Hàng loạt dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi:

Các nước ASEAN họp bàn biện pháp đối phó

Thứ Năm, 18/09/2014, 10:07
Nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước, để chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống các bệnh dịch trong nước, cũng như ngăn chặn sự lây lan của các dịch bệnh nguy hiểm đến từ các khu vực khác, là nội dung chính của hội nghị về phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi của các nước ASEAN, được tổ chức tại Hà Nội ngày 17/9.

Các nước ASEAN đang tiểm ẩn nhiều nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm mới nổi nguy hiểm từ các nơi khác đến, như: Mers-CoV, Ebola, HIV/AIDS, cúm A/H7N9, bại liệt…. Các bệnh truyền nhiễm mới nổi đang tiếp tục đe dọa sự phát triển bền vững, gây trở ngại cho kinh tế, xã hội, đồng thời, tạo áp lực cho hệ thống y tế của các nước ASEAN và đe dọa an ninh y tế toàn cầu.

Nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước, để chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống các bệnh dịch trong nước, cũng như ngăn chặn sự lây lan của các dịch bệnh nguy hiểm đến từ các khu vực khác, là nội dung chính của hội nghị về phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi của các nước ASEAN, được tổ chức tại Hà Nội ngày 17/9, với sự có mặt của đại diện WHO, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ ở CDC Việt Nam, các tổ chức quốc tế khác; đại diện Bộ Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Thương mại, NN&PTNN..v.v…

Những thông tin mới nhất về tình hình của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi đã được WHO, CDC, các tổ chức quốc tế, đại diện các nước đưa ra tại hội nghị, đồng thời, các chuyên gia cũng chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả ở mỗi nước, nhằm cùng tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhất để đảm bảo an ninh y tế cho các nước ASEAN cũng như thế giới.

Theo TS. Takeshi Kasai – Giám đốc Quản lý các chương trình của WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương, bệnh truyền nhiễm mới nổi như Ebola không còn là của châu Phi mà là của thế giới. Bởi dịch Ebola không thể dự báo mức độ rộng lớn và phức tạp từ khi nó được phát hiện và là dịch Ebola lớn nhất từ trước tới nay. Dịch bùng phát ở các nước có nội chiến, không có hoặc hệ thống y tế rất yếu. Tập quán chôn cất không đảm bảo vệ sinh, đã gây ra dịch lan rộng và bền vững tại cộng đồng. Nếu có 1 ca du nhập vào khu vực, hậu quả tiềm tàng đối với y tế công cộng sẽ không nhỏ.  Các quốc gia cần cảnh giác và sẵn sàng cho việc phát hiện, điều tra và quản lý các trường hợp mắc bệnh Ebola.

Lãnh đạo ngành Y tế trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống cúm A(H7N9) ở biên giới.

Đặc điểm của dịch Ebola đang diễn ra là lây lan nhanh và rộng: có trên 4.000 ca mắc và trên 2.000 ca chết đã được báo cáo với WHO. Các chuyên gia y tế quốc tế nhấn mạnh: Tuy thế, số lượng thực tế còn cao hơn. Số các ca bệnh chiếm 47% trong 2 tháng qua, tức là tăng rất nhanh và sẽ còn tiếp tục gia tăng. WHO vùng Tây Thái Bình Dương đã có khung hành động đối phó: đảm bảo hệ thống giám sát có khả năng phát hiện ca nghi ngờ. WHO cũng đưa ra kế hoạch để có thể ngăn chặn, đẩy lùi dịch trong vòng 6 đến 9 tháng.

Với căn bệnh Mers CoV, đại diện ngành Y tế Malaysia cho biết, nguy cơ ở nước này rất lớn, khi mỗi năm có khoảng 200.000 khách hành hương và 22-23.000 khách tham gia lễ hành hương, nên nguy cơ mắc Mers CoV là không thể tránh khỏi. Đây cũng là thông tin rất đáng quan tâm với Việt Nam để tăng cường phòng bệnh vì Việt Nam là nước gần Malaysia. Để ngăn chặn dịch, Malaysia đã liên tục phổ biến thông tin, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về Mers CoV, đồng thời, sàng lọc sức khỏe và tiêm phòng viêm màng não cho khách hành hương. Malaysia chú trọng phối hợp với ngành Du lịch để cung cấp thông tin về Mers CoV, như phối hợp với Hiệp hội đại lý du lịch và Lữ hành cho những người hành hương, hợp tác với Bộ Du lịch và Ngoại giao. Đây cũng là kinh nghiệm tốt cho các nước khi đối phó với Mers CoV.

Bà Michelle McConnell, Giám Đốc US-CDC Việt Nam cũng cho biết: 75% bệnh mới nổi là lây từ động vật lây sang, như cúm A(H5N6), cúm A(H7N9), do đó cần nỗ lực ưu tiên các giải pháp phòng, chống. Các chuyên gia y tế của Trung Quốc cũng cập nhật thông tin về tình hình cúm gia cầm A(H7N9) trên người ở nước này. Theo đó, trên 80%  trường hợp mắc có tiền sử tiếp xúc với gia cầm hay môi trường tương tự trước khi phát bệnh. 

Trước diễn biến phức tạp của nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi, đại diện của US-CDC Việt Nam cho rằng, cần thiết lập và điều hành văn phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC), để có các hoạt động cần thiết cho việc ứng phó kịp thời và hiệu quả với tình trạng khẩn cấp, bất ngờ, ưu tiên đảm bảo tính mạng, tài sản của con người. Việc các nước ASEAN phải ngồi với nhau để bàn về các giải pháp ứng phó với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới xuất hiện, đã cho thấy tính cấp bách trong vấn đề bảo vệ sức khỏe ở mức nào!

Thanh Hằng
.
.
.