Cách nào để “hạ nhiệt” TNGT đường sắt?

Thứ Sáu, 11/12/2009, 16:30
Thời gian gần đây, tình hình trật tự ATGT đường sắt ngày càng "nóng" lên khi liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt đau lòng. Chưa bao giờ tuyến đường độc đạo và được ưu tiên này lại mất an toàn và hiểm nguy đến thế. Đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh báo nhằm lập lại trật tự ATGT đường sắt.

Liều mạng băng qua đường ngang

Khi vụ TNGT đường sắt giữa xe khách chở một đám ăn hỏi băng qua đường ngang không quan sát đã bị tàu hỏa đâm ở Hà Nội chưa nguôi thì liên tiếp các cung đường sắt ở miền Trung lại "nóng" lên vì những vụ tai nạn. Điều đáng nói là những vụ tai nạn này đều có một điểm chung là do tính bất cẩn của người tham gia giao thông.

Mặc dù tại nhiều nơi giao cắt giữa đường sắt và đường bộ ngành Đường sắt đã có chuông tự động cảnh báo và treo biển khuyến cáo mọi người cần chú ý quan sát khi qua đường sắt. Nhưng "bỏ ngoài tai" những khẩu hiệu đó, vẫn còn nhiều người liều mạng băng qua đường sắt khi mà tàu hỏa đang đến gần.

Điển hình, trong một ngày, tại tỉnh Bình Định đã xảy ra 2 vụ TNGT đường sắt đau lòng. Vào sáng ngày 8/12/2009, tại đường ngang giữa đường bộ và đường sắt, từ tỉnh lộ ĐT638 đi về địa bàn thôn Bình An 1, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước thuộc Km 1093+700 Tân Vinh - Diêu Trì đã xảy ra vụ tai nạn giữa xe môtô và tàu hỏa làm 1 người chết tại chỗ.

Theo những người dân cho biết, xe môtô BKS 77F3-8018 do anh Nguyễn Đình Cư (49 tuổi ở thôn Vĩnh Hy, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) điều khiển khi đến khu vực trên thì xảy ra tai nạn với tàu hỏa mang ký hiệu SE4, do tài xế Lê Hồng Thạch ở xí nghiệp đầu máy Nha Trang điều khiển theo hướng TP HCM-Hà Nội. Vụ va chạm khiến anh Cư bị hất văng xuống cầu Núi Thơm, cách đó gần 50m và tử vong tại chỗ.

Sáng cùng ngày tại Km 116+ 800 thuộc địa bàn thôn Kinh Tế, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, trong lúc băng qua đường ngang do sương mù và không nghe thấy tiếng còi tàu nên cụ bà Nguyễn Thị Phần, 68 tuổi đã bị tàu khách SE2 theo hướng TP HCM - Hà Nội tông vào làm bà gãy tay.

Nhiều người vẫn "liều mạng" đu bám tàu hỏa khi tàu đang chạy.

Những con số biết nói

Theo báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt VN, 11 tháng của năm 2009, trên toàn mạng đường sắt VN đã xảy ra 482 vụ TNGT, làm 196 người chết, 373 người bị thương. So với cùng kỳ năm ngoái đã giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Tuy nhiên mức độ tai nạn lại nghiêm trọng hơn. Điều đáng báo động là số người chết và bị thương do vi phạm Luật Giao thông đường sắt ngày càng gia tăng. Điển hình là tình trạng ôtô lao vào tàu hỏa, cố tình băng qua đường sắt khi đã có tàu…

Nếu như 11 tháng của năm 2008 có 69 vụ ôtô lao vào tàu hỏa thì năm 2009 đã có 92 vụ ôtô đâm tàu hỏa. Đó là chưa tính đến hàng ngàn vụ ôtô đổ vào tàu hỏa ở những đoạn đường bộ song song với đường sắt. Qua đó cho thấy, ý thức chấp hành Luật Giao thông của một số người tham gia giao thông rất kém. Điều đó cũng cho thấy, TNGT đường sắt không chỉ do thiếu quan sát, chú ý mà là do ý thức của người tham gia giao thông còn rất kém.

Theo Thanh tra giao thông đường sắt thì dọc tuyến QL1A, đoạn qua các tỉnh Bình Định, Nam Định, Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã xảy ra hàng trăm vụ TNGTĐS làm nhiều người chết và bị thương, hầu hết các vụ TNGT đều xảy ra tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt. Trong đó hầu hết là điểm xảy ra tại những đường ngang dân sinh, nhưng cũng có những vụ tai nạn xảy ra nơi đường ngang có người gác hoặc đường ngang có thiết bị cảnh báo tự động. Tình trạng ôtô, xe máy va vào tàu hỏa diễn ra khá phổ biến. Tuyến đường sắt xảy ra nhiều vụ tai nạn ôtô đâm tàu hỏa nhất là tuyến Thống nhất chiếm tới 1/3 số vụ.

Một vụ TNGT đường sắt.

Còn theo số liệu của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, trong số các vụ TNGT đường sắt xảy ra tại đường ngang có gác chắn chỉ chiếm 0,9%, còn lại đều xảy ra tại đường ngang dân sinh qua đường sắt. Rõ ràng, những đường ngang dân sinh qua đường sắt không có rào chắn đã trở thành những "cái bẫy" luôn rình rập ẩn họa chết người. TNGT đường sắt xảy ra nhiều ở các khu: Giáp Bát - Văn Điển - Thường Tín (Hà Nội); Mỹ Lý - Quán Hành (Nghệ An); Ngã Ba - Cà Rôm (Khánh Hòa); Biên Hòa - Hố Nai (Đồng Nai)…

Giải pháp nào nhằm "hạ nhiệt" TNGT đường sắt?

Làm gì để giảm TNGT đường sắt, đặc biệt tại các đường ngang dân sinh? Đó là câu hỏi mà ngành Đường sắt đang "đau đầu" đi tìm lời giải. Qua phân tích cho thấy, phần lớn nguyên nhân các vụ TNGT đường sắt là do ý thức người dân khi qua đường ngang dân sinh không chú ý quan sát. Để khắc phục tình trạng này, Tổng Công ty ĐSVN đã và đang phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện việc lắp đặt rào chắn ngăn cách giữa đường bộ và đường sắt tại một số điểm đen hay xảy ra tai nạn, cùng với đó là việc bổ sung biển báo, lắp đặt thiết bị cảnh báo tự động, duy tu bảo dưỡng mặt đường sắt luôn an toàn, êm thuận…

Còn theo Cục CSGT đường bộ - đường sắt thì để khắc phục tình trạng này hơn lúc nào hết công tác tuyên truyền, nhất là tại những địa bàn phức tạp về trật tự ATGT đường sắt vẫn phải được ưu tiên hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường sắt của người dân. Ngoài ra, các ngành chức năng cũng cần tích cực hơn nữa trong việc kiểm tra, kiểm soát để xử lý kịp thời các hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, có kế hoạch xóa đường ngang trái phép, xây dựng đường gom.

Tuy nhiên, việc đảm bảo trật tự ATGT Đường sắt không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành đường sắt, ngành Công an, mà đòi hỏi sự đồng thuận, triển khai ở các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua

Trần Ánh
.
.
.