Các phòng công chứng thông, phường xã tắc

Thứ Ba, 17/07/2007, 19:26
Sau nửa tháng thực hiện quy trình mới trong hoạt động công chứng, các Phòng công chứng thuộc tỉnh, thành phố không còn cảnh quá tải, ùn ứ hồ sơ tài liệu, người người xếp hàng. Nhưng, Phòng Tư pháp cấp quận, huyện và phường, xã đang lo lắng, thậm chí là bị rối do những phát sinh không được lường trước.
>> Việc chứng thực bản sao có thể bị tồn đọng

Qua 2 tuần thực hiện nhiệm vụ khá mới mẻ, tuy đã từng làm sao y bản chính, nhưng với một số phòng Tư pháp, việc thực hiện Nghị định 79 cũng khiến họ có chút bỡ ngỡ. So với các quận, huyện khác, quận Ba Đình (Hà Nội) được đánh giá là đơn vị giải quyết thủ tục khá nhanh.

Quận, huyện, phường lúng túng, dân vẫn phải đi lòng vòng

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó trưởng Phòng Tư pháp, UBND quận Ba Đình thì ngay sau khi Nghị định có hiệu lực, phòng đã làm 15.000 tờ gấp các nội dung của Nghị định và Luật Công chứng gửi UBND các phường, đồng thời niêm yết thông báo về thẩm quyền, lệ phí, thời gian thực hiện và niêm yết danh sách, địa chỉ, số điện thoại của cộng tác viên dịch tiếng nước ngoài tại bộ phận 1 cửa để người dân tự liên hệ.

Tuy nhiên, sau 2 tuần thực hiện, đã thấy rõ một số khó khăn mà cán bộ Tư pháp đang dần khắc phục, tháo gỡ.

Khó khăn thứ nhất là chứng thực chữ ký của người dịch. Phòng công chứng có một đội ngũ cộng tác viên làm việc riêng với phòng. Nhưng quy trình ở quận lại khác. Quận chỉ chứng thực chữ ký, còn không nhận hồ sơ như trước. Người dân phải tự liên hệ với cộng tác viên để dịch các bản dịch song ngữ, sau đó lên quận chứng thực chữ ký.

Tuy nhiên, việc làm này lại rất mất thời gian, khiến một số người phàn nàn là tìm được nhà cộng tác viên đã khó, nhưng giao bản chính cho họ dịch liệu có tin tưởng được không, có bị thất lạc hay không?

Nếu như trước đây, với các bản dịch song ngữ, người dân chỉ 1 lần đến các phòng công chứng là đã làm được cả 2 việc, nay người dân phải đi lại lòng vòng, mất thời gian.

Hồ sơ gửi đến chứng thực chữ ký ở quận Ba Đình tương đối nhiều, mỗi ngày nhận bản dịch khoảng 20 trường hợp và 10 trường hợp dịch xong đến đóng dấu. Tuy nhiên, có lúc cán bộ tiếp nhận đến 2 trường hợp là đã bị rối.

Lý giải nguyên nhân này, bà Ánh Hồng cho biết, có công ty cả một chồng hồ sơ, phải làm nhiều quy trình, phải đóng đến nhiều lần dấu. Nghị định quy định thời gian chứng thực phải trả ngay trong buổi nhưng hiện không thể thực hiện được mà phải trả trong ngày.

Khảo sát một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội kể từ khi Nghị định 79 có hiệu lực, chúng tôi thấy hầu hết cách làm đều giống nhau và nơi nào cũng kêu: lúng túng, rối, áp lực công việc lớn, phòng ốc chật chội khiến cán bộ tư pháp lúc nào cũng căng như sợi dây đàn.

Ở quận Ba Đình có ngày giải quyết nhiều công việc, bộ phận tư pháp phải làm việc quá trưa, thậm chí đến 21h mới xong. Khó khăn là thế, nhưng đây là công việc mới nên họ phải khắc phục dần. Bà Ánh Hồng cho biết, nửa tháng nay, cả phòng tập trung hết vào việc này mà không còn thời gian để làm việc khác, trong khi chức năng của Phòng Tư pháp còn rất nhiều.

Chống ùn, lại tắc

Cũng bởi vừa tiếp nhận công việc mới trong thời gian ngắn, nên bộ phận làm chứng thực cấp quận, huyện rơi vào tình trạng lúng túng. Điều lo lắng nhất với các cán bộ tư pháp chính là tính hợp pháp của bản chính, còn người dân thì lo cho độ xác thực của bản dịch.

Bà Lan Anh, ở Hoàn Kiếm (Hà Nội) than thở: "Điều khiến người dân lo lắng nhất là người dịch, liệu họ có dịch sót hoặc nhầm một vài chữ nào hay không?". Đây là vấn đề nóng hiện nay khi một số thứ tiếng hiếm như Bulgaria, Italia, Tây Ban Nha… đang thiếu cộng tác viên trầm trọng. Các quận, huyện chỉ còn biết lấy lòng tin để làm việc với cộng tác viên.

Sở Tư pháp lập danh sách các cộng tác viên của Phòng công chứng để chuyển sang cho quận, huyện. Do vậy, đây là đội ngũ đã có kinh nghiệm và thử thách trong công việc. Nhưng, nhiều nơi đang thiếu CTV dịch các thứ tiếng hiếm, việc tuyển chọn đầu vào cũng cần phải cẩn trọng.

Theo quy định trong Nghị định 79: "Người thực hiện chứng thực phải kiểm tra tính hợp pháp của bản chính, nếu phát hiện bản chính có dấu hiệu giả mạo thì đề nghị người yêu cầu chứng thực chứng minh; nếu không chứng minh được thì từ chối chứng thực".

Tuy nhiên, nhiều cán bộ chứng thực cũng phàn nàn rằng, việc xác định bản chính quá khó. Ở nước ngoài, chữ ký có văn bản ký mực tươi, nhưng có văn bản ký bằng chữ điện tử thì chịu. Thậm chí có văn bản không có dấu giáp lai. Nhiều thứ tiếng như Trung Quốc, Nhật, Bồ Đào Nha, cán bộ tư pháp không biết tiếng, đành phải vẽ chữ trong sổ để khỏi trả nhầm.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tú, Trưởng phòng Công chứng số 3 cũng cho biết thêm, hiện chưa có cơ chế kiểm soát đầu vào cho việc chứng thực bản dịch. Trước đây, người dịch của Phòng công chứng, nguồn tài liệu còn được sự kiểm soát của công chứng viên. Còn hiện nay, độ xác thực của bản dịch cũng là mối lo khi cán bộ chứng thực cấp quận, huyện đang lúng túng về lĩnh vực này.

Mặc dù Nghị định 79 có quy định rõ: "Người dịch phải là người thông thạo tiếng nước ngoài cần dịch. Người dịch phải cam đoan và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch". Nhưng để thực hiện được đúng quy định đó và xác định được tính hợp pháp của bản chính cũng như nhiều vấn đề liên quan khác thì cần phải có Thông tư hướng dẫn cụ thể về quy trình dịch để cấp quận, huyện có căn cứ giải quyết tốt hơn

Trần Hằng - Việt Hà
.
.
.