Cấm bán tháo gia cầm ở vùng dịch

Thứ Sáu, 14/02/2020, 09:08
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, ổ dịch cúm A/H5N6 đã được ghi nhận xảy ra ở 4 hộ chăn nuôi vịt tại thôn Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) từ ngày 4-2, sau khi các mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus cúm A/H5N6.


Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, ngày 3-2, một hộ chăn nuôi ở thôn Phú Vinh, có hiện tượng ăn ít, sốt cao, đầu sưng, cổ nghẹo, bơi lòng vòng. Trong 2.397 con đã chết 385 con. Ngay lập tức, cán bộ thú y xuống lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Kết quả mẫu xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N6.

Tiếp sau đó, lực lượng cán bộ thú y huyện Chương Mỹ và TP Hà Nội phát hiện thêm 3 hộ gia đình khác gần với gia đình có đã chết cũng có biểu hiện ủ bệnh. Ngay lập tức, toàn bộ hơn 6.800 con vịt của 4 gia đình này đã bị xử lý tiêu hủy, chôn lấp tại chỗ. Ngoài tiêu huỷ toàn bộ số gia cầm bị bệnh, tiêu độc khử trùng theo quy định, cơ quan Thú y cùng với chính quyền địa phương đã lập chốt kiểm dịch  ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm ra khỏi thôn, cho bao vây đàn gia cầm trên địa bàn xã Phú Nghĩa với tổng số trên 300.000 con.
Tiêu độc, khử trùng khu vực phát sinh ổ dịch tại Hà Nội. Ảnh: Phan Hậu

Còn tại tỉnh Quảng Ninh, dịch cúm gia cầm A/H5N6 cũng đã xuất hiện tại một hộ chăn nuôi thuộc xã Dực Yên (huyện Đầm Hà). Tổng số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy toàn bộ đàn gà 3.000 con. Và tại tỉnh Thanh Hoá, theo ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ ngày 3-2 đến nay, dịch cúm gia cầm A/H5N6 đã xảy ra tại 10 hộ chăn nuôi, 4 thôn, 3 xã, 2 huyện Nông Cống, Quảng Xương, buộc phải tiêu hủy 23.083 con gia cầm các loại.

Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin, dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 đã xuất hiện ở 4 tỉnh, TP của nước ta bao gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An. Theo đó, cơ quan chức năng buộc phải tiêu huỷ hàng chục ngàn con gia cầm các loại. Dự báo, trong thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra do nhiều nguyên nhân khá nhau. Đó là, hiện tổng đàn gia cầm rất lớn với 467 triệu con; điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao; việc tổ chức tiêm vaccine cúm gia cầm cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ.

Trước tình hình dịch bệnh, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y đã yêu cầu việc ngăn chặn và khống chế dịch bệnh phải thực sự quyết liệt, bởi bệnh dịch cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người. Cũng theo ông Thành, những đàn gia cầm chưa bị nhiễm cúm mà đã được tiêm vaccine cúm gia cầm đề nghị theo dõi trong vòng 21 ngày, nếu xuất hiện triệu chứng cần lấy mẫu đưa đi xét nghiệm ngay để có biện pháp xử lý kịp thời.

Chủ động phòng, chống dịch cúm A (H5N1) trên đàn gia cầm và người

Trước tình hình dịch bệnh cúm A (H5N1) từ Trung Quốc có thể xâm nhiễm Việt Nam và nguy cơ bùng phát sinh dịch bệnh trên gia cầm và có thể lây lan sang người, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành, lực lượng, cơ quan, đơn vị, địa phương trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quán triệt, thực hiện nghiêm Công văn số 167/TTg-NN ngày 5-2-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống dịch cúm A (H5N1) trên đàn gia cầm và người và Quyết định 172/QÐ-TTg ngày 13-2-2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019-2025".

Bên cạnh đó, chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch theo dõi, nắm chắc tình hình dịch cúm A (H5N1) trên đàn gia cầm và người trên địa bàn phụ trách; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, sông, suối... trên biên giới, nhất là tại địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tiêu thụ trái phép gia cầm sống, các sản phẩm gia cầm nhập lậu, nghi nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh hoặc chưa qua kiểm dịch theo qui định...(L.Hiệp)

N.Yến
.
.
.