Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bỏ họ tên cha và họ tên mẹ trong Chứng minh nhân dân công nghệ mới:

CMND công nghệ mới đã cấp vẫn có giá trị pháp lý

Thứ Ba, 16/04/2013, 09:10
Vừa qua, sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về việc bỏ họ tên cha, mẹ trong chứng minh nhân dân (CMND) công nghệ mới, nhiều người băn khoăn CMND đã cấp có còn giá trị pháp lý hay không và những tồn tại liên quan đến CMND công nghệ mới đã cấp sẽ xử lý như thế nào?

Để làm rõ vấn đề này, ngày 15/4, phóng viên Báo Công an dân đã có cuộc trao đổi với Đại tá Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, Bộ Công an về những vấn đề liên quan đến việc bỏ họ tên cha và họ tên mẹ ghi trên CMND.

Phóng viên: Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về CMND theo hướng bỏ họ tên cha, mẹ trong CMND công nghệ mới, những CMND đã cấp còn giá trị pháp lý không thưa đồng chí?

Đại tá Phùng Đức Thắng: Sau khi Bộ Công an thực hiện thí điểm về việc cấp CMND theo công nghệ mới tại 4 điểm của thành phố Hà Nội, có nhiều quan điểm trái chiều liên quan đến việc ghi họ tên cha và họ tên mẹ trong CMND.

Về việc này, Bộ Công an nghiên cứu tiếp thu và đã có Văn bản số 106/BCA ngày 12/3/2003 báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 3/2/1999 và Nghị định số 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 của Chính phủ về CMND theo hướng bỏ họ tên cha và họ tên mẹ trong CMND theo quy trình rút gọn của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp.

Sau khi nhận được báo cáo của Bộ Công an, ngày 2/4/2013, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an nghiên cứu tiếp thu và thực hiện theo đề xuất tại Văn bản số 106/BCA.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội đã soạn thảo xong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung đang chuẩn bị gửi xin ý kiến tham gia và dự thảo của các bộ, ngành liên quan.

Trong dự thảo Nghị định, ngoài quy định bỏ họ tên cha và họ tên mẹ cũng quy định các CMND đã được cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định.

Đến ngày 15/4/2013, Bộ Công an đã cấp 45.700 CMND công nghệ mới. Đối với các trường hợp đã làm thủ tục cấp CMND công nghệ mới trước khi Nghị định sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, Bộ Công an vẫn thực hiện cấp bình thường như trước.

Phóng viên: Những phôi CMND công nghệ mới có ghi họ tên cha và họ tên mẹ đang tồn tại sẽ xử lý thế nào sau khi Nghị định sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, thưa đồng chí?

Đại tá Phùng Đức Thắng: Do CMND công nghệ mới đang trong quá trình thực hiện thí điểm nên số lượng phôi in để phục vụ không nhiều. Vậy nên khi Nghị định sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, nếu các phôi CMND công nghệ mới còn tồn lại thì Bộ Công an sẽ sử dụng các phôi trên vào việc tập huấn cho cán bộ và thử máy để tránh lãng phí.

Phóng viên: Hiện tại, việc thí điểm cấp CMND công nghệ mới tại Hà Nội được tiến hành ra sao?

Đại tá Phùng Đức Thắng: Việc cấp CMND công nghệ mới tại bốn điểm (quận Hoàng Mai, quận Tây Hồ, huyện Từ Liêm và Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TP Hà Nội) vẫn tiến hành bình thường cho đến khi Nghị định sửa đổi, bổ sung theo hướng bỏ họ tên cha và họ tên mẹ có hiệu lực.

Phóng viên: Việc cấp CMND công nghệ mới có tác dụng gì trong đấu tranh phòng, chống tội phạm?

Đại tá Phùng Đức Thắng: Hệ thống CMND công nghệ mới có khả năng thu nhận, xử lý vân tay và dấu vết vân tay theo công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay, nên khi triển khai cấp, quản lý CMND công nghệ mới trên toàn quốc sẽ đáp ứng rất tốt cho công tác phòng chống tội phạmvà các yêu cầu của cơ quan chức năng về truy nguyên đối tượng cả về mặt thời gian và độ chính xác.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Phó Cục trưởng!

Nguyễn Hưng (thực hiện)
.
.
.