Cải thiện môi trường du lịch phải quyết liệt và khẩn trương

Chủ Nhật, 09/06/2013, 20:03
Trong lúc kinh tế khó khăn, ngành Du lịch cũng chịu nhiều tác động của suy thoái kinh tế, lượng khách giảm đáng kể nhưng có lẽ một yếu tố không kém phần quan trọng làm giảm khách du lịch đến Việt Nam lại là môi trường du lịch.

Hàng loạt vấn đề “nóng” về chặt chém, lừa đảo du khách nội, ngoại tại các điểm du lịch gây bức xúc dư luận nhưng hầu như các địa phương chưa có cách giải quyết cụ thể, thấu đáo, hầu như vẫn chỉ là những giải pháp trên báo cáo, du khách vẫn chưa thể an lòng khi đến với Việt Nam.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về cải thiện môi trường du lịch Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, thời gian qua, tốc độ tăng trưởng du lịch của chúng ta chậm lại. Trong tháng 1, khách quốc tế đến Việt Nam tăng thấp (2,2%) so với cùng kỳ, đến tháng 2 giảm 1,8%, tháng 3 tăng nhẹ (1,6%) nhưng tháng 4 lại giảm 2,4%.

Nhìn chung, 5 tháng khách quốc tế giảm 1,4%. Trong khi kinh tế khó khăn thì môi trường du lịch trong nước lại không có những cải thiện phù hợp.

Cải thiện môi trường du lịch là sự cần thiết và tích cực của các địa phương, theo báo cáo của các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa đều cho thấy, sự nhức nhối của nạn "chặt chém", đeo bám du khách đáng báo động hơn bao giờ hết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài.

Địa phương nào cũng đưa ra những đề xuất, giải quyết rất quyết liệt, từ năm này sang năm khác, mùa du lịch đi qua, nhưng hầu hết mọi việc lại tiếp diễn và đến khi tình trạng chặt chém du khách bị “tố” lên các phương tiện truyền thông và du khách ngoại nản lòng thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc và sau đấy xử lý cũng rất bỏ ngỏ, không triệt để.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong tháng 4 và 5 vừa qua, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra hiện tượng một số lái xe xích lô "dù", taxi, khách sạn trong phố cổ, người bán hàng rong có hành vi đeo bám, chèo kéo, "chặt chém", thậm chí lừa đảo, đe dọa khách du lịch.

Nhưng hiện nay chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe. Như hành vi vi phạm về bán hàng rong, chèo kéo, ép khách chỉ bị tạm giữ hành chính không quá 12 giờ và xử phạt ở mức tối đa 100 - 150 nghìn đồng.

Trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu đã đồng tình với đề xuất thành lập lực lượng Cảnh sát du lịch, theo các ý kiến tại hội nghị thì hiện nay ngành du lịch không đủ thẩm quyền, năng lực xử lý tình trạng đeo bám, "chặt chém" du khách.

Trong khi đó, lực lượng chức năng dường như vẫn xem nhẹ chuyện này. Vì vậy, chỉ có Cảnh sát du lịch mới có thể ngăn ngừa tất cả hiện tượng ở xã hội xâm hại đến du khách. Lực lượng này vừa có tác dụng tạo dựng hình ảnh, tạo sự an tâm, đồng thời có tác động thiết thực đến những trường hợp cụ thể, có thể hỗ trợ du khách ngay tức khắc.

Trước đề xuất trên, Phó Thủ tướng nhận định, từ nay hết quý IV, Bộ VH,TT&DL xem xét và rà soát lại trong quy chế hiện nay, có thể giao cho lực lượng Cảnh sát trật tự tham gia đảm nhiệm thêm chức năng bảo đảm an toàn cho ngành Du lịch.

Đây là nhiệm vụ không có trong chức năng của họ, do vậy địa phương và ngành Du lịch xem xét có kinh phí để hỗ trợ lực lượng này.

Để giữ chân du khách, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh “nụ cười của khách du lịch chính là tương lai của du lịch Việt Nam”, theo đó lấy sự hài lòng của khách du lịch làm tiền đề phát triển lâu dài và bền vững của ngành Du lịch Việt Nam

Lưu Hiệp
.
.
.