Các tỉnh Miền Trung: Khô cháy vì nắng nóng

Chủ Nhật, 19/05/2013, 14:02
Mới chớm hè nhưng trong 3 ngày qua, nắng nóng trên 40oC đã làm đảo lộn cuộc sống người dân miền Trung. Nhiều bản làng ở miền núi Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế... bà con dân tộc thiểu số đã vô hang đá, rừng rậm để tránh nóng.

Ở các vùng đồng bằng, ven biển, vào độ 18 đến 20 giờ người dân mới đổ ra trường tập trung về các bãi biển để tắm. Những bãi tắm như Cửa Lò, Xuân Thành, Nhật Lệ, Cửa Tùng... luôn chật ních người. Do nắng nóng không ít trẻ em, người già ở khu vực miền Trung đã phải nhập viện. Còn các lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông, Cảnh sát chữa cháy, kiểm lâm.... luôn phải căng mình dưới nắng nóng để làm nhiệm vụ.

Trốn vào hang đá tránh nắng

Dưới cái nắng nóng 40oC, chúng tôi vượt đường rừng lên huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, nơi Đài Truyền hình Việt Nam luôn cập nhật nắng, nóng trong các bản tin thời tiết mấy ngày qua. Dọc theo QL12A là những cánh đồng nứt nẻ. Những đám lúa đang gần thu hoạch bị đất nứt xé tung xơ xác, tiêu điều. Chỉ cần một mồi lửa cả cánh đồng có thể sẽ biến thành đám cháy khổng lồ. Gió Lào thổi hầm hập cộng với nắng nóng như muốn thiêu đốt tất cả. Tấp vào lề đường uống ly nước để hạ nhiệt, nhưng ngồi độ vài phút chúng tôi lại phải đi ngay vì quá nóng.

Chị Hà, chủ quán nước nói với theo: "Nếu lên huyện Minh Hoá thì theo bà con dân tộc Mày, Khùa vô hang đá mà trốn cho khỏi nắng". Đến bản Mò O Ồ Ồ xã Thượng Hoá, huyện Minh Hoá thấy bản làng vắng ngắt chúng tôi đang phân vân thì gặp một số bà con dân bản tay xách gạo, muối, nước mắm lầm lũi đi vào rừng. "Bản mình vô hang đá ở cả rồi, ông trời làm nắng nóng quá không chịu nổi rồi, vô hang thôi...".

Người dân nhiều nơi miền núi Quảng Bình đang chắt chiu từng can nước sinh hoạt.

Mới đầu mùa hè, nhưng 43 hồ, đập lớn nhỏ trên địa bàn huyện Minh Hoá, Quảng Bình hiện đều cạn kiệt nguồn nước. Nhiều trường học ở Minh Hoá, thầy trò quay cuồng đi tìm nước để sinh hoạt. Nước ăn, nước uống còn phải chắt chiu nói chi đến tắm giặt. Thầy trò vất vả vượt hàng km đến các khe suối mới tìm được nguồn nước. Nhằm khắc phục nguồn nước, ban giám hiệu nhiều nơi thuê người đào vét sâu thêm giếng. Có nước giếng, cả trường mừng.

Nhưng được 1 tuần giếng cũng cạn. Buộc thầy cô phải luân phiên nhau, canh chừng đưa học sinh vào suối… tắm. Suối cũng cạn, mọi người nhìn nhau ngao ngán. Rời Quảng Bình, dọc theo đường Hồ Chí Minh chúng tôi đi qua địa bàn huyện Hương Khê, Hà Tĩnh rồi Thanh Chương, Đô Lương, Tương Dương... Nghệ An, nơi nào nắng nóng cũng như muốn thiêu đốt tất cả. Tương Dương nơi được coi là nóc nhà của Đông Dương có nhiệt độ luôn cao hơn những nơi khác 3 - 5oC vì vậy nơi đây người dân phải chống chọi khổ cực nhất với nắng nóng.

