Cách làm hay trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Nam Định

Thứ Bảy, 29/11/2014, 15:20
Lấy dân làm gốc, dựa vào sức mạnh cộng đồng, làm từ nhà ra xóm, đó là cách làm được tỉnh Nam Định chọn để xây dựng nông thôn mới. Sau 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn tỉnh Nam Định đã có nhiều khởi sắc. Hàng nghìn công trình hạ tầng, đường giao thông nông thôn, cầu cống… được làm mới, nâng cấp. Nam Định đang hướng tới mục tiêu phấn đấu năm 2015 sẽ có huyện nông thôn mới đầu tiên trên cả nước.

Sau 3 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở Nam Định, trong số 96 xã tham gia, có 12 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, không còn xã dưới 12 tiêu chí. 100% số xã, thị trấn đã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “Dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, tỉnh Nam Định vận động người dân hiến đất làm đường, xây dựng các công trình phúc lợi, thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn.

Câu chuyện về việc huy động sức mạnh của nhân dân vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Nam Định có rất nhiều, nhưng nổi lên là các gương tiêu biểu như: ông Phạm Văn Ngọ ở thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh đã vận động các con làm ăn xa kết hợp với gia đình ủng hộ 2,5 tỷ đồng xây dựng trường học, nghĩa trang, đường nông thôn. Ông Ngọ nói: “Đóng góp xây trường học để con em trong làng yên tâm có nơi học hành, có một tương lai lâu dài. Còn đóng góp xây dựng nghĩa trang, đình chùa để an dân, để “đẹp làng, đẹp xóm, đẹp cả thôn trang”. Đó là lý do tôi muốn đóng góp, vì cả cuộc đời này cũng chỉ để lại một dấu ấn đó mà thôi”. Hay như ông Nguyễn Văn Tào ở thôn An Lãng, xã Trực Chính hiến 860m2 đất nông nghiệp chia sẻ: “Việc hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, tôi chỉ hiểu một cách đơn giản là mình cần có trách nhiệm với địa phương, đó là nghĩa vụ của công dân. Mình làm nghĩa vụ nhưng mình được trực tiếp hưởng lợi từ nghĩa vụ đó”.

Huyện Hải Hậu là huyện thuần nông, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nhưng được Trung ương chọn là một trong năm huyện trong toàn quốc xây dựng thí điểm nông thôn mới ở Nam Định. Bằng cách làm phù hợp với tình hình địa phương, Hải Hậu đã đạt được những kết quả rất lớn, 34/35 xã, thị trấn đạt tiêu chí nông thôn mới và huyện dự kiến sẽ là huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước vào đầu năm 2015. “Đảng bộ huyện đã ban hành 3 Nghị quyết chuyên đề và 6 Đề án phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, huyện quan tâm tới việc chuyển đổi sản xuất, phát triển công nghiêp, tiểu thủ công nghiệp ngành nghề, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Phạm Văn Chiến, Bí thư Huyện ủy Hải Hậu cho biết.
Xây dựng đường giao thông nông thôn ở Nam Định.

Nam Định được đánh giá là một trong 10 địa phương triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới tốt nhất cả nước. Trong gần 4 năm xây dựng nông thôn mới, Nam Định đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Nhờ đó, tổng kinh phí huy động cho nông thôn mới đạt trên 8.769 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 2.400 tỷ đồng, vốn huy động từ các doanh nghiệp 1.860 tỷ đồng, vốn tín dụng gần 2.300 tỷ đồng và vốn do nhân dân đóng góp 1.580 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các hộ nông dân đã góp được 2.809ha đất nông nghiệp (tương đương hơn 5.600 tỷ đồng) và 200ha đất thổ cư (tương đương 1.000 tỷ đồng). Đến nay, các địa phương của Nam Định đã cải tạo và xây dựng mới được gần 4.300km đường giao thông nông thôn; đào đắp được hơn 5.300km đường giao thông nội đồng; xây mới và cải tạo 431 nhà văn hóa, gần 1.500 phòng học. Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Hồng Hà cho biết, tỉnh đang phấn đấu trong năm 2015 có 74 xã đạt nông thôn mới, trong đó có 35 xã, thị trấn của huyện Hải Hậu đạt chuẩn 19 tiêu chí, đưa Hải Hậu trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước.

Trong 96 xã, thị trấn tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 của Nam Định, đến nay đã có 17 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí; 72 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 7 xã đạt từ 13-14 tiêu chí, không còn xã nào đạt dưới 13 tiêu chí. Dự kiến vào cuối năm nay, Nam Định sẽ có 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Phan Hoạt
.
.
.