CAND phải là chỗ dựa của nhân dân trong đấu tranh trấn áp tội phạm

Thứ Tư, 17/09/2008, 09:14
Tại Hội nghị tổng kết công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm tổ chức sáng 16/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, việc tổng kết công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến nhằm tôn vinh những tấm gương quần chúng tiêu biểu không quản nguy hiểm, hy sinh, khó khăn, gian khổ, góp phần tạo môi trường xã hội lành mạnh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
"Phải xây dựng lực lượng CAND và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong sạch, vững mạnh, thật sự là lực lượng nòng cốt và có trình độ chuyên môn, trình độ pháp luật vững vàng, được trang bị cần thiết, là chỗ dựa vững chắc của nhân dân trong đấu tranh trấn áp tội phạm" - đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm (PCTP, 1998 - 2008) do Chính phủ tổ chức sáng 16/9.

Cùng dự Hội nghị có đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đại biểu đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương và Hà Nội, đại diện Ban Chỉ đạo (BCĐ) 138 các địa phương cùng hơn 200 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCTP.

Quan trọng nhất là được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân

Đánh giá hiệu quả phong trào, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, kết quả đạt được "có ý nghĩa chiến lược, tạo thế trận toàn dân PCTP, đưa công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm tiến lên bước mới".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Bộ trưởng Lê Hồng Anh và các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Duy Hiển.

Từ khi có Nghị quyết 09/CP của Chính phủ và Chương trình quốc gia PCTP đến nay, công tác đấu tranh PCTP nói chung, việc xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến nói riêng đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt trong phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, tội phạm về ma tuý, tham nhũng, buôn lậu...

Thủ tướng khẳng định, việc tổng kết công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến nhằm tôn vinh những tấm gương quần chúng tiêu biểu không quản nguy hiểm, hy sinh, khó khăn, gian khổ, góp phần tạo môi trường xã hội lành mạnh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Bên cạnh vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, sự tham gia của các cấp, các ngành, Thủ tướng chỉ rõ "quan trọng nhất là được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Những mô hình, điển hình tiên tiến được tôn vinh hôm nay là những hạt nhân của phong trào và kết quả đó". Thủ tướng cũng đã chia sẻ sự mất mát, hy sinh của những tấm gương dũng cảm quên mình trong đấu tranh PCTP, giữ gìn ANTT.

Thủ tướng cũng chỉ ra những khuyết điểm, thiếu sót như có nơi còn "khoán trắng" cho lực lượng chức năng. Một số nơi, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia PCTP còn hạn chế, việc phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn hiệu quả thấp.

Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng dung túng, bao che tội phạm

Từ thực tế đó, Thủ tướng nhấn mạnh, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, cần giải quyết tốt các vấn đề xã hội, trong đó đấu tranh PCTP có vai trò đặc biệt quan trọng, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết 09 của Chính phủ và Chương trình quốc gia PCTP.

Theo đó, có 7 nhiệm vụ chính cần phải quán triệt trong thời gian tới. Ngay trong nội dung thứ nhất, Thủ tướng chỉ rõ, các cấp, các ngành phải xác định công tác đấu tranh PCTP là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình và phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên. "Ở đâu không làm tốt công tác này, để tội phạm gia tăng, lộng hành, gây bức xúc trong nhân dân thì bí thư, chủ tịch UBND và thủ trưởng Công an địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng dung túng, bao che, tiếp tay cho tội phạm" - Thủ tướng yêu cầu.

Ngoài ra, Thủ tướng lưu ý, việc PCTP phải được lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác nhằm hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm. Trong PCTP, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải quán triệt quan điểm "lấy dân làm gốc", phát huy sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến để nâng cao hơn nữa công tác phòng ngừa tội phạm.

