Cẩm Phả - Quảng Ninh: Báo động đỏ về ô nhiễm bụi

Thứ Tư, 22/12/2010, 11:30
Thị xã Cẩm Phả được mệnh danh là "lõi" của vùng than Quảng Ninh do hội tụ rất nhiều công ty khai thác than quy mô lớn. Nhưng còn có một "biệt danh" khác lại cũng do chính ngành than đem lại: "trung tâm bụi và… bẩn".

Có đến hàng chục đơn vị khai thác than tập trung trên địa bàn TX Cẩm Phả, trong đó, riêng phường Mông Dương hội tụ 3 "đại gia" trong ngành than như Cao Sơn, Đèo Nai, Cọc Sáu, năng suất khai thác chiếm tới 70% tổng sản lượng của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), tương đương 20 triệu tấn than nguyên khai/năm.

Để có chừng ấy than, phải đào đất, bóc đá, đổ xỉ với khối lượng thấp nhất cũng gấp 5 lần so với số than khai thác được, tức khoảng 100 triệu khối đất đá, xỉ thải mỗi năm. Than, đất, đá trong quá trình khai thác, vận chuyển, sàng tuyển và tập kết thành nhiều bãi, nhiều "núi" cũng trên địa bàn Mông Dương và một phần phường Cửa Ông. Từ đây, bụi than, bụi đất đá, bụi đường, bụi hỗn hợp nhiều đến mức đủ để nhuộm xám hầu hết các mái nhà, ngọn cây trên địa bàn các phường.

Thiếu quy hoạch, đổ thải bừa bãi trong khai thác than là nguyên nhân gây bụi, bẩn, ô nhiễm môi trường.

Hàng trăm hộ dân luôn sống trong sự ức chế vì bụi và bẩn. Riêng hàng trăm hộ dân sống gần khu vực các bãi thải tình hình tồi tệ hơn. Gió bấc bụi than, gió đông bụi đường, gió xoáy bụi bãi thải, gió quẩn bụi từ khu mỏ cuộn về. Từ bờ cây ngọn cỏ, từ đồ đạc vật dụng trong nhà chỗ nào cũng bụi phủ dày.

Mới đây nhất, tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ninh, khoảng giữa tháng 12/2010, Tập đoàn TKV đã phải giải trình trước các đại biểu về tình hình khai thác than gây ô nhiễm môi trường. Có quá nhiều con số về trị giá đầu tư, về hạng mục công trình được dẫn để chứng minh ngành than rất có nỗ lực trong việc khai thác than gắn với bảo vệ môi trường. Nhưng đối chiếu lại với thực tế, đó là chuyện ở đâu đâu.

Còn tại Cẩm Phả, "trung tâm khai thác than" lớn nhất của TKV thì chưa có động thái nào đầu tư khắc phục ô nhiễm môi trường đừng nói tới phủ xanh núi thải, hoàn nguyên môi trường. Đó là chưa nói đến hiện tượng các bãi thải đang có xu hướng xâm thực, lấn sâu vào khu dân cư, đẩy người dân tiến gần hơn với hiểm họa ô nhiễm, nguy cơ sạt lở bãi thải đe dọa tính mạng và tài sản của dân

Lê Minh Triết
.
.
.