Các giáo sư toán học hàng đầu trải lòng về toán

Thứ Bảy, 20/08/2011, 10:12
Chiều 19/8, Bộ GD & ĐT cùng với Viện Toán học Việt Nam và các Giáo sư, các nhà khoa học hàng đầu về Toán học của Việt Nam như Giáo sư Ngô Bảo Châu, GS Lê Tuấn Hoa, GS Đàm Thanh Sơn, GS Vũ Hà Văn… đã có cuộc gặp gỡ trao đổi với báo chí để thông báo về hoạt động, kế hoạch trong tương lai của Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán (NCCCVT) và con đường phát triển toán học nước nhà trong thời gian tới.

Các Giáo sư Toán học đã trải lòng mình trước câu hỏi, vì sao Toán học nước nhà tụt dốc?

Nhận định về tình hình toán học Việt Nam hiện nay, GS Ngô Bảo Châu cho biết, "chân" của phong trào là cấp 1 và cấp II nhưng chúng ta đã bỏ "chân" đó đi thì đỉnh sẽ sụp đổ. Còn nguyên nhân khác, đó là tâm lý thực dụng quá mức của xã hội toán học nói riêng và khoa học cơ bản nói chung, nhiều người coi đây là ngành quá lãng mạn, không thực tế, không đảm bảo cho con cái mình về vật chất nên rất nhiều phụ huynh hướng con cái mình tới học ngành khác như kinh tế thực tế hơn. Mặt khác, phải kể đến thù lao của các giáo viên Toán quá thấp nên họ đã sao nhãng việc giảng dạy.

Tuy nhiên, để giải quyết thực trạng này thì không phải ngày một ngày hai, nhưng thực tế này các thầy tham gia hội đồng khoa học Viện NCCC về toán đã nhìn thấy trước từ vài năm trước. Chính vì lý do đó, giới khoa học đã khẩn thiết yêu cầu Chính phủ soạn thảo chương trình toán học trọng điểm quốc gia.

Giáo sư Ngô Bảo Châu và các nhà khoa học trong buổi gặp gỡ, trò chuyện với báo chí.

GS Ngô Bảo Châu còn trải lòng: "Trong những năm tới chúng tôi triển khai nhiều hoạt động về nghiên cứu ứng dụng. Cá nhân tôi sẽ nỗ lực để Viện có những hoạt động khoa học toán học ứng dụng liên quan tới ngành khác như khoa học, viễn thông, vật lý…Chúng tôi cố gắng hết sức làm việc để cuốn hút các anh em trẻ nghiên cứu toán học trên thế giới. Đối với họ, câu hỏi có nên về Việt Nam hay không, lúc nào cũng đặt trên đầu. Cái chính điều kiện để cho họ về Việt Nam có thời gian và có cơ hội làm việc vì khi về họ không thể tìm ngay được việc làm ở các trường đại học, mặc dù điều kiện đó quá sang, nhưng khi họ về Việt Nam họ bắt đầu bằng việc triển khai một đề tài nghiên cứu cụ thể với đồng nghiệp Việt Nam, tạo cho họ triển khai nhóm nghiên cứu, đó chính là một bước đầu tiên giữ chân họ, lôi kéo họ về với đất nước. Đó là cái mong muốn và kỳ vọng của chúng tôi".

Cùng chung nỗi niềm của người làm toán, GS Nguyễn Hữu Việt Hưng, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội tâm sự: Nói rạch ròi toán học Việt Nam đang mạnh hay yếu, đang lên hay xuống phải thận trọng. Bất kỳ một từ quá ngắn gọn nào cũng không thể chuyển tải được. Không nên nhìn vào kết quả thi Olympic quốc tế, nhất là kết quả thi của một năm, mà nói là toán học Việt Nam đang đi xuống. Cũng không thể nói thế hệ trẻ hỏng hết. Bây giờ lớp U50 như chúng tôi cả lớp chuyên toán giờ cũng chỉ còn 2, 3 người là còn làm toán. Về toán đỉnh cao thì có thể nói thời điểm này đang đạt được kết quả tốt nhất. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, Chính phủ chi ra một số tiền đáng kể để tự đào tạo, tự lo cho sự phát triển của chúng ta. Mặt khác, cũng không nên đặt lên vai Viện NCCCVT tất cả những gì đang tồn đọng của toán học hay khoa học cơ bản.

GS Đàm Thanh Sơn, Viện Lý thuyết hạt nhân, ĐH Washington cho rằng, khoảng cách giữa khoa học cơ bản Việt Nam và các nước khác ngày càng tăng lên, chúng ta ngày càng tụt hậu. Ngay trong khu vực châu Á thì các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore đang có những nỗ lực phi thường để phát triển khoa học cơ bản. Họ không chỉ thu hút tài năng trong nước mà còn thu hút của nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Nếu ta không nỗ lực thì vị trí của ta sẽ ngày càng thấp. Lần đầu tiên ở Việt Nam có cơ quan khoa học đạt tiêu chuẩn thế giới, được hoạt động theo các phương thức của thế giới, đặt vấn đề tài năng lên cao nhất chứ không phải các vấn đề khác. Hiện nay thì các giáo sư về với Viện là tự túc kinh phí, nhưng về tương lai xa "tấm lòng" là không đủ mà cần có cơ chế mới tiếp tục được.

GS.TS Dương Minh Đức, ĐHKHTN-ĐHQG TP HCM bày tỏ, cần có sự tách bạch, việc đội tuyển Toán đi thi quốc tế của nước ta không đạt giải cao và thực tế sáu thành viên trong đội tuyển không theo chuyên ngành về Toán không có nghĩa là đội ngũ Toán học đang đi xuống. Vấn đề ở đây là các thầy ngày càng nghiêng về luyện thi với các mẹo để đoạt giải Olympic quốc tế chứ chưa chú trọng đến việc khơi gợi, nuôi dưỡng đam mê cho các em. Đây là sai lầm lớn. Việc thành lập ra Viện NCCCVT sẽ là nơi hội tụ, để các nhà Toán học của nước ta dù làm việc ở đâu cũng có nơi để trao đổi, kết nối, qua đó có thể thành lập những nhóm nghiên cứu thay vì những hoạt động rời rạc như lâu nay của các nhà Toán học…

Thu Phương
.
.
.