Đối với cơ quan chức năng, Thủ tướng chỉ rõ: Phải xây dựng lực lượng CAND và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong sạch, vững mạnh, thật sự là lực lượng nòng cốt và có trình độ chuyên môn, trình độ pháp luật vững vàng, được trang bị cần thiết, là chỗ dựa vững chắc của nhân dân trong đấu tranh trấn áp tội phạm.

Chủ trương có tính xã hội hóa cao

Trước đó, báo cáo tổng kết công tác này, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng BCĐ 138/CP cho rằng, qua 10 năm thực hiện việc xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến trong PCTP đã khẳng định về tính khoa học và thực tiễn của một biện pháp công tác quan trọng.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trao Bằng khen cho các tập thể.

Hiệu quả thiết thực của các mô hình, điển hình đã góp phần tạo môi trường ổn định, lành mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cải thiện đời sống nhân dân, làm cho nhân dân thực sự tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng; sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật được nâng cao, quần chúng đã đề cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng tham gia PCTP, bài trừ các tệ nạn xã hội.

Với vai trò nòng cốt, xung kích, lực lượng Công an thực sự là những mô hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tiêu biểu như Công an tỉnh Điện Biên hàng năm tăng cường hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ xuống cơ sở thực hiện "ba cùng" với dân; Công an Gia Lai có kế hoạch chỉ đạo, triển khai xây dựng điểm mô hình "quản lý, giáo dục đối tượng FULRO" tại xã Hà Bầu, huyện Đắc Đoa, cơ bản giải quyết tình hình phức tạp về an ninh chính trị ở địa bàn này; Công an TP Hồ Chí Minh tham mưu cho UBND thành phố tổ chức thực hiện mục tiêu "ba giảm"; Công an TP Đà Nẵng với mục tiêu "năm không, ba có"; Công an tỉnh Nam Định với công tác đảm bảo an ninh ở địa bàn có đông đồng bào theo đạo...

Nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả như: "Thôn, xóm, bản, làng, khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội", "Tổ an ninh xã hội" ở Thanh Hóa; mô hình "Hộ tự quản, số nhà tự phòng", "Ba quản bốn giữ" ở Hà Nội; "Tổ dân phố tự quản", "3 giảm", "5 không" ở TP Hồ Chí Minh; mô hình "Dòng họ tự quản về an ninh trật tự", "Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận" ở Nghệ An, Hà Tây, Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Long...

Tuy tên gọi, cách tổ chức, xây dựng mô hình mỗi nơi khác nhau nhưng có thể nhận thấy rất rõ vai trò to lớn của các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào PCTP. Thông qua các mô hình, người dân đã cung cấp cho Công an hàng triệu nguồn tin về an ninh - trật tự, trong đó có 50 - 60%, có nơi đạt 70% nguồn tin có giá trị.

Tâm lý người ngay sợ kẻ gian từng bước bị đẩy lùi

Đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm, mưu trí, không tiếc công sức và cả máu xương trong tấn công, truy bắt tội phạm; lăn lộn vì sự bình yên cuộc sống, tâm lý người ngay sợ kẻ gian đã từng bước bị đẩy lùi. Điển hình như ông Đinh Đình Phú là cán bộ hưu trí phường Ngọc Sơn, Đồ Sơn, Hải Phòng đã dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực, vi phạm đất đai tại Đồ Sơn; bà Nguyễn Thị Loan, giáo viên Trường THCS Yên Thắng, Yên Mô, Ninh Bình 6 lần mưu trí, dũng cảm bắt cướp; linh mục Lưu Viết Cẩn, xứ Xuân Dục, Xuân Ninh, Xuân Trường, Nam Định tích cực vận động giáo dân tham gia phòng, chống tội phạm; anh Nguyễn Anh Tuấn, đội phó dân phòng phường 5, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh... Nhiều điển hình trong số đó vinh dự có mặt và đọc tham luận tại hội nghị lần này.

