CSGT đường thủy phía Nam: Gắn tuần tra kiểm soát với đấu tranh chống tội phạm

Thứ Bảy, 17/05/2008, 11:14
Luật Giao thông đường thủy nội địa đã có hiệu lực hơn 3 năm nay (từ ngày 1/1/2005), tình trạng phương tiện thủy nội địa không đăng ký, không đăng kiểm, người điều khiển phương tiện thuỷ không bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, bằng cấp, chứng chỉ giả; bến chở khách ngang sông không đủ điều kiện an toàn… vẫn còn xảy ra khá phổ biến.

Phải liên tục thiết lập trật tự kỷ cương trên các tuyến giao thông thủy

Theo Đại tá Vũ Văn Dùng - Phó Cục trưởng Cục CSGT đường thủy cho biết: TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố phía Nam có trên 1.600 sông, kênh, rạch với 15.355km chiều dài đang được sử dụng vào hoạt động giao thông thủy nội địa.

Những tháng đầu năm 2008, tình hình TTATGT đường thủy phía Nam có những diễn biến phức tạp, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao với đa dạng chủng loại trên các tuyến sông, kênh…

Nhưng tình trạng phương tiện không đăng ký, không đăng kiểm, người điều khiển phương tiện không bằng cấp, không chứng chỉ chuyên môn, không đảm bảo điều kiện an toàn phương tiện và bến chở khách ngang sông đang diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các địa phương phía Nam.

Các hành vi vi phạm TTATGT đường thủy như: phương tiện chở quá vạch mớn nước an toàn, chở quá số người theo quy định, lấn chiếm luồng và hành lang bảo vệ luồng, việc nuôi trồng đánh bắt thủy sản, khai thác cát sỏi lòng sông trái phép đã gây mất ATGT và cản trở đến hoạt động giao thông vận tải thủy nội địa… đang là những nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đối với ATGT đường thủy và là yếu tố tiềm ẩn TNGT đường thủy.

Quý I-2008, trên đường thủy các tỉnh phía Nam xảy ra 32 vụ TNGT làm chết 31 người, bị thương 6 người, chìm đắm hư hỏng 30 phương tiện (địa bàn TP Hồ Chí Minh nhiều nhất 8 vụ, Long An 5 vụ, Cà Mau 4 vụ).

Các địa phương không có tai nạn xảy ra là Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Trà Vinh, Kiên Giang và Khánh Hòa.

Cũng trong quý I-2008, lực lượng CSGT đường thủy phía Nam đã thực hiện 3.281 ca TTKS với 12.428 lượt CBCS, phát hiện 25.055 trường hợp vi phạm, đã xử phạt tiền 24.113 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước hơn 7 tỷ đồng.

Đặc biệt việc phối hợp giữa Cục CSGT đường thủy với Cục CSHS và Công an tỉnh Hậu Giang điều tra xác minh các đối tượng sử dụng, buôn bán và sản xuất bằng máy trưởng, thuyền trưởng tàu sông giả.

Đó là máy trưởng tàu sông giả (Lê Tấn Duy, 24 tuổi, quê quán Bình Định và Huỳnh Văn Cắt, 40 tuổi, quê quán Trà Vinh đều trú tại khu phố 1, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP HCM) và 1 đối tượng chuyên môi giới, trung gian, cò mồi Nguyễn Văn Tân (Tạo) 38 tuổi, quê quán Trà Vinh, chỗ ở ấp Vĩnh Hưng, xã Long Đức, thị xã Trà Vinh đã bị bắt quả tang.

Riêng Nguyễn Thị Liên (50 tuổi), hộ khẩu thường trú tại 46 chung cư Tân Quy Đông, phường Tân Kiểng, quận 7, TP HCM đã đến đầu thú tại cơ quan CSĐT Bộ Công an về hành vi móc nối với Huỳnh Văn Cắt làm giả bằng thuyền trưởng, máy trưởng tàu sông giả thu lời bất chính.

Gắn TTKS xử lý vi phạm với đấu tranh chống các loại tội phạm

Song song với nhiệm vụ TTKS đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa, lực lượng CSGTĐT phía Nam đã đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm…

Qua đó xác định tội phạm hoạt động nổi lên trên các tuyến sông nước là trộm cắp ghe máy, xuồng máy, đuôi chân vịt, hộp số ở các tỉnh TP Hồ Chí Minh, Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Sóc Trăng; trộm cắp các thiết bị, ắc quy, phao tiêu báo hiệu tuyến luồng hàng hải Định An - Cần Thơ trên sông Hậu qua các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và Cần Thơ, tuyến luồng hàng hải trên sông Sài Gòn - Nhà Bè - Soài Rạp của TP Hồ Chí Minh - Bà Rịa - Vũng Tàu; trộm đồ thờ cúng như chuông đồng, lư hương ở các chùa dọc ven sông các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Vĩnh Long, TP Hồ Chí Minh…

Qua TTKS, từ đầu năm 2008 đến nay, lực lượng CSGT đường thủy phía Nam đã điều tra phát hiện 25 vụ phạm pháp, 16 vụ buôn lậu vận chuyển hàng cấm, tạm giữ 20 đối tượng. Việc các phương tiện thủy vi phạm, lực lượng CSGTĐT chỉ tạm giữ bằng thuyền trưởng hoặc bằng máy trưởng sau đó xử phạt hành chính mà không khắc phục được hành vi vi phạm vì không hạ tải được và cũng không thể đưa phương tiện về đơn vị giam giữ được vì không có bến bãi.

Tình trạng chướng ngại vật ở tất cả các tuyến sông Trung ương và địa phương quản lý hiện vẫn chưa được giải quyết gây cản trở giao thông và là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông đường thủy khi các phương tiện lưu thông vào ban đêm.

Trong khi đó lực lượng CSGT đường thủy còn mỏng, địa bàn dài và rộng, phương tiện, nhiên liệu thiếu, trụ sở làm việc nhiều nơi còn tạm bợ, nhất là ở các trạm CSGT đường thủy Tân Châu (An Giang), kênh Nước Mặn (Long An), Trần Văn Thời (Cà Mau), cơ sở vật chất nghèo nàn, cũ, không đồng bộ…

Điển hình là Chuyên án trinh sát 507T của CSGT đường thủy Công an TP Hồ Chí Minh xác lập đã phối hợp với PC14 Công an TP Hồ Chí Minh và CSGT đường thủy Công an Long An khám phá băng nhóm trộm cắp, bắt 2 đối tượng cầm đầu người Campuchia là Nguyễn Văn Nhựt (31 tuổi), Nguyễn Văn Hùng (Lộc Nhỏ), 28 tuổi, thu 5 máy đầm rung.

Gắn TTKS xử lý vi phạm với chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm, lực lượng CSGT đường thủy đã và đang thiết lập trật tự kỷ cương, nền nếp trên các tuyến giao thông thủy phía Nam, góp phần kiềm chế sự gia tăng tai nạn trên giao thông đường thủy

Hà Thế Cương
.
.
.