Cải cách giáo dục - Người giáo viên ở đâu?

Chủ Nhật, 27/06/2010, 16:54
Chính vì đất nước ta còn nghèo nên mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục cần được cân nhắc để tạo ra hiệu quả lớn nhất cho xã hội. Nếu không, người giáo viên sẽ không biết đứng ở đâu trong các chiến lược khi thu nhập chỉ hơn ôsin một khoảng mong manh!

Năm 1976, ở nông thôn người giáo viên được gọi đùa là người nông dân có nghề phụ là dạy học. Trong khoảng thời gian đó, có năm ở 26 tỉnh số giáo viên bỏ nghề lên đến 19 nghìn người, có năm ở 36 tỉnh thành phố con số này là 11 nghìn người. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nói “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Thế nhưng sự cao quý ấy không thể vượt lên khỏi những quy luật của cuộc sống. Con người cần phải đủ ăn, đủ mặc rồi mới có thể vươn đến những giá trị tinh thần khác.

Cách đây khoảng hai tuần, nhà giáo Văn Như Cương có viết về cuộc sống của người giáo viên với thu nhập mới. So với năm 2006, lương cho ngành giáo dục đã tăng khoảng 2,1 lần. Thế có nghĩa một giáo viên mới ra trường sẽ được nhận khoảng 2.306.000 đồng một tháng. Trong khi đó, một ôsin trông trẻ ở Hà Nội được nhận mức thu nhập khoảng 1,5 triệu một tháng có cả ăn ở. Lao động tự do thì yêu cầu ít nhất 100 nghìn cho một ngày công lao động. Có vẻ lao động chân tay và lao động trí óc của một nghề cao quý không cách xa nhau là mấy trên bình diện đãi ngộ xã hội.

Cô giáo vùng cao bên lớp học. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.

Bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước) làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục từ năm 1976 đến năm 1987, quãng thời gian cả nước vật lộn trong đói khổ và thiếu thốn. Khi đó, bên cạnh rất nhiều công việc khác, bà là người đau đáu làm sao để người giáo viên nhà trẻ, mẫu giáo tối thiếu phải là người có đủ gạo sống hằng tháng; giáo viên tiểu học, trung học phải được trả lương đúng kỳ; lớp dạy thêm, giờ dạy thêm phải được thanh toán tiền phụ cấp ít nhất vào cuối học kỳ… Và cũng chính bà là người đề nghị nhà nước lấy ngày 20-11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam, đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và nhà giáo ưu tú.

Giờ đây, thành quả của Đổi mới đã mang lại cho xã hội sự đầy đủ nhất định. Bộ Giáo dục và Đào tạo có kinh phí để chi 14 nghìn tỷ để đào tạo 23 nghìn tiến sỹ trong 10 năm, 2.300 tỷ để phát triển trung học phổ thông chuyên trên cả nước… Cuộc sống của người giáo viên cũng có thu nhập tăng gấp 2,1 lần so với 5 năm trước.

Khi bước vào nghề, họ có thể tiêu một ngày khoảng 80 nghìn đồng. Nghĩa là mỗi bữa ăn chỉ nên dừng lại ở mức 15 nghìn đồng, còn lại 35 nghìn đồng là tiền điện nước, tiền nhà cửa, tiền nhu yếu phẩm, tiền xăng xe, tiền điện thoại… Người giáo viên không còn là người nông dân có nghề phụ là giáo viên. Tuy nhiên họ không vui chơi, không giải trí, không sách vở, không hưởng thụ văn hóa, không ốm đau và không thể lo cho ai khác.

Nhà giáo dục và nhà tâm lý học nổi tiếng của Liên Xô cũ Macarenco cho rằng người giáo viên phải biết rõ tư thế giảng bài như thế nào, có được ngồi lên bàn không, đang ngồi đứng dậy phải như thế nào, lên giọng như thế nào, cười như thế nào, nhìn như thế nào trong khi đứng lớp v.v... Theo Macarenco, thiếu những cái đó thì không thể trở thành nhà giáo dục giỏi được.

Chính thông qua bản lĩnh và nghệ thuật dạy người của nhiều nhà giáo mà ảnh hưởng của họ có bề sâu và được lưu truyền qua nhiều thế hệ học sinh. Bởi "Nếu bản thân bạn không có ngọn lửa thì làm sao truyền ngọn lửa đó cho học sinh. Mỗi học sinh không phải là cái hũ để ta đổ nước cho đầy, mà là một ngọn đuốc nhỏ mà ta phải đốt cho cháy rực".

Không có gì sai khi Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động phong trào Hai không “Nói không với tiêu cực trong thi cử” và Nói không với việc chạy theo thành tích”. Tuy nhiên, ngoài những nguyên nhân do ý thức, do nề nếp, vật chất có tác động gì trong chuyện tiêu cực và thành tích hay không? Mỗi kỳ thi ở đâu đó có là dịp cải thiện cuộc sống cho người giáo viên? Mỗi thành tích ở đâu đó có là cơ sở để được nhà trường tiếp tục đầu tư và nâng cấp?

Mười năm nữa, khi đầu tư cho hệ thống trung học phổ thông chuyên hoàn thành, chắc hẳn sẽ có những mái trường đủ tiêu chuẩn quốc tế. Liệu khi đó có xảy ra tình trạng những giáo viên rất nghèo sẽ bước chân vào những mái trường sang trọng? Ngọn lửa nếu còn có đủ nhiệt để cháy lên tình yêu với kiến thức, với khoa học và với con người trong mỗi thế hệ học sinh?

Platon - nhà triết gia cổ Hy Lạp đã nói như sau: "Nếu người thợ giày là 1 người thợ tồi thì quốc gia sẽ không quá lo lắng về điều đó: dân chúng sẽ phải xỏ những đôi giày kém một chút. Nhưng nếu thầy giáo là người dốt nát, vô luân, thì trên đất nước sẽ xuất hiện cả một thế hệ kém cỏi và những con người xấu xa".

Đất nước ta còn nghèo. Vì thế đòi hỏi những mục tiêu quá lớn ở đối với ngành giáo dục là điều không thể. Nhưng cũng chính vì đất nước ta còn nghèo nên mọi nguồn lực đầu tư  cho giáo dục cần được cân nhắc để tạo ra hiệu quả lớn nhất cho xã hội. Nếu không, người giáo viên sẽ không biết đứng ở đâu trong các chiến lược khi thu nhập chỉ hơn ôsin một khoảng mong manh!

Thanh Tùng
.
.
.