Các thành phố cần chủ động hiến kế

Thứ Năm, 14/08/2008, 11:18
Chưa kể tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, năm 2007, thiệt hại về kinh tế do kẹt xe tại TP Hồ Chí Minh ước tính đã lên tới 14.000 tỷ đồng.

Năm 2008, con số này sẽ còn cao hơn do số vụ kẹt xe kéo dài đã tăng gấp hơn 2 lần; tình trạng ùn tắc cục bộ tiếp tục diễn biến trên diện rộng trước giá nhiên liệu tăng cao…

Theo đánh giá trong Nghị quyết của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì "Ùn tắc giao thông đã gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt của mọi tầng lớp nhân dân ở 2 thành phố và đang là vấn đề hết sức bức xúc".

Việc cho phép Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có một cơ chế riêng trong vấn đề giải quyết ùn tắc giao thông tại Nghị quyết của Chính phủ đã tạo điều kiện hỗ trợ để các đô thị lớn nhất cả nước này nhanh chóng giải quyết triệt để vấn đề giao thông đô thị đang bức xúc hiện nay. Cơ chế đã có, vấn đề còn lại là khắc phục được đến đâu, khi nào mới hết kẹt xe phụ thuộc vào các giải pháp của từng địa phương.

Nội dung chỉ đạo chính trong Nghị quyết của Chính phủ đối với 2 TP gồm: Phát triển hạ tầng giao thông; quy hoạch và thực hiện di dời trụ sở các cơ quan hành chính Nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề và bệnh viện lớn ra ngoài khu vực trung tâm; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông và văn minh đô thị, tăng cường cưỡng chế thi hành pháp luật về TTATGT và trật tự đô thị; đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân và tổ chức giao thông hợp lý, hiệu quả. Từng nhóm giải pháp cụ thể cũng đã được nêu ra.

Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều giải pháp tương tự cũng đã được xây dựng và triển khai thực hiện trong suốt những năm qua, nhưng hoặc không khả thi hoặc chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Nâng cấp để giải quyết tình trạng quá tải hạ tầng đô thị, cả thành phố đã trở thành đại công trường suốt những năm qua, tình trạng này sẽ còn kéo dài đến những năm 2015 - 2020, song trùng với thời gian thực hiện các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông, bởi những dự án lớn như: Nâng cấp đô thị, cải thiện môi trường nước, vệ sinh môi trường, xây dựng mạng lưới xe điện ngầm và nâng cấp, cải tạo, mở rộng hệ thống đường giao thông… đang là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông.

Với giải pháp phát triển hoạt động vận chuyển hành khách công cộng tại TP Hồ Chí Minh, thực tế những năm qua mục tiêu này đã được thành phố triển khai rất mạnh, ngân sách đã chi hơn 4 ngàn tỷ đồng hỗ trợ phát triển hoạt động của xe buýt.

Và chỉ sau vài năm, đến thời điểm này, trên địa bàn đã có hơn 3.200 đầu xe buýt các loại và gần 8 ngàn đầu xe taxi hoạt động. Xe nhiều nhưng hiệu quả mang lại thấp, mới chỉ phục vụ được 6 - 7% nhu cầu đi lại của người dân, bằng hơn 1/3 so với mục tiêu đặt ra.

Nhưng ngược lại, xe buýt và taxi đã và đang là một trong những nguyên nhân gây kẹt xe do việc tổ chức, điều hành, quản lý còn nhiều bất hợp lý và lúng túng. Một giải pháp tưởng chừng rất đơn giản, đã từng được thành phố đặt trong 8 giải pháp cấp bách để giải quyết tình trạng kẹt xe là là bố trí học tập và làm việc lệch ca, lệch giờ, sau 2 lần đưa ra đều không thực hiện được.

TP Hồ Chí Minh lập quy hoạch di dời 90 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp cùng với 8 bến cảng ra khu vực ngoại thành. Trong đó, có 5 bến cảng sẽ di dời trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến trước 2010 nhưng hiện tại việc di dời là chưa thể làm được.

Càng mâu thuẫn ở chỗ, song song với việc di dời, thành phố tiếp tục quy hoạch phát triển hàng trăm cao ốc để khai thác "đất vàng" tại 20 ô phố trung tâm. Cộng với trên 150 chung cư cũ sẽ phải phá dỡ để xây cao hơn, khi đó liệu các giải pháp giảm kẹt xe tại khu vực nội thành TP Hồ Chí Minh trong những năm tới có thực sự mang lại hiệu quả?

Đức Thắng
.
.
.