Các giải pháp chống ngập lụt cho TP HCM

Thứ Hai, 07/04/2008, 16:21
Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Văn Điềm thuộc Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh tại hội thảo "Quy hoạch thủy lợi phục vụ việc tìm kiếm giải pháp chống ngập lụt cho TP HCM" thì vấn đề thoát nước và chống ngập nước tại thành phố là rất phức tạp, khó khăn, đã nhiều năm người dân và chính quyền thành phố luôn phải đối mặt với chuyện ngập nước trong mùa mưa hay lúc triều cường.

Hiện tại, số điểm ngập lụt trên diện rộng đã lên tới 105 điểm, chưa kể những điểm ngập lụt cục bộ sau mưa trên nhiều tuyến phố do nước tiêu thoát không kịp.

Theo số liệu quan trắc của Công ty Thoát nước đô thị thành phố, từ năm 2003 đến nay, chỉ cần một cơn mưa với lượng nước trên 30mm là nhiều vị trí đã bắt đầu ngập; lượng mưa tới 60mm là xảy ra tình trạng ngập nặng, ngay cả khi nước triều đang thấp.

Với mục tiêu tìm giải pháp tốt nhất chống ngập lụt cho thành phố, dự án nêu trên có nguồn kinh phí đầu tư khổng lồ, lên tới 11 ngàn tỷ đồng hiện vừa được công bố rộng rãi để lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân và đông đảo người dân quan tâm.

Chỉ tính riêng khu vực thấp, chịu ảnh hưởng của ngập do thủy triều tại thành phố hiện đã lên tới 81.000ha (bao gồm cả diện tích rừng ngập mặn Cần Giờ), chiếm khoảng 40% tổng diện tích toàn thành phố.

Đề án đã chỉ ra 3 nguyên nhân gây ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh là mực nước triều dâng cao lưu lượng lũ thượng nguồn và lượng mưa nội tại lớn. Nhưng theo TS Tô Văn Trường thì cần bổ sung thêm nguyên nhân do hệ thống thoát nước của thành phố đã quá cũ, quá tải và xuống cấp.

Theo TS Trường, để giải được bài toán chống ngập lụt cho thành phố, cần đưa ra được những giải pháp toàn diện, cần hiểu rõ tình trạng ngập lụt, và "Xây dựng bản đồ ngập lụt là một trong những nội dung quan trọng phải thực hiện".

Theo ông Hồ Long Phi, giảng viên Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh: "Nhược điểm căn bản trong đề án của JICA là ít chú trọng đến yếu tố thủy triều".

Còn theo đề xuất trong đề án "Quy hoạch các giải pháp chống ngập cho TP Hồ Chí Minh" vừa được công bố, cao trình san nền tối thiểu tại khu vực ngã ba sông Đồng Nai - Sài Gòn, bao gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức sẽ cao lên 2,5m.

Với cao trình này, toàn bộ khu vực sẽ được đảm bảo chống ngập trong mọi tình huống, kể cả khi các hồ Trị An, Dầu Tiếng… xả lũ với tần xuất 0,5%, lúc mực nước biển dâng cao 0,7m. Nhưng chỉ cần nâng cốt nền mặt đất lên 1,5m, đã đòi hỏi phải có đến 200 triệu m3 đất và sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân cư.

Cũng theo tính toán của ông Phi, dự án này sau khi kết thúc giai đoạn 1 với số tiền đầu tư 4.000 tỷ đồng, hiệu quả cao nhất mang lại chỉ là cho khu vực Nam Sài Gòn và một phần diện tích nhỏ các vùng trũng thấp ven kênh rạch thuộc địa bàn các quận 6, 7 và 8, phần còn lại chủ yếu mới đang trong giai đoạn triển khai.

Trong khi đó, khả năng thoát nước hiện tại của hệ thống cống là hạn chế bởi tiết diện quá nhỏ, cần thiết phải tăng thêm tiết diện gấp từ 3 - 5 lần mới đáp ứng được yêu cầu.

Ông Phi đề xuất: "Khi chưa có một hệ thống kiểm soát triều trên diện rộng, cần có những công trình cục bộ để giải quyết tình trạng ngập triều, tiêu thoát nước cho những khu vực đô thị hóa hiện nay.

Đây sẽ là những bộ phận cấu thành nên dự án tổng thể sau này, vừa ít tốn kém, lại vừa giải quyết được vấn đề bức xúc hiện tại. Trước mắt, cần tập trung giải quyết dứt điểm những khu vực ngập nước cục bộ như Văn Thánh, Thanh Đa - Bình Quới, Thủ Đức, quận 12…"

Đức Thắng
.
.
.