Bên cạnh đó, những cán bộ Công an ở khắp mọi miền Tổ quốc mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, song vẫn luôn cố gắng vươn lên hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh - trật tự ở địa bàn cơ sở như: anh Rơ Châm Krun, Trưởng Công an xã Hà Bầu, Đắc Đoa, Gia Lai; ông Lê Hữu Dũng, Công an xã Xuân Hòa, Xuân Lộc, Đồng Nai tham gia bắt giữ, giải quyết trên 200 vụ việc ở địa bàn cơ sở...

Gắn việc xây dựng mô hình với củng cố hệ thống chính trị cơ sở

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Lê Hồng Anh đánh giá, qua các phát biểu tham luận của đại biểu tại Hội nghị, chúng ta thấy bức tranh sinh động về công tác PCTP ở cơ sở với những cách làm phong phú, sáng tạo, huy động đông đảo nhân dân tham gia, từ công nhân, nông dân, giáo viên, cựu chiến binh, chức sắc tôn giáo...

"Những mô hình, điển hình tiên tiến trong PCTP là những bông hoa tươi thắm nhất thể hiện sức phát triển mạnh mẽ của phong trào thi đua lập công trên mặt trận đấu tranh PCTP, đảm bảo an ninh - trật tự" - Bộ trưởng biểu dương.

Bộ trưởng Lê Hồng Anh phân tích những nét chính tình hình kinh tế - xã hội của đất nước có ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh - trật tự trong thời gian tới.

Bộ trưởng Lê Hồng Anh trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân.

Theo Bộ trưởng, khi nền kinh tế càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới và việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sẽ xuất hiện những mặt trái của hội nhập, cơ chế thị trường tác động trực tiếp đến diễn biến tội phạm.

Tội phạm hình sự sẽ phát triển ngày càng đa dạng và có xu hướng hình thành các tổ chức, đường dây, băng nhóm hoạt động có tính cơ động cao, liên kết giữa các vùng, miền để phạm tội. Tội phạm có tổ chức, hoạt động xuyên quốc gia, có tính chất quốc tế gia tăng.

Các nhóm tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp, các tệ nạn như nghiện ma tuý, tệ nạn mại dâm, cờ bạc có xu hướng gia tăng dưới nhiều hình thức là nguồn gốc phát sinh tội phạm. Tội phạm kinh tế, tham nhũng diễn biến dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong thời kỳ hội nhập WTO, tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại phát triển với nhiều hình thức tinh vi...

Trước diễn biến mới nói trên, Bộ trưởng chỉ rõ cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân PCTP, thực hiện Nghị quyết 09 và Chương trình quốc gia PCTP của Chính phủ, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị này. Sáu nhiệm vụ chính được Bộ trưởng chỉ rõ sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý, trên cơ sở 3 loại mô hình, tổ chức quần chúng tham gia PCTP tiêu biểu, hoạt động có hiệu quả đã được đúc kết từ thực tiễn và được khẳng định tại Hội nghị này, các địa phương cần sớm tổ chức nghiên cứu, lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương mình để tổ chức xây dựng kế hoạch, chương trình phù hợp, tránh hình thức, phô trương.

"Thông qua các mô hình, điển hình tiên tiến để theo dõi, nắm tình hình, tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ, thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản, từ đó tổ chức phòng ngừa, điều tra các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức có nguy cơ phát sinh, phát triển" - Bộ trưởng Lê Hồng Anh lưu ý.

Đề xuất Chính phủ lập Quỹ Phòng, chống tội phạm

Trong phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Lê Hồng Anh cho biết, BCĐ 138/CP đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các cơ quan hữu quan phối hợp Bộ Công an tổ chức nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cần thiết đảm bảo các tổ chức quần chúng tham gia PCTP ở cơ sở hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật.

Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và UBND các cấp cần có kế hoạch bổ sung, hỗ trợ kinh phí, trang bị phương tiện, tạo điều kiện cho các mô hình, điển hình tiên tiến, các tổ chức PCTP ở cơ sở hoạt động đạt hiệu quả; khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng phê duyệt, lập Quỹ phòng, chống tội phạm.

.
.
.