Thượng nguồn sông Lam cạn đáy, một số nước đọng thì nổi váng đục ngầu do nạn khai thác vàng trái phép. Nhiều người dân nơi đây suốt ngày ngâm mình dưới khe, suối để tránh nắng, nóng. Thương nhất là đám trẻ nhỏ đến trường, mặt nhợt nhạt vì nắng. Ăn uống thiếu chất cộng với nắng nóng làm không ít em nhỏ phải nhập viện. Ở nhiều nơi miền núi của miền Trung, do nắng nóng nên nước khan hiếm đến độ cùng cực. Sông Lam, dòng sông lớn, sâu nhất của Nghệ An khi chảy qua huyện Tương Dương, Con Cuông có nơi đã cạn.

Vì vậy, không ít xóm làng ven sông đang phải tiết kiệm nước ngọt như cư dân ở các đảo trên biển. Mỗi thau nước được sử dụng luân phiên nhiều mục đích; đầu tiên là rửa rau; giặt đồ, dùng để nấu thức ăn cho gia súc... Trong cái nắng hầm hập, anh Hồ Văn Tí, nhà cạnh bờ sông lắc đầu ngao ngán: “Cuộc sống gia đình tui gắn với dòng sông, nước sinh hoạt từ sông, con cá con tôm để đổi gạo cũng từ sông, giờ sông cạn chẳng biết bấu víu vô mô…”.  Sông “chết” có nghĩa là kéo theo hàng ngàn cư dân dọc bờ sông lâm vào cảnh điêu đứng.

Người dân ở đồng bằng ra biển

Hạn hán không chỉ làm đảo lộn cuộc sống người dân của các huyện ở miền núi, ngay như tại vùng đồng bằng các tỉnh, thành miền Trung, người dân cũng đang khô khốc vì nắng hạn. Để tránh nắng, hầu hết người dân đều tìm cách trú ẩn trong nhà, đóng chặt cửa. Chờ đến lúc mặt trời sắp lặn vào độ 5 - 6 giờ chiều, hàng trăm nghìn người dân mới đổ ra biển để tắm. Tại các bãi biển của các tỉnh miền Trung, nhiều bãi tắm, người dân chen chúc đến độ người này quàng phải tay người kia. Bãi tắm biển trở nên nhỏ hẹp vì quá đông người...

Do nắng nóng nên chiều tối, bãi biển Bảo Ninh, Quảng Bình luôn đông kín người.
Nhiều nơi sản xuất nông nghiệp, trồng dưa, trồng lúa bà con nông dân đành để mặc hạn hán, lý do thiếu nước để tưới, và do quá nóng. Không ít nơi người dân đành bấm bụng cứu mình vì thiếu nước sinh hoạt. Nhiều gia đình hàng ngày phải cắt cử người chuyên lo việc đi chở nước, mua nước từ nơi khác.

Nhiều xã bãi ngang ở huyện Quảng Trạch, Quảng Bình bốn bề là nước bao quanh, song toàn nước nhiễm phèn, chua mặn nên người dân phải mua nước ngọt với giá cao. Nước ngọt chỉ để uống, còn tắm giặt, nấu nướng buộc người dân phải dùng nước nhiễm phèn, mặn. Nơi đây, nhiều hộ gia đình xây bể để chứa nước mưa, song bây giờ cả làng không còn bể nào có nước.

Dưới nắng nóng như thiêu như đốt, song nhiều lực lượng chức năng vẫn phải gồng mình chống nắng và lo nhiệm vụ. Trong số đó, lực lượng kiểm lâm là vất vả hơn cả. Trời càng nắng, nóng lực lượng kiểm lâm các tỉnh miền Trung lại càng vất vả, vì đây là khu vực còn rất nhiều rừng và dễ xảy ra cháy. Bên cạnh lực lượng kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... đang gồng mình thực thi nhiệm vụ trên các tuyến đường để đảm bảo an toàn giao thông và phòng chống cháy nổ

Dương Sông Lam
.
.
.