, nhưng điều quan trọng hơn cả lại phụ thuộc vào các bậc phụ huynh.

Không cung cấp phương tiện, ắt các cô cậu học trò chẳng thể vi phạm, và vì thế sẽ giảm tối thiểu hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Dịp hè này hình ảnh học sinh mặc đồng phục đi xe máy không có nhiều. Nhưng chỉ vào đầu tháng 8 sẽ có rất đông học sinh THPT đến trường. Với quy định giữ xe 90 ngày đối với những trường hợp vi phạm, hy vọng rằng bức tranh giao thông của thành phố sẽ đỡ rối ren hơn.

Chế tài mạnh nhưng phải xử lý nghiêm thì mới có tác dụng và phát huy hiệu quả cao. Cái nghiêm này cũng cần phải xuất phát từ ý thức gia đình, từ việc giáo dục con cái và cả việc xử lý nghiêm những người làm dịch vụ trông giữ xe máy cho học sinh

Việt Hà
.
